06/04/2011 10:16 GMT+7

Mỹ cảnh báo "đóng băng" chính phủ

XUÂN TÙNG
XUÂN TÙNG

TTO - Ngày 5-4, Tổng thống Mỹ Obama đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Chính phủ Mỹ bị tê liệt một phần vào cuối tuần này, nếu đến ngày 8-4 hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội không thỏa thuận về ngân sách cho sáu tháng còn lại của tài khóa 2011.

2IOuF9rY.jpgPhóng to
Tổng thống Obama trong cuộc họp báo ngày 5-4 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ đã tỏ ra mất bình tĩnh sau khi cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không đi đến một thỏa thuận nào.

Ông Obama kêu gọi hai phe Dân chủ và Cộng hòa “hãy hành xử như những người trưởng thành” và nhượng bộ lẫn nhau, đồng thời cảnh báo nền kinh tế vừa chớm hồi phục của Mỹ sẽ không chịu nổi cú sốc của việc chính phủ liên bang bị tê liệt.

Tổng thống Mỹ cho rằng nếu như hai phe trong Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về ngân sách trước hạn chót ngày 8-4 thì đây sẽ là một việc “không thể tha thứ được”.

Khoản tiền Quốc hội Mỹ duyệt chi cho hoạt động chính phủ sẽ hết vào 24g ngày 8-4. Nếu như ngân sách mới không được thông qua thì Chính phủ Mỹ sẽ bị tê liệt một phần. Việc này đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải tạm thời nghỉ việc, công viên quốc gia và các dịch vụ không thiết yếu khác sẽ phải đóng cửa.

Tranh cãi...

Tranh cãi hiện nay xoay quanh việc Đảng Cộng hòa muốn thực hiện lời cam kết với cử tri về việc cắt giảm ngân sách và quy mô hoạt động của chính phủ, còn phía Đảng Dân chủ lại phản đối quy mô và các hạng mục cắt giảm mà Đảng Cộng hòa đề nghị. Tình hình càng phức tạp hơn khi phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ còn phe Dân chủ lại đang kiểm soát Thượng viện - đồng nghĩa với việc hai bên bắt buộc phải thỏa hiệp.

Về phần mình, các nghị sĩ Đảng Dân chủ nói đề nghị cắt giảm ngân sách 33 tỉ USD đã được cả hai bên đồng ý. Tuy nhiên phe Dân chủ kịch liệt phản đối các hạng mục cắt giảm ngân sách mà phe Cộng Hòa đưa ra - Tổng thống Obama khẳng định sẽ không có việc cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, nghiên cứu y tế và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Boehner khẳng định chưa hề có thỏa thuận về việc cắt giảm ngân sách 33 tỉ USD. Ngày 5-4 vừa qua, Đảng Cộng hòa đã công bố kế hoạch cắt giảm 56 nghìn tỉ USD ngân sách chính phủ trong vòng một thập kỷ tới - hứa hẹn có thêm những cuộc tranh cãi gay gắt sắp tới giữa hai phe.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho khoản cắt giảm ngân sách lớn nhất có thể” - ông Boehner nói.

Hiện các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục bất chấp việc nhiều thành viên Đảng Cộng hòa cho biết sẽ không nhượng bộ. Tổng thống Obama cho biết sẽ tiếp tục triệu tập lãnh đạo hai đảng đến Nhà Trắng nếu như không có thỏa thuận nào trong ngày hôm nay 6-4.

Hệ lụy khi đóng cửa

Nếu hết ngày 8-4 hai bên không thể đi đến một thỏa thuận về ngân sách thì chính phủ bị đóng cửa, chỉ còn các dịch vụ thiết yếu tiếp tục hoạt động. Đây sẽ là đợt ngừng hoạt động lần thứ 16 của Chính phủ Mỹ kể từ thời cựu tổng thống Jimmy Carter.

Từ tài khóa 1977-1980, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa sáu lần, mỗi lần kéo dài từ 8-17 ngày. Từ tài khóa 1981-1995, Mỹ có chín lần đóng cửa chính phủ, mỗi lần kéo dài không quá ba ngày.

Lần chính phủ đóng cửa dài nhất là dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton với 21 ngày ngừng hoạt động. Hệ lụy của sự kiện này là khoảng 800.000 viên chức của các cơ quan liên bang phải nghỉ việc; việc xử lý thị thực, hộ chiếu và đơn gửi lên các cơ quan chính phủ bị chậm lại; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; tất cả các viện bảo tàng quốc gia và 368 công viên quốc gia bị đóng cửa khiến ngành du lịch và ngành hàng không mất khoảng 9 triệu khách du lịch.

Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy tổng thiệt hại của lần đóng cửa năm 1995-1996 này lên tới 1,4 tỉ USD.

XUÂN TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên