04/04/2011 14:02 GMT+7

Nhật sẽ xả 15.000 tấn nước nhiễm xạ thấp ra biển

PHAN ANH
PHAN ANH

TTO - Chiều nay 4-4, Hãng tin Kyodo cho hay lãnh đạo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang lập kế hoạch xả nước nhiễm xạ ra biển vào ngày mai để nhanh chóng cứu các lò phản ứng. Phóng xạ trong nước này cao hơn giới hạn cho phép 100 lần.

Read this on Tuoitrenews.vn

Tm0ihfCC.jpgPhóng to
Một bức ảnh do TEPCO cung cấp cho thấy nước từ hầm lò phản ứng số 2 đang đổ ra biển hôm 2-4 - Ảnh: New York Times

15.000 tấn nước này gom từ một vài điểm trong nhà máy, trong đó có một số gần các lõi phản ứng khiến công nhân không thể tiếp cận để xử lý các vấn đề kỹ thuật của lò.

Lãnh đạo TEPCO cho rằng đây là biện pháp cần phải áp dụng để gấp rút kiểm soát tình hình ở các lò, trong đó có việc khôi phục điện cho hệ thống làm mát.

Trong cuộc họp báo được phát trên trên truyền hình, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết: "Chúng tôi không còn lựa chọn và buộc phải thải nước nhiễm phóng xạ xuống biển như một biện pháp an toàn".

Báo New York Times hôm 3-4 cho biết các chuyên gia ước tính mỗi giờ có khoảng 7 tấn nước nhiễm xạ đang rò rỉ ra khỏi hầm dưới lò phản ứng số 2. Nước trong hầm này chứa 1 triệu becquerel iodine 131 mỗi lít, nghĩa là gấp 10.000 lần mức thông thường đo được ở Nhà máy Fukushima 1. Trong khi đó, lãnh đạo TEPCO nói chưa chắc chắn lượng nước nhiễm xạ đổ ra biển là bao nhiêu.

Trước đó, sáng nay Đài truyền hình NHK cho hay TEPCO vẫn đang dùng các biện pháp khác nhau để dò tìm và chặn nguồn nước nhiễm xạ cao chảy ra biển từ các lò phản ứng, đặc biệt là lò số 2, sau khi thất bại trong nỗ lực bít vết nứt bằng ximăng và rải bột thấm.

“Chúng ta cần phải ngăn chặn nước nhiễm xạ lan rộng ra đại dương càng nhanh càng tốt. Với quyết tâm đó, chúng tôi đã đề nghị Công ty Điện lực Tokyo phải hành động mau chóng, kịp thời”, chánh văn phòng nội các Yukio Edano phát biểu trong cuộc họp báo sáng nay.

TEPCO cho hay các công nhân đã bắt đầu đổ nước phẩm màu vào một đường ống nối với hầm đọng nước nhiễm xạ dưới lò phản ứng số 2, để họ có thể dò lại đường đi chính xác của nước rò rỉ.

Công ty này nói rằng nếu nỗ lực trên thất bại, họ sẽ bao bọc khu vực quanh hầm bị nứt bằng một loại hóa chất đặc biệt.

Trong khi đó, Hãng tin Kyodo cho biết TEPCO đang đắp hệ thống bờ bao bằng đất quanh cửa xả của lò phản ứng số 2 để ngăn nước phóng xạ lan rộng ra biển.

Hôm nay 4-4, Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu TEPCO nghiên cứu khả năng ngăn chặn phóng xạ từ bốn lò phản ứng bằng cách trùm toàn bộ các tòa nhà bằng tấm bạt khổng lồ. Các tòa nhà này cao 45m và chi phí để bao phủ chúng tốn khoảng 80 tỉ yen và cũng phải mất hai tháng mới hoàn thành.

Một số chuyên gia hạt nhân đang nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch này, và cho rằng việc đó sẽ chỉ có tác dụng hạn chế lượng phóng xạ phát thải vào môi trường chứ không thể ngăn chặn toàn bộ.

Giáo sư Keiji Miyazaki đến từ Đại học Osaka cho rằng sẽ có khả năng tấm bạt lớn đó sẽ bị rách vì nhiệt độ cao của lò phản ứng. “Điều cần kíp hiện nay là phải khôi phục chức năng làm mát của lò phản ứng”, ông nhấn mạnh.

Giáo sư Ikuro Anzai đến từ Đại học Ritsumeikan lập luận rằng về nguyên tắc, điều này có thể làm được nhưng sẽ có nguy cơ mức phóng xạ sẽ trở nên cực cao bên trong tấm bạt, khiến công tác cứu hộ nhà máy vô cùng khó khăn, trong đó có việc phun nước vào các lò phản ứng.

Một quan chức chính phủ cho rằng biện pháp này là do một công ty xây dựng đưa ra và họ không có kiến thức sâu rộng về nhà máy hạt nhân.

Kyodo dẫn lời Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho hay tính đến 10g sáng hôm nay (8g ngày 4-4 theo giờ VN), số người chết được xác nhận là 12.157 người, vẫn còn 15.496 người mất tích.

Chính phủ Nhật chậm trễ cung cấp thông tin phóng xạ

Sáng nay 4-4, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho hay Chính phủ Nhật Bản đã trì hoãn tuyên bố lượng phóng xạ mà máy tính đo được ở khu vực cách xa hơn 30km quanh Nhà máy hạt nhân Fukushima 1.

ELsCSrot.jpgPhóng to
Lượng phóng xạ mà máy tính đo được ở khu vực cách xa hơn 30km quanh Nhà máy hạt nhân Fukushima 1

Con số do hệ thống quan trắc mang tên SPEEDI do một viện của chính phủ được ủy nhiệm đo sau các vụ nổ ngày 16-3 ở Nhà máy Fukushima 1 đã vượt quá 100 milisievert/giờ trong nhiều khu vực cách Fukushima 1 hơn 30km - trong khi mức an toàn đối với người dân trong một năm chỉ là 1 millisievert.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 23-3, cơ quan chức năng mới công bố con số trên. Dữ liệu từ SPEEDI cho thấy phóng xạ cao đã phát tán ra vùng tây bắc và tây nam của Nhà máy Fukushima 1.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản chỉ ra lệnh cho người dân sống quanh Fukushima 1 trong vòng bán kính 20km đi sơ tán hoặc ở nguyên trong nhà và chỉ khuyến nghị những người trong vòng bán kính 30km di dời.

Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản nói rằng họ không công bố kết quả quan trắc đó vì địa điểm hoặc lượng rò rỉ phóng xạ tại thời điểm đó không được xác định chắc chắn.

Giáo sư Shigenobu Nagataki của Đại học Nagataki cho rằng chính phủ nên công bố thêm dữ liệu về mối nguy hiểm của phóng xạ và đề ra các giải pháp sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ngày 27-3 vừa qua, NHK từng đưa tin mức phóng xạ cao hơn 40% giới hạn một năm đối với người dân ở vùng cách xa Fukushima 1 hơn 30km, vào khoảng 1,4 milisievert ở thành phố Namie nằm về phía tây bắc nhà máy.

Tuy nhiên, đến nay Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa yêu cầu người dân sống trong bán kính 30km di dời hoặc ở cách ly trong nhà.

Kyodo đưa tin hôm 3-4, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết họ đã phát hiện lượng lớn phóng xạ trong các mẫu nấm ăn ở Iwaki thuộc tỉnh Fukushima.

Lượng iodine trong nấm là 3.100 becquerel/kg (giới hạn cho phép là 2.000 becquerel) và lượng cesium là 890 becquerel/kg (giới hạn là 500 becquerel). Cơ quan này đã yêu cầu chính quyền tỉnh đề nghị người dân không vận chuyển, buôn bán nấm từ Iwaki.

Trong khi đó, Bộ Khoa học cho biết các mẫu không khí mà máy bay trực thăng lấy về từ độ cao 160-650m của thị trấn Kawamata ở tỉnh Fukushima có mức phóng xạ 0,3 microsievert/giờ - cao hơn 10 lần con số trung bình trong không khí của tỉnh này.

“Phóng xạ đã lan rộng ở khoảng không gian trên cao của bầu khí quyển”, Bộ Khoa học kết luận.

Còn Bộ Giáo dục cho biết họ thấy mức phóng xạ giảm ở một số địa điểm thuộc vùng Tohoku phía đông bắc và vùng Kanto bao quanh thủ đô Tokyo. Mức phóng xạ ở tỉnh Ibaraki kế bên Tokyo giảm từ 0,187 microsievert/giờ xuống 0,18 microsievert/giờ, ở Tokyo giảm xuống 0,05 microsievert/giờ.

Sóng thần được ghi nhận cao tới 37,9m

Hôm 3-4, NHK dẫn lời các chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản cho hay cơn sóng thần ập vào nước này sau trận siêu động đất hôm 11-3 cao tới gần 38m, chứ không phải 10m như thông báo ban đầu.

Giáo sư Yoshinobu Tsuji và các cộng sự của Đại học Tokyo đã khảo sát thiệt hại của sóng thần ở quận Taro, thuộc thành phố Miyako của tỉnh Iwate, và thấy rằng sóng thần ập vào đây có độ cao 37,9m và dấn sâu vào trong đất liền 200m.

Ông Tsuji nói sóng thần lần này lớn như một trận sóng thần cách đây hơn một thế kỷ và cho rằng có thể con sóng đánh vào địa điểm khác còn lớn hơn. Con sóng thần lớn nhất được ghi nhận ở Nhật Bản cao 38,2m vào năm 1896 và cũng đánh vào tỉnh Iwate ven biển.

PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên