PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết hiện nay theo quy định của Chính phủ, nếu ghi nhận được động đất có độ lớn từ 3-5 độ Richter trở lên trên lãnh thổ VN, trung tâm lập tức gửi thông báo tới một loạt cơ quan hữu quan theo quy định.
Còn với sóng thần, nếu có động đất xảy ra trên biển từ 6,5 độ Richter trở lên, trung tâm cũng phải phát bản tin cảnh báo sóng thần, tức là toàn bộ thông tin đầu vào do trung tâm chịu trách nhiệm. Trong đó có ba địa chỉ đầu tiên phải nhận thông tin sớm nhất là Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Đài truyền hình VN.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết hiện tại ở VN có khoảng 24 trạm đo động đất phân bổ đều tại các tỉnh của cả nước. Tất cả thông tin đo được từ mạng lưới ghi chấn động động đất của VN, kết hợp với thông tin từ các trạm đo động đất của khu vực và thế giới được hiển thị qua sóng đo tại trung tâm 24/24 giờ với chế độ trực ca 24/24 giờ và suốt bảy ngày trong tuần. |
Về khuyến cáo đối với người dân khi xảy ra động đất, giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Lê Huy Minh cho rằng khi có động đất, tùy mức độ và tâm chấn có thể các khu vực cảm nhận ảnh hưởng khác nhau.
Tuy nhiên, với những người ở nhà cao tầng, nơi cảm nhận rõ nhất về động đất, phản ứng đầu tiên và cũng là kỹ năng ứng phó với động đất là ôm lấy đầu, núp vào gầm bàn hoặc núp dưới các khung cứng.
“Nếu động đất mạnh dẫn tới đổ nhà, nghiêng nhà thì dù có chạy nhanh cũng không kịp. Việc di chuyển ra khỏi nhà chỉ sau khi các rung chấn kết thúc để tránh các đợt rung chấn tiếp theo có thể xảy ra. Sau đó khoảng từ 30 phút đến một giờ nếu không có dư chấn tiếp theo thì quay về nhà. Còn ở các khu vực công cộng, nếu có cảm nhận động đất, nên tránh xa các nhà cao tầng” - ông Minh khuyến cáo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguy cơ xảy ra sóng thần tại các vùng biển của VN, TS Vũ Thanh Ca, viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường) - người chủ trì dự án xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển VN, khẳng định với kết quả nghiên cứu và các kịch bản tính toán, khả năng xảy ra sóng thần ở ven biển và hải đảo VN là không lớn.
TS Vũ Thanh Ca cho biết với những trận động đất tại vùng biển Philippines có cường độ từ 8 độ Richter trở lên, nguy cơ sóng thần ảnh hưởng đến VN có thể xuất hiện, nhưng thời gian di chuyển của sóng thần đến ven biển VN sẽ mất khoảng hai giờ.
Trong trường hợp này, người dân các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng tới Ninh Thuận cần di chuyển tới những nơi có độ cao từ 4-5m. Còn với những trận động đất khoảng 7 độ Richter tại vùng biển Philippines, người dân cần tránh xa khu vực bờ biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận