26/03/2011 06:50 GMT+7

Động đất ở Myanmar: Ít nhất 202 người thiệt mạng và bị thương

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TT - AFP cho biết Đài truyền hình nhà nước Myanmar khẳng định ít nhất 74 người thiệt mạng và 111 người bị thương. Nhà chức trách Thái Lan thông báo một phụ nữ 52 tuổi đã thiệt mạng ở quận Mae Sai khi nhà của bà bị sập, 16 người bị thương, trong đó có 7 người Myanmar và 5 người Trung Quốc.

Read this on Tuoitrenews.vn

smHs5pce.jpgPhóng to
Những người bị thương được đưa đến bệnh viện tại thị trấn Tachilek, phía đông bắc Myanmar ngày 25-3 - Ảnh: Reuters

Các quan chức Myanmar lo ngại con số này sẽ còn tăng cao khi lực lượng cứu hộ đặt chân được đến các khu vực xa mà hiện chưa thể tiếp cận được.

Gửi thông tin từ báo Shan - một tờ báo địa phương ở Myanmar, cộng tác viên Myanmar sống tại Thái Lan cho Tuổi Trẻ biết sáng 25-3, hơn 80 chiếc quan tài đã được bán ra ở vùng Tachilek, vùng Talerh-Monglane, cách khu biên giới Tachilek (Myanmar) - Maesai (Thái Lan) 48km về phía bắc.

Chia sẻ với những thiệt hại về con người và tài sản của người dân, ngày 25-3, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có điện thăm hỏi gửi đến lãnh đạo nhà nước Myanmar.

Myanmar thiệt hại nặng nhất

Không liên quan đến động đất ở Nhật Bản

Trung tâm Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) khẳng định trận động đất ở Myanmar nằm trên vết đứt gãy địa tầng hoàn toàn khác, không có liên quan đến trận động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản làm 27.000 người thiệt mạng và mất tích cách đây hai tuần.

Trận động đất ở Nhật có cường độ mạnh hơn với 9 độ Richter, xảy ra ngoài khơi và do đó là nguyên nhân gây ra sóng thần, nhưng tâm chấn trận động đất ở Myanmar nằm rất sâu trong lục địa nên không có cảnh báo sóng thần trong trường hợp này.

Tại Monglin, Kyatkuni, Tarlay và Tachilek, mỗi địa phương có hàng chục người chết. Riêng ở Tachilek, nhiều tòa nhà bị hư hại, bao gồm ba bệnh viện.

Tại các khu vực Tarlay, Naryaung và Monglin, ít nhất 390 nhà dân, 14 ngôi chùa, 9 tòa nhà chính quyền bị sập đổ. Phân nửa ngôi nhà hai tầng bị thiêu rụi, một người chứng kiến vụ việc kể với báo Shan. Một cây cầu ở Talerh, do Trung Quốc thi công, bị hư hại không thể sử dụng và rất nhiều khu vực bờ sông bị sạt lở.

Những người dân Myanmar kịp chạy khỏi nhà đã qua một đêm kinh hoàng ở ngoài trời. Một người dân tộc Mongyang cho biết: “Tôi chưa bao giờ trải qua một trận động đất mạnh đến thế này trong cuộc đời mình”.

Tại Yangon, giám đốc của Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Myanmar nói với AFP: các công trình hạ tầng ở khu vực Tachilek và Kengtung không bị thiệt hại nặng, dù nhiều tòa nhà bị nứt và nước bị cắt ở một số khu vực. Tình hình ở các vùng nông thôn gần khu vực Tam giác vàng mới đáng lo ngại hơn.

Một viên chức chính quyền giấu tên cho biết: “Số người thương vong và số thiệt hại sẽ còn tăng. Đường sá ở nhiều nơi bị cô lập”.

Trận động đất được coi là thảm họa lớn thứ ba ở Myanmar sau siêu bão Nargis năm 2008 và bão Giri năm 2010.

Cơ quan Địa chấn Thái Lan ghi nhận có 56 dư chấn dưới 5 độ Richter và sáu dư chấn trên 5 độ Richter tính đến sáng 25-3 ở Myanmar. Dư chấn cường độ từ 3 đến dưới 6 độ Richter được dự báo sẽ kéo thêm ít nhất một tuần.

Không có kinh nghiệm đối phó với động đất

17 du học sinh VN tại Chiang Mai đều an toàn

Tại Chiang Mai (Thái Lan), khoảng 17 sinh viên Việt Nam đang học ở Đại học Chiang Mai và Đại học Maejo đã liên lạc được với nhau. Tất cả đều an toàn. Anh Cù Ngọc Linh, thạc sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Chiang Mai, kể: “Tôi đang ngồi học và viết bài trên máy tính thì bỗng bị giật mạnh và đẩy về phía trước. Hai cái máy tính đều tắt phụt. Toàn bộ ký túc xá sáu tầng rung bần bật, có nhiều tiếng la hét của sinh viên ở các tầng 4, 5 và 6, trong khi mọi người rầm rập chạy khắp bốn phía. Hành lang và các con đường đầy người. Các sinh viên Việt Nam cũng gọi cho nhau í ới. Khoảng 12g đêm, mọi người trở về phòng. Một số ở tầng cao đến ngủ nhờ các phòng ở tầng trệt”.

Ở Thái Lan, ngoài tin tức về bà Hong Khamping bị thiệt mạng do tường đổ sập ở tỉnh Chiang Rai và một số ngôi nhà bị đổ sập, không có thiệt hại nghiêm trọng nào. Sáu bệnh viện ở khu vực phía bắc bị hư hại, một số ngôi chùa, công trình xây dựng và nhà dân bị nứt rạn.

Tân Hoa xã cho biết khoảng 60 dư chấn được ghi nhận ở phía bắc tỉnh Chiang Mai nhưng không có thiệt hại. Chấn động được ghi nhận ở hơn 10 tỉnh và thành phố khắp cả nước.

Ông Chalit Damrongsak, giám đốc Sở Thủy lợi, khẳng định không có nguy hiểm hay vết nứt nào đối với bốn đập thủy điện ở các tỉnh Chiang Rai - Mae Tak, Mae Sruay, Huay Chang và Nong Ngu.

Tại Lào, người phát ngôn của chính phủ Khenthong Nuanthasing cho biết chưa có báo cáo về thương vong sau trận động đất. “Chấn động ở thủ đô Vientiane là không mạnh” - ông nói.

Ở tỉnh Luang Namtha, rung lắc xảy ra rất mạnh nhưng không có thiệt hại đối với người và tài sản. Các tòa nhà bằng bêtông và cột điện vẫn đứng vững.

Còn ở tỉnh Bokeo, nhiều người dân chạy ra đường, có một số vết nứt nhưng không nghiêm trọng ở các tòa nhà và cũng không có thương vong. Không có báo cáo thiệt hại ở Trung Quốc.

Tại Thái Lan, đèn báo động màu đỏ trên các tòa nhà xoay tít mù sau khi mặt đất rung chuyển và mất điện. Ai cũng hoảng hốt và lo lắng. Nhiều người sống trên các lầu cao đã dựng lều ngủ qua đêm tại các sân thể thao chứ không dám về nhà.

Chia sẻ trên mạng LaoFAB, một người tên Khamla sống tại Luang Namtha cho biết: “Sau chấn động đầu tiên, các tòa nhà rung lắc và cột điện đu đưa rất sợ. Người dân sống trong các ngôi nhà 2, 3 tầng đều chạy ra đường. Có hai dư chấn xảy ra khoảng 23g30 và 2g30 sáng hôm sau. Dù không có thương vong ở Luang Namtha nhưng tình hình cho thấy người dân Lào hoàn toàn không biết phải làm gì khi có động đất.

Nhiều trận động đất với cường độ từ 5-7 độ Richter xảy ra ở bắc Myanmar và Thái Lan trong vòng 15 năm qua nhưng ít khi gây thiệt hại nghiêm trọng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên