17/03/2011 11:03 GMT+7

"Chúng tôi cần xăng dầu, nước và thức ăn"

XUÂN TÙNG
XUÂN TÙNG

TTO - Đó là lời kêu gọi khẩn thiết của ông Masao Hara, thị trưởng thành phố Koriyama, nằm cách Nhà máy Fukushima 1 khoảng 50km về phía đông.

"Tại Koriyama chúng tôi tiếp nhận rất nhiều người được sơ tán từ khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hiện đã là 9.000 người - AFP dẫn lời ông Masao Hara - Điều chúng tôi cần khẩn cấp bây giờ là xăng dầu,nước và thức ăn. Hơn tất cả chúng tôi cần nhiên liệu để sống còn. Mọi sinh hoạt đã bị tê liệt vì không có nhiên liệu - chúng tôi không thể sưởi ấm hay khởi động máy bơm nước”.

34AKbN1S.jpgPhóng to
Một bà mẹ ôm chầm lấy con gái khi tìm được cô - Ảnh: AFP
4aGuD1lm.jpgPhóng to
Nhân viên cứu hộ làm việc giữa trời tuyết - Ảnh: Kyodo News
II7MrfDB.jpg
Người già được di tản ở tỉnh Miyagi - Ảnh: Kyodo News

"Chúng tôi cũng cần sử dụng các phương tiện để thu nhặt rác thải. Tôi thực sự muốn kêu gọi cả thế giới: Chúng tôi cần giúp đỡ" - ông Hara nói.

Theo thống kê mới nhất, có khoảng 850.000 người ở phía bắc không có điện trong khi thời tiết lạnh cóng, và 1,5 triệu người không có nước sinh hoạt. “Chúng tôi thậm chí không có nước để rửa tay” - Katsu Sawayama, một cụ già 72 tuổi sống tại thị trấn Otsuchi, nói.

Nguy cơ xao nhãng cứu trợ

1.000 người sống sót tại thị trấn Otsuchi “không điện, không nước, gần như không thức ăn”, giữa lúc một trận bão tuyết đang thổi qua nơi này.

Reuters mô tả tình cảnh của 1.000 người sống sót tại thị trấn Otsuchi là “không điện, không nước, gần như không thức ăn”, giữa lúc một trận bão tuyết đang thổi qua nơi này, đẩy nhiệt độ xuống dưới 0 độ và phủ tuyết lên các đống đổ nát. Tại đây, một tô xúp đã là một xa xỉ phẩm, nhiều người chỉ nhận được một lát bánh mì để nuôi cả gia đình 3 người.

“Giờ đây chúng tôi ăn bất cứ thứ gì mà người ta đưa cho”, ông Sawayama nói.

Trong khi đó nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại việc Chính phủ Nhật Bản đang quá quan tâm đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima có thể gây ảnh hưởng việc hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân.

“Nếu đây là một quốc gia đang phát triển, có lẽ mối quan tâm hàng đầu sẽ là các dịch bệnh như tiêu chảy chẳng hạn - giáo sư Richard Wakeford thuộc Đại học Manchester nói - Tôi cho rằng mối quan tâm hiện giờ tại Nhật Bản nên là: Xử lý chất thải tại các khu sơ tán như thế nào? Tình trạng nguồn nước sinh hoạt của người dân ra sao?”.

Reuters mô tả hỗ trợ nhân đạo tại Otsuchi là “chậm và thưa thớt”. Mãi đến chiều 17-3 mới có một xe tải chở nước sạch đến và hai đội Chữ thập đỏ đến chữa trị cho người dân.

“Khi tôi đến nơi thì đã có rất nhiều người đổ bệnh, từ tiêu chảy cho đến các chứng bệnh khác. Thời tiết đang rất lạnh”, một nhân viên y tế tên Takanori Watanabe cho hay.

9Uf951CN.jpgPhóng to
Hàng nghìn người đang thiếu thức ăn - Ảnh: AP

Tuy nhiên bất chấp tình trạng tuyệt vọng, Reuters ghi nhận mọi việc vẫn ổn định và trật tự. Vào cuối buổi chiều, hàng đoàn người xếp hàng ngay ngắn để nhận thêm áo mặc, trong khi các nhân viên tình nguyện cho biết những chiếc áo ấm được nhường cho người già.

Mọi đóng góp, bạn đọc vui lòng liên hệ tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.

ĐT: (08) 39971010 - 0918033133

Những bạn đọc ở xa muốn đóng góp ủng hộ, mời các bạn chuyển khoản về tài khoản ngân hàng của báo Tuổi Trẻ:

Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM

VND: 102010000118248 - Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; USD: 007.137.0195.845; EUR: 007.114.0373.054.

XUÂN TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên