17/03/2011 11:37 GMT+7

Mức phóng xạ tăng cao tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

XUÂN TÙNG -  L.ANH  - TTXVN
XUÂN TÙNG -  L.ANH  - TTXVN

TTO - Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo và các nguồn tin nước ngoài, đến tối 17-3, mức phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vẫn tăng cao sau khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã dùng xe vòi rồng để phun nước vào lò phản ứng số 3 của nhà máy nhằm làm mát bể chứa nhiên liệu của lò này.

* Động đất 6,1 độ richter rung chuyển Nhật Bản

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết lượng phóng xạ đo được quanh tòa nhà hành chính của nhà máy đã tăng lên mức 4.000 microsievert/giờ. Mức phóng xạ có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe là 1.000 microsievert/giờ trong 1 năm.

Khoảng 30 tấn nước đã được phun vào lò phản ứng số 3. Tuy nhiên, đến tối 17-3, Đội cơ động số 1 thuộc SDF đã quyết định ngừng sử dụng vòi rồng sau gần một giờ đồng hồ nỗ lực, do lượng phóng xạ tại hiện trường quá cao, gây nguy hiểm. Theo tin mới nhận được, việc phun nước như vậy đã bước đầu mang lại hiệu quả trong việc làm mát bể chứa nhiên liệu của lò phản ứng này.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskow sẵn sàng giúp Nhật Bản ngăn chặn rò rỉ phóng xạ từ nhà máy trên, loại bỏ các hậu quả của sự cố này, trong đó có việc dập tắt các đám cháy xảy ra tại nhà máy Fukushima

Trong khi đó, giới chức Đài Loan (Trung Quốc) ngày 17-3 cho biết đã phát hiện mức phóng xạ cao hơn bình thường trên giày và quần áo của 25 hành khách đến từ nhiều thành phố khác nhau ở Nhật Bản.

Toàn bộ số hành khách trên đã được phép đi sau khi thay trang phục và rửa các thiết bị nhiễm xạ bằng nước. Trước đó, chính quyền hòn đảo này đã lắp đặt các thiết bị đo phóng xạ ở ba sân bay lớn và đã kiểm tra hơn 4.400 hành khách đến từ Nhật Bản.

Cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap đưa tin Hàn Quốc cũng phát hiện mức phóng xạ cao bất thường trên mũ và áo khoác của 3 hành khách đến từ Nhật Bản tại Sân bay Incheon. Tuy nhiên, kênh truyền hình YTN cho biết do mức phóng xạ này không gây hại tới sức khỏe cộng đồng nên 3 hành khách trên vẫn được nhập cảnh.

Động đất 6,1 độ richter rung chuyển Nhật Bản

Hôm nay 17-3, Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận động đất mạnh 6,1 độ richter đã xảy ra gần bờ biển phía Đông đảo Honshu ở Nhật Bản lúc 13g13 (theo giờ địa phương, tức 11g13 giờ Việt Nam).

Tâm của trận động đất ở độ sâu 25,3 km, cách Fukushima, nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 271 km về phía Đông. Tuy nhiên, hiện chưa có báo cáo về thiệt hại và thương vong sau vụ động đất này.

0WgPYwVA.jpgPhóng to
Xúc động khi gặp lại người thân trong khu trú ẩn ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate, sau động đất - Ảnh: AP

Phóng xạ vẫn cao sau khi máy bay đổ nước

Mặc dù sáng nay 17-3, máy bay đã đổ nước xuống các lò phản ứng nhưng, Công ty điện lực TEPCO cho biết lượng phóng xạ đo được tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vẫn không thay đổi nhiều sau khi lò phản ứng số 3 được làm mát từ trên không.

Sáng 17-3, 4 máy bay CH-47 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã trút nước xuống lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị hư hại do động đất và sóng thần.

Mỗi máy bay CH-47 trút hơn 7 tấn nước xuống lò phản ứng số 3. Công ty Điện lực TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, cho biết TEPCO sẽ triển khai lưới điện tạm thời nhằm hỗ trợ hoạt động bơm nước vào các lò phản ứng và các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Theo TTXVN, TEPCO cho biết Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tiến hành đổ nước từ máy bay trực thăng xuống lò phản ứng số 3 tổng cộng bốn lần trong thời gian từ 9 giờ 48 phút đến 10 giờ 01 phút.

Vào thời điểm lúc 10 giờ 20 phút, lượng phóng xạ đo được tại một địa điểm cách xa lò phản ứng số 3 khoảng hơn 100m là 3.752 microsievert/giờ, không thay đổi nhiều so với mức 3.782 đo được vào thời điểm ngay trước khi tiến hành đổ nước.

1OmHBpcl.jpgPhóng to
Máy bay CH-47 lấy nước để đổ vào các lò phản ứng sáng nay - Ảnh: Reuters

Bể chứa tại lò phản ứng số 4 đã cạn khô?

Các thanh nhiên liệu qua sử dụng ở lò phản ứng số 4 thuộc Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đã lộ ra ngoài, khiến lượng phóng xạ thoát ra ngoài ở mức “cực cao" - CNN dẫn nhận định của người đứng đầu Cơ quan Điều phối hạt nhân Mỹ (NRC) Gregory Jaczko ngày 16-3.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bày tỏ tin tưởng có thể cứu được hơn 26.000 người.

Theo Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người thiệt mạng do động đất gây sóng thần vừa qua đã lên tới 5.178 người, trong khi vẫn còn 8.606 người mất tích.

Ông Jaczko cho rằng các vụ nổ khí hydrogen tại lò phản ứng này xảy ra do các thanh nhiên liệu đã bị lộ ra ngoài.

“Chúng tôi tin rằng vụ nổ hydrogen đã phá hủy hộp chứa phụ và nước trong bể chứa các thanh nhiên liệu đã cạn khô. Điều này nghĩa là mức phóng xạ tại đây đã cực kỳ cao, có thể gây ảnh hưởng cho bất cứ nỗ lực nào cứu vãn tình hình”, ông Jaczko nói với CNN.

Mực nước trong bể chứa đóng vai trò bảo vệ và làm mát các thanh uranium trong bể. Nếu như không còn nước, các thanh này sẽ bị lộ ra ngoài, lớp zirconium bao bọc bên ngoài chúng sẽ phản ứng và sinh ra khí hydrogen gây nổ.

Robert Alvarez, cựu quan chức thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, nói tình hình tại lò phản ứng số 4 đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Ông Alvarez phỏng đoán tình hình có thể đã nghiêm trọng tới mức “cần có những sự hi sinh về nhân mạng” để cứu vãn.

XDHRVKIh.jpgPhóng to

Một người dân đạp xe giữa bão tuyết tại tỉnh Iwate - Ảnh: Kyodo News
dqm1aAUz.jpg
Người dân tìm kiếm đồ đạc còn sót lại trong nhà tại thành phố Sendai - Ảnh: Kyodo News

Trong 6 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima 1, 70% số thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 1 và 33% số thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 2 đã bị hư hại.

Theo một số đánh giá, lõi của các lò phản ứng số 1, 2, 3 được cho là đã bị nóng chảy một phần do hệ thống làm mát bị hỏng sau động đất.

Trước đó giáo sư Brenner thuộc Đại học Columbia cũng nhận định những công nhân còn ở lại Nhà máy Fukushima 1 đang đối mặt với mức phóng xạ có thể gây chết người.

Về kế hoạch sơ tán người dân khỏi khu vực Nhà máy Fukushima, ông Jaczko nhận xét chính phủ sơ tán người dân trong một bán kính rộng hơn nhiều, dù cho rằng “mỗi bên có cách đánh giá tình hình khác nhau”. Người phát ngôn Lầu Năm Góc David Lapan nói sẽ không có quân nhân Mỹ nào được phép tiếp cận trong vòng 80km xung quanh Nhà máy Fukushima.

Tình hình vẫn đang tiếp tục diễn biến xấu trong ngày 16-3, khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) báo cáo nhiệt độ trong các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng lên tới 62,7 độ C và 58,5 độ C tại lò phản ứng số 5 và số 6 - trong khi mức bình thường là 25 độ C. Mực nước trong lò phản ứng số 5 cũng đã giảm, theo thông báo từ Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản.

Trong khi đó, Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano hôm qua thừa nhận tình hình đang “rất nghiêm trọng” nhưng "vẫn trong tầm kiểm soát" khi đã có những hư hại tại ba lò phản ứng số 1, số 2 và số 3 tại Nhà máy Fukushima 1.

Ông Amano hôm nay sẽ đến Nhật Bản để đánh giá tình hình. Ông cho biết nỗ lực hiện nay ở Nhật Bản là tối đa.

Tiếp tục các nỗ lực

Kyodo News đưa tin hôm nay 17-3, cảnh sát Tokyo sẽ đưa đến một xe cứu hỏa chuyên dụng trong nỗ lực nhằm làm nguội bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò phản ứng số 3 và số 4.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết ưu tiên hàng đầu là lò phản ứng số 3 - lò phản ứng duy nhất có sử dụng plutonium trong các thanh nhiên liệu. Chất phóng xạ plutonium nếu đi vào máu người sẽ ảnh hưởng đến xương và gan, dẫn đến ung thư.

<?xml:namespace prefix = o />

Xem video trực thăng đổ nước xuống nhà máy hạt nhân Fukushima

Quân đội Mỹ thông báo sẽ hỗ trợ Nhật Bản một máy bay do thám không người lái Global Hawk để chụp hình bên trong toàn bộ nhà máy và lò phản ứng số 4.

Theo thông tin mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa cho biết SDF sẽ mượn máy bơm của lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản và phối hợp với lực lượng cảnh sát để bắt đầu phun nước bằng xe vòi rồng nhằm tiếp tục làm mát các lò phản ứng trong chiều ngày 17-3.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cho biết sẽ giám sát chặt chẽ lò phản ứng số 5 và số 6 để có các biện pháp đối phó thích ứng và kịp thời.

Ảnh hưởng của mức phóng xạ lên sức khỏe con người

Tính theo millisieverts (mSv), tác động tích lũy theo thời gian tiếp xúc

4KGSrmnW.jpgPhóng to

+ Vạch đỏ (nguy cơ cao): Nguy cơ nhiễm xạ gây chết người. Khả năng bị ung thư về sau này là rất cao.

- 10.000 mSv: Chết trong vòng vài ngày- 5.000 mSv: Một nửa số người bị nhiễm xạ ở mức này sẽ chết trong vòng 1 tháng- 2.000 mSv: bị nhiễm xạ nghiêm trọng

+ Vạch vàng (nguy cơ trung bình): không xuất hiện ngay triệu chứng gì rõ rệt nhưng tăng khả năng mắc các bệnh nghiêm trọng về sau

- 1.000 mSv: thêm 5% khả năng mắc ung thư- 400 mSv: mức phóng xạ trên giờ cao nhất được ghi nhận tại Fukushima cho đến nay Tiếp xúc liên tục 4 giờ có thể gây ra nhiễm xạ nghiêm trọng- 100 mSv: mức bắt đầu tăng xác suất gây ung thư

+ Vạch xanh (nguy cơ trong tầm kiểm soát):

- 20 mSv: mức thông thường mà một công nhân nhà máy điện hạt nhân phải tiếp xúc- 10 mSV: mức phóng xạ cho một lần chụp CT toàn cơ thể- 9 mSv:mức thông thường mà một nhân viên hàng không phải tiếp xúc- 0.1 mSv: mức phóng xạ cho một lần chụp X-quang ngực

+ Cột bên phải:

1- Mắt: tiếp xúc phóng xạ ở mức độ cao có thể gây đục thủy tinh thể vài tháng sau đó2- Tuyến giáp: Cơ quan sản xuất hormone rất dễ bị ung thư. Chất iot phóng xạ sẽ tích tụ ở tuyến giáp. Nguy cơ cao nhất là ở trẻ em3- Phổi: Khi hít phải bụi phóng xạ thì nguy cơ DNA bị tổn hại là rất cao4- Dạ dày: Tổn hại khi bụi phóng xạ được nuốt vào5- Bộ phận sinh dục: tiếp xúc phóng xạ mức độ cao có thể gây vô sinh6- Da: phóng xạ gây đỏ và cháy da7- Tủy xương: phóng xạ có thể gây bệnh bạch cầu và các chứng bệnh về hệ miễn dịch khác

Giám định bức xạ cho công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản

Hôm nay, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) và Cục an toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học công nghệ) đã có cuộc họp bàn về việc tổ chức kiểm tra bức xạ cho công dân VN trở về từ Nhật Bản.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho hay tại VN hiện có một số cơ quan của quân đội, Khoa điều trị phóng xạ… có thể kiểm tra được tình trạng nhiễm xạ. Những trường hợp trở về từ Nhật Bản (nhất là các vùng có khả năng nhiễm xạ) sẽ được kiểm tra và trong trường hợp bị nhiễm xạ, sẽ được điều trị.

Ông Nga cho rằng VN có kinh nghiệm về điều trị nhiễm xạ do từng phối hợp với Ucraina khi xảy ra thảm họa Chernobyl. Theo ông Nga, trường hợp nhiễm xạ nặng có thể tử vong, nhiễm xạ mức độ nhẹ hơn có thể bị ảnh hưởng tuyến giáp và lâu dài có thể mắc một số bệnh mãn tính khác.

Chính phủ Nhật Bản cảnh báo cắt điện diện rộng ở Tokyo

Tối nay 17-3, chính phủ Nhật Bản thông báo một đợt cắt điện bất ngờ sẽ diễn ra ở Tokyo, khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong khu vực do thời tiết lạnh.

Bộ Đất đai, hạ tầng, vận tải và du lịch Nhật Bản đã yêu cầu giảm số chuyến tàu điện vận hành vào giờ cao điểm tiêu thụ điện. Chính phủ Nhật Bản cũng kêu gọi các chủ doanh nghiệp và cá nhân tăng cường tiết kiệm điện.

Thông báo của chính phủ Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã thực hiện cắt điện luân phiên ngày thứ tư liên tiếp tại khu vực Kanto. Trước đó TEPCO thừa nhận vào sáng nay 17-3 thì nhu cầu sử dụng điện đã tương đương khả năng cung cấp hiện giờ của công ty.

Nhiều người lo ngại việc cắt điện luân phiên - dự kiến kéo dài đến tháng 4 - sẽ gây trì trệ cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Về diễn biến ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, TEPCO dự định sẽ nối đường dây điện bên ngoài để cung cấp điện cho hai lò phản ứng số 1 và số 2, nhằm hỗ trợ cho hệ thống làm mát tại đây. Một máy phát điện tạm thời cũng sẽ được lắp đặt tại nơi có mức phóng xạ thấp trong nhà máy.

TEPCO đã bác bỏ nhận định trước đó của người đứng đầu Cơ quan Điều phối hạt nhân Mỹ (NRC) Gregory Jaczko rằng “bể chứa ở các thanh nhiên liệu lò phản ứng số 4 đã cạn khô”, sau khi một trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản báo cáo đã nhìn thấy có nước trong bể chứa.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn hóa chất Nhật Bản Mitsubishi đã buộc phải ngừng hoạt động nhà máy hóa dầu lớn nhất cả nước tại tỉnh Ibaraki ở vùng đông bắc do thiệt hại gây ra bởi trận động đất hồi tuần trước.

Nhà máy Kashima sản xuất 830.000 tấn ethylene mỗi năm, đã bị hư hỏng bộ phận đường ống và cầu tàu sau trận động đất vừa qua. Việc Kashima bị đóng cửa có ảnh hưởng tới hơn 20 công ty vốn đang sử dụng ethylene của nhà máy này.

Nhật Bản cung cấp thông tin về thảm họa bằng tiếng Việt

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản ngày 17-3, Trung tâm Hỗ trợ đa ngôn ngữ về thảm họa động đất vùng Đông Bắc Tohoku - một tổ chức phi lợi nhuận ở Nhật Bản - vừa ra mắt trang web nhằm cung cấp thông tin đa ngôn ngữ và thu thập thông tin về những công dân nước ngoài đang ở các khu vực bị thiệt hại nặng nề bởi thảm họa động đất và sóng thần vừa qua ở Nhật Bản.

Trung tâm này do tổ chức phi lợi nhuận NPO có trụ sở ở thành phố (Otsu), thủ phủ tỉnh Siga (Shiga), phía Tây Nhật Bản. Trang web của trung tâm này có địa chỉ http://eqinfojp.net .

Ngoài tiếng Nhật, các thông tin trên trang web sẽ được cập nhật bằng 9 ngôn ngữ khác, gồm tiếng Việt, Anh, Trung, Hàn, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Phillippine, Indonesia và Thái Lan.

Hiện nay, trung tâm này đang có khoảng 15 tình nguyện viên cập nhật các thông tin đa dạng lên trang web trên, từ các lời khuyên trong cuộc sống hàng ngày cho đến các biện pháp để đối phó với thảm họa hạt nhân.

Ngoài trang web trên, trung tâm này cũng thiết lập các đường dây nóng bằng 4 thứ tiếng Anh, Trung, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đường dây nóng này sẽ hoạt động từ 9 giờ sáng cho đến 8 giờ tối (giờ địa phương). Trung tâm có kế hoạch thiết lập các đường dây nóng bằng các ngôn ngữ khác.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ thu thập thông tin về các công dân nước ngoài đang ở các khu vực bị thiệt hại nặng nề của thảm họa động đất và sóng thần vừa qua như các tỉnh Phưcưsima (Fukushima), Miyaghi (Miyagi) và Ioatê (Iwate). (TTXVN)

XUÂN TÙNG -  L.ANH  - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên