Phóng to |
Hải quân Hàn Quốc đột kích tàu Samho Jewelry hôm 21-1 - Ảnh: Reuters |
Cảnh quay cho thấy một đội biệt kích đi trên chiếc xuồng nhỏ áp sát con tàu và trèo lên đó giữa làn súng đạn. Sau đó, họ đột nhập vào một cánh cửa và đưa ra ngoài một số con tin. Đèn chiếu rọi xuống từ một máy bay trực thăng của hải quân Hàn Quốc và cuối cùng là cảnh những tên cướp biển phải quỳ gối đầu hàng bên các binh sĩ Hàn Quốc cầm súng trường trong tay.
Cuộc giải cứu được một tàu khu trục Hàn Quốc gần đó quay lại, cho thấy tàu hàng bị bắt cóc dính nhiều phát đạn.
Con tàu Samho Jewelry được giải cứu rạng sáng 21-1 sau một tuần bị bắt cóc. Trên tàu có 8 người Hàn Quốc, 2 người Indonesia, 11 người Myanmar. Không thủy thủ nào bị thương ngoại trừ thuyền trưởng bị bắn trúng dạ dày. Tuy nhiên, vết thương không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cuộc giải cứu được coi là thành công của tổng thống và quân đội Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngày 24-1, Hãng tin ABC của Úc cho hay cướp biển Somalia đã thề trả thù các thủy thủ Hàn Quốc.
“Chúng tôi không bao giờ có ý định giết các thủy thủ, nhưng giờ đây chúng tôi sẽ trả thù - một hải tặc tự xưng là Mohamed nói qua điện thoại - Chúng tôi sẽ không đòi tiền chuộc các tàu Hàn Quốc nữa mà sẽ đốt cháy nó ngay lập tức rồi giết tất cả thủy thủ”.
Giới hải tặc Somalia ở hai hang ổ bên bờ biển nước này cho hay đang đưa các con tin khác về đất liền để tránh các tàu chiến nước ngoài đi tuần và các cuộc giải cứu khác, nhưng không hề làm hại con tin.
“Hàn Quốc đã tự đưa mình vào rắc rối khi giết anh em của chúng tôi”, Mohamed nói từ căn cứ tại Garad.
Ngày 23-1, Malaysia cũng đột kích và giải cứu một tàu chở khối lượng dầu và hóa chất trị giá 10 triệu USD cùng 23 thủy thủ bị hải tặc Somalia bắt cóc ở vịnh Aden. Không ai bị thương vì được nhốt trong buồng an toàn và 7 cướp biển phải đầu hàng.
Malaysia cho biết họ tiến hành cách thức áp sát ngay lập tức sau khi cướp biển tấn công tàu và đã đưa thủy thủ vào buồng an toàn. Sau các vụ đột kích thành công này, các chuyên gia cho rằng có thể chiến thuật đối phó với cướp biển sẽ thay đổi. “Trước đây cách thức truyền thống là chờ đợi và để cướp biển đưa tàu về Somalia. Tôi nghĩ là cần phải mạnh tay hơn vì hải tặc ngày càng liều lĩnh” - David Johnson, giám đốc Công ty quản lý rủi ro Eos tại Mỹ, bình luận. Ông Johnson cho rằng có thể sau các vụ tấn công này cướp biển cũng thay đổi chiến thuật và lấy con tin làm bình phong nếu các lực lượng hải quân tấn công. Lực lượng hải quân liên minh châu Âu (EUNF) hiện vẫn kiên quyết không ủng hộ các cuộc tấn công tàu bị bắt cóc vì sợ gây hại đến các con tin. Phát ngôn viên của EUNF, ông Paddy O'Kennedy, cho biết bất cứ khi nào lực lượng của họ tiếp cận các tàu bị bắt cóc, hải tặc Somalia đều đe dọa giết con tin. Dẫn chứng tháng 4-2009, một người Pháp tên Florent Lemacon đã bị trúng đạn chết trong tình huống đấu súng giữa quân đội Pháp với hải tặc. Họ cho rằng các vụ bắt cóc tàu ở vịnh Aden đã giảm vì xuất hiện nhiều tàu tuần tra quốc tế, từ 117 vụ năm 2009 xuống còn 53 vụ trong năm 2010. Hiện cướp biển Somalia đang bắt giữ 29 tàu và 703 con tin. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận