Algeria: bạo loạn do giá cả tăng, 400 người bị thươngTunisia giới nghiêm, tổng thống lưu vong
Phóng to |
Phóng to |
Tổng thống Ben Ali khi còn đương quyền - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, văn phòng của Quốc vương Saudi Arabia Abdulla xác nhận sáng thứ bảy 15-1, Tổng thống Ben Ali cùng gia đình đã đáp máy bay xuống nước này.
Theo RIA Novosti, trước đó một nguồn tin giấu tên từ Pháp nói chính quyền Tổng thống Nicolas Sarkozy đã từ chối tiếp nhận ông Ben Ali tị nạn chính trị, do cộng đồng gần 1 triệu người Tunisia sống tại Pháp phần lớn phản đối vị nguyên thủ này.
Dù đạt được kết quả mong muốn, nhưng hiện tại người dân Tunisia đối mặt với một câu hỏi khác: điều gì tiếp theo sẽ đến với quốc gia Bắc Phi này?
Thủ tướng Mohammed Ghannouchi, một đồng minh lâu năm của tổng thống, đang tạm nắm quyền điều hành đất nước. Các nhà quan sát chưa rõ vai trò của quân đội trong việc chuyển giao quyền lực và liệu sự ra đi của ông Ben Ali có đủ để vãn hồi trật tự hay không.
Giọt nước tràn ly với những cơn thịnh nộ của dân chúng xảy ra vào giữa tháng 12-2010. Một thanh niên 26 tuổi đã tự thiêu nhằm phản đối việc cảnh sát tịch thu toàn bộ trái cây, rau quả anh bán để sống đắp đổi qua ngày. Anh Mohamed Bouazizi có trình độ đại học nhưng không có việc làm ổn định, phải cố gắng lao động để nuôi gia đình.
Hành động đó kích ngòi cho cơn giận dồn nén nhiều năm tại quốc gia này và cuối cùng dẫn đến một cuộc nổi dậy toàn diện của người dân.
Trong nhiều thập niên qua, Tunisia được tuyên truyền như một thành công trong thế giới Ả Rập, nơi có kinh tế mạnh hơn các nước láng giềng, quyền lợi phụ nữ được bảo đảm còn du lịch thì phát triển.
Nhưng các cuộc tuần hành phản đối gần đây phơi bày một bộ mặt mà bấy lâu nay chính quyền nước này che giấu: tình trạng nghèo đói ở nông thôn, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ không đảm bảo (tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ là 52%), và sự tức giận đối với Tổng thống Ben Ali - người đã cai trị Tunisia bằng “bàn tay sắt” từ năm 1987. Một bức điện tín ngoại giao của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ gọi Tunisia là “một chế độ cảnh sát”, nơi người dân ít thể hiện sự bất mãn ra mặt, còn ông Ben Ali đã không còn mối liên hệ gì với dân chúng.
Trong những giờ phút cuối cùng trên đất nước, Tổng thống Ben Ali vẫn tung ra những nỗ lực với hi vọng vãn hồi tình thế, như hứa sẽ giảm giá hàng hóa, không tái tranh cử năm 2014, tiếp theo là giải tán chính phủ, đồng ý một cuộc bầu cử công bằng trong vòng sáu tháng...
Trước khi có công bố chính thức việc rời ghế, ông Ben Ali ban hành tình trạng khẩn cấp, ra lệnh giới nghiêm bắt đầu từ tối thứ sáu (14-1); sáng hôm sau lệnh này được dỡ bỏ.
Chính quyền thừa nhận có ít nhất 23 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người dân với cảnh sát, nhưng phe đối lập cho rằng con số đó phải cao hơn gấp ba lần. Theo RIA Novosti, một phụ nữ Thụy Sĩ 65 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết trong đám đông hỗn loạn. Các công ty lữ hành đã và đang di chuyển hàng ngàn khách du lịch của mình ra khỏi Tunisia. Còn các hãng hàng không nước ngoài thông báo ngưng dịch vụ do không phận nước này tạm đóng cửa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức hoan nghênh “lòng can đảm” và “phẩm cách” của người dân Tunisia, kêu gọi “một cuộc bầu cử tự do và công bằng” trong tương lai. Liên minh châu Âu (EU) cũng thể hiện “sự ủng hộ và công nhận dành cho nhân dân Tunisia”.
Sự kiện tại Tunisia đang gây một tiếng vang lớn trong thế giới Ả Rập. Lời nhắn chúc mừng Tunisia tràn ngập trên blog, Twitter, Facebook. Nhiều người thậm chí đổi hình ảnh đại diện sang cờ Tunisia.
Các nhà quan sát nhận định sự ra đi của ông Ben Ali gửi một thông điệp tới nhiều vùng lãnh thổ trong khu vực, những nơi có nền kỹ trị độc tài, vì chỉ vài tháng trước đó không có dấu hiệu nào cho thấy nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm này tỏ ra yếu thế trước quần chúng.
“Phản ứng đầu tiên của tôi là sự nhẹ nhõm - bác sĩ Souha Naija tại Bệnh viện Charles Nicole nói - Ông ta đã đi khỏi... cuối cùng tôi cũng cảm thấy tự do”. Tuy nhiên tương lai trước mắt khá mơ hồ, bà thể hiện sự lo lắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận