15/01/2011 16:26 GMT+7

Thấy gì từ thông điệp 2011 của Thái Lan?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTCT - Trong thông điệp đầu năm 2011, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva báo cáo “bất chấp trở ngại và thách thức, nhân dân Thái đã cùng nhau vượt qua được. Tăng trưởng 7,9%, an sinh xã hội được cải thiện trong nhiều lĩnh vực”. Và ông vạch ra một kế hoạch cải cách mới.

csNE0rFV.jpgPhóng to
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đón tiếp hai tay vợt nữ hàng đầu thế giới Clijsters (bìa trái) và Wozniacki đến Hua Hin ngày 1-1-2011 để thi đấu quần vợt biểu diễn. Năm 2010, Thái Lan đón tiếp 15,7 triệu du khách quốc tế, thu được 580 tỉ baht (17,6 tỉ USD) - Ảnh: Reuters

Ấy thế mãi đến cuối tháng 5-2010, thủ đô Bangkok cùng vài thành phố lớn khác vẫn còn bị phe áo đỏ của cựu thủ tướng Thaksin uy hiếp trước khi trở thành một bãi chiến trường khiến 91 người chết, cả ngàn người bị thương, thiệt hại vật chất do bị đốt phá, hôi của lên đến 1,5 tỉ USD!

Nhờ phép lạ nào mà bảy tháng sau, Thailand Business News (4-1-2011) đã có thể đoan chắc “kinh tế Thái Lan năm 2011 sẽ không quay trở lại khủng hoảng dù có chịu tác động từ giá dầu và nguyên vật liệu tăng, lạm phát cùng tác động từ các nền kinh tế châu Âu và Mỹ”? Câu trả lời là “niềm tin vào một kế hoạch cải cách kinh tế nhằm giảm thiểu bất công, đồng thời thúc đẩy năng lực kinh tế toàn dân” (1).

Nếu tạm xem liên minh Dân chủ cầm quyền hiện tại, phe áo vàng, như một thứ “cánh tả” so với “cánh hữu” thân tài phiệt của các chính phủ trước (Thaksin, Samak) thì có thể hiểu tại sao Thủ tướng Abhisit lại nhấn mạnh đến “mục đích là hoàn thành hòa giải dân tộc qua giảm thiểu các dị biệt xã hội, đồng thời xây dựng công bằng hơn nữa” (2).

Trong thông điệp của ông Abhisit, tỉ lệ tăng trưởng GDP chỉ là một “tiểu tiết” so với thời gian dành cho quốc kế dân sinh gồm bốn lĩnh vực chính: tăng cường công bằng kinh tế, mở rộng an sinh xã hội, cổ vũ đi học và cải thiện hệ thống tư pháp. Mục đích tối thượng của kế hoạch này, theo Bangkok Post 2-1-2011, là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2010, Thái Lan vẫn giữ vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới với 9 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2009), thu về 5,3 tỉ USD

Chất lượng cuộc sống

Nếu biết rằng từ gần 20 năm trước (1992), GDP của Thái Lan đã vượt mốc 100 tỉ USD (chính xác là 109,426 tỉ USD) và năm 2010 vừa qua đã vượt mốc 300 tỉ USD (312,605 tỉ USD) (3), chia đều cho 67 triệu người được trung bình 4.656 USD/người thì có thể hiểu được ám ảnh của ông Abhisit không còn là “GDP là bao nhiêu?” mà “GDP chừng ấy mà sao vẫn có khối người không được hưởng sự thịnh vượng?”.

Ở Bangkok, các chiếc xe buýt miễn phí, sàn gỗ, ghế gỗ, sườn xe sắp mục vẫn đầy ắp người đến tận sau 9 giờ tối giữa “rừng” xe hơi mới. Bởi thế sau khi đã khuất phục được phe áo đỏ năm ngoái, tạm dập được ý đồ về nước phục hận của ông Thaksin, nay Thủ tướng Abhisit càng phải chú tâm đến dân sinh và tư pháp.

Thật vậy, khi mỗi năm vẫn có đến 46.000 học sinh tuổi từ 10 đến 16 phải bỏ ngang việc học (theo Bangkok Post, hiện có khoảng 1,7 triệu trẻ em không chính thức đến lớp), thì đó chính là những mầm mống khả dĩ của bất ổn xã hội. Chính vì thế mà ông Abhisit đề ra mục tiêu “cổ vũ đi học”.

Khi đất đai vẫn còn dễ rơi vào tay quan chức cùng các tài phiệt địa ốc, như trường hợp cựu đệ nhất phu nhân Thaksin tháng 9 năm ngoái bị tòa tuyên án phải trả lại nhà nước bốn lô đất mua “giá bèo” từ Quỹ đầu tư phát triển FIDF trực thuộc Bộ Tài chính, nay ông Abhisit có đề ra kế hoạch sử dụng ngân sách giúp người dân có đất canh tác cũng là điều dễ hiểu (4). Tất nhiên, liệu cấp dưới của ông có thực thi là vấn đề đặt ra từ thực tế.

Dẫu sao, ít nhất kế hoạch dân sinh bốn điểm của ông cũng thể hiện một ý muốn chính trị đặt khôi phục công bằng xã hội như là mục tiêu tối thượng. Phát triển xã hội không chỉ là tỉ lệ GDP, mà là làm gì cho cuộc sống người dân chất lượng hơn, UNDP vừa nhắc lại khuyến cáo này như là quy tắc cầm quyền nền tảng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Tuy nhiên, không vì thế mà Thủ tướng Abhisit xem nhẹ tăng trưởng kinh tế. Thật ra, trong một nền kinh tế thị trường có gốc gác như nền kinh tế Thái, mọi hoạt động hầu như đã “chạy trơn tru” bất kể chính phủ cánh nào cầm quyền, chỉ cần chính trường thôi ầm ĩ và bạo lực, guồng máy kinh tế ấy tăng tốc lại ngay. Tỉ lệ tăng GDP 7,9% của Thái Lan năm ngoái phản ánh điều đó.

Năm 2010, trong khi phe áo đỏ biểu tình, bạo động, nông dân Thái vẫn bình thản canh tác, các nhà nông học Thái vẫn không ngừng yểm trợ họ về giống và kỹ thuật. Hiệp hội xuất khẩu gạo vẫn xông xáo tìm kiếm hợp đồng, trông chừng giá cả cùng cơ hội “làm bàn”. Các chính sách thương mại, thuế khóa đã thành nếp chứ không còn “vừa làm vừa học” hay “vừa làm vừa bày” nữa, nên Thái Lan vẫn giữ vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới với 9 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2009), thu về 5,3 tỉ USD (The Nation 8-1-2011).

Trong khi đó, theo TBKTSG (8-1-2011), Việt Nam có tăng 15,4% về lượng và 21,2% về giá trị so với năm 2009, cũng chỉ xuất khẩu được 6,88 triệu tấn, thu được 3,23 tỉ đôla Mỹ. Hiện Thái Lan không chỉ hơn Việt Nam về lượng gạo xuất khẩu, mà cả về giá bình quân một tấn (588 USD so với 469 USD).

Cũng thế, guồng máy du lịch lữ hành của Thái, từ quan chức đến nhân viên sân bay, khách sạn, thậm chí cô matxa... cũng đã thành nếp từ lâu rồi. Từ một nơi nào đó định đi Thái Lan, hạ cánh xuống Bangkok bắt xe buýt đi Pattaya cho rẻ (chỉ mất 200 baht, không đầy 6 USD) và tiện (đưa đến tận khách sạn), chỉ cần vài cú nhấp chuột máy tính; đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Suvanrnabhumi, chỉ việc bước trăm bước là đến chiếc xe đợi sẵn!

Thế cho nên bất chấp biểu tình, bạo động kéo dài cả nửa năm, thậm chí đốt phá, chết chóc, The Nation (8-1-2011) cho biết năm 2010 Thái Lan đã tiếp đón 15,7 triệu du khách quốc tế, thu được 580 tỉ baht (17,6 tỉ USD), cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó là 14,5 triệu du khách và 530 tỉ baht.

Trong lúc không ít hãng hàng không quốc tế phải tuyên bố phá sản, như Mexicana Airlines của Mexico thành lập từ năm 1921 phải ngưng bay từ tháng 9-2010, thì một hãng hàng không thứ ba của Thái, Crystal Thai Airlines, sẽ khai trương vào ngày 30-1 với đường bay Bangkok - Seoul Incheon, sau đó là Busan (Hàn Quốc), Colombo (Sri Lanka), Clark (Philippines), Mumbai (Ấn Độ).

Tin này cho thấy giới doanh nghiệp Thái vẫn “sống khỏe” với chính phủ đương thời chứ không chỉ với chính phủ Thaksin, đồng thời ngành hàng không Thái không những vẫn giữ được ưu thế của mình trong khu vực Đông Nam Á mà còn tận dụng được vị trí địa lý cầu nối giữa Nam Á và Đông Bắc Á của Thái Lan.

Tuy nhiên, đáng kể hơn cả chính là việc đồng baht Thái vẫn vững vàng trước đồng USD: 1 USD hiện chỉ còn đổi được 30,3514 baht (sáng 9-1-2011) so với 33 baht ba tháng trước đó. Khi cả nền kinh tế vận hành trơn tru không bị “đắp mô” cản trở, không có những chi tiêu phi lý thì không có lý do gì để nền kinh tế ấy phải lao đao: lạm phát năm 2010 của Thái là 3,3%, mới chỉ chừng ấy mà người Thái đã lo sợ năm 2011 sẽ phải lạm phát cao hơn do giá xăng dầu tăng (The Nation 4-1-2011).

Trong phát triển xã hội và kinh tế, chẳng qua vấn đề cơ bản ở chỗ “mưu sự tại nhân” là vì lợi ích của số đông hay số ít. Chính phủ Abhisit đang nhắm vào số đông. Tất nhiên, không loại trừ trong chính phủ ấy có những “con sâu” đục khoét. Song vấn đề là sự đục khoét ấy có bị la làng hay không. Chừng nào còn la làng được trước tham nhũng, chừng ấy còn có cơ may giảm tham nhũng. Nhờ vậy Thái Lan xếp hạng 59 trên bảng xếp hạng tham nhũng năm 2010 do Tổ chức Minh bạch quốc tế lập ra.

__________

(1), (2) Thai economy to stay clear from crisis in 2011, January 4, 2011(3) www.tradingeconomics.com/.../GDP-Growth.aspx?...(4) Xinhua 2010-09-24

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên