Hai người bị cáo buộc là Veera Somkwamkid và Ratree Pipatanapaiboon. Họ là hai trong số bảy nhà hoạt động Thái Lan bị cáo buộc xâm nhập Campuchia bất hợp pháp hồi tháng 12-2010.
Phóng to |
Ông Veera (áo xanh, đi trước) đang bị Campuchia tạm giam chờ xét xử - Ảnh: The Nation |
BBC dẫn lời các quan chức Campuchia trích dẫn “các chứng cứ mới” cho thấy hai người này làm gián điệp cho Thái Lan. “Theo chứng cứ mới mà nhà chức trách thu thập được, chúng tôi cáo buộc hai trong số họ tìm cách thu thập thông tin ảnh hưởng đến quốc phòng của đất nước” - công tố viên Campuchia Sok Roeun nói. Luật hình sự Campuchia quy định tội làm gián điệp có thể bị phạt tối đa 10 năm tù.
Ở Thái Lan, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva khẳng định những người bị bắt “không hề có ý làm hại” Campuchia, trong khi Bộ Ngoại giao nước này đang tìm cách bảo lãnh cho những người bị bắt. Nhóm người nói trên bị Campuchia bắt giữ vào ngày 29-12 và bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực quân sự hạn chế ở nước này.
Các nhà phân tích theo dõi vụ việc này hết sức sát sao do một số người bị bắt giữ là thành viên của phe áo vàng Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD). PAD, với khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, coi các tranh cãi biên giới với Campuchia là một phần quan trọng trong cơ sở hoạt động chính trị của họ. Cả hai người bị buộc tội làm gián điệp đều là những thành viên PAD. Trong số những người bị bắt còn có dân biểu thành phố Bangkok của Đảng Dân chủ cầm quyền Panich Vikitsreth.
Thông tấn xã Thái Lan (TNA) cho biết các luật sư bên phía Thái Lan đã nộp hồ sơ xin bảo lãnh cả bảy người bị bắt vào ngày 10-1. Tòa án Pnom Penh sẽ có khoảng năm ngày để xem xét yêu cầu nói trên.
Mạng lưới những người Thái yêu nước, một tổ chức ủng hộ ông Veera, đã tổ chức tuần hành trước tòa nhà chính phủ tại Bangkok để gây áp lực yêu cầu chính quyền có lập trường cứng rắn hơn để Campuchia thả người. Họ cũng gửi một lá thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki Moon qua đường văn phòng LHQ tại Thái Lan yêu cầu can thiệp.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhắc lại rằng không ai được phép can thiệp vào quá trình tư pháp của Campuchia và chỉ có tòa án Campuchia mới có quyền phán xét về vụ việc này. Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng nói ông không nghĩ vụ việc sẽ ảnh hưởng đến ngoại giao song phương.
Trong ngày 10-1, Thủ tướng Thái Lan Abhisit đã có cuộc gặp khẩn cấp về vấn đề này với Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban, Bộ trưởng quốc phòng Prawit Wongsuwan và Bộ trưởng ngoại giao Kasit Piromya, nhưng Bangkok chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào.
Tin bài liên quan:
Thái Lan, Campuchia thương lượng vụ nhóm người Thái bị bắtCampuchia bắt 7 người Thái lanTòa án Campuchia xét xử 7 bị cáo Thái Lan
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận