02/01/2011 07:41 GMT+7

Virus tấn công lò hạt nhân

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Ngày 29-12-2010, Tổng thống Iran Ahmedinejad tuyên bố Iran đã trở thành “một quốc gia nguyên tử” cho dù các nước khác có công nhận hay không. Cùng ngày, phó thủ tướng Israel Moshe Yalon lại khẳng định sớm nhất cũng phải ba năm nữa, Iran mới có thể chế tạo được bom nguyên tử.

E29CrZg9.jpgPhóng to

Bên trong nhà máy hạt nhân Bushahr - Ảnh: Getty Images

Yalon giải thích chương trình nguyên tử “có mục đích quân sự” của Iran bị chậm lại hai năm so với những dự tính trước đây là do Iran đã gặp “nhiều khó khăn thực sự” trong thời gian qua. Nhưng, “những thách thức và khó khăn về công nghệ” hiện nay còn khiến Iran không thể tự mình chế tạo bom nguyên tử.

“Tôi hi vọng là Iran sẽ hoàn toàn không thể thành công được và những nỗ lực của Phương Tây có thể ngăn cản được Iran phát triển năng lực nguyên tử của họ”, ông Yalon nhấn mạnh..

Yalon không nêu rõ chi tiết “thách thức và khó khăn” cụ thể là gì, nhưng dư luận hiểu rằng đó chính là vụ virus Stuxnet đã tấn công hệ thống máy chủ điện toán của toàn bộ nền công nghiệp Iran hồi tháng 9 vừa qua, tiếp theo là việc hai nhà khoa học nguyên tử Iran bị ám sát hồi cuối tháng 11-2010.

Chưa rõ virus Stuxnet có khả năng phá hoại đến mức nào để có thể trở thành một vũ khí vô hình đủ sức phá hủy các cơ sở nguyên tử của Iran hay không? Nhưng, ít nhất loại virus vô cùng phức tạp, có khả năng “công phá tiềm tàng” này đã xâm nhập và “sống ngầm” trong hệ thống máy chủ điện toán điều hành của nhà máy điện nguyên tử Bushahr sắp được vận hành tại Iran đang khiến các chuyên gia lo ngại về một nguy cơ hạt nhân thực sự có thể xảy ra.

aawsat.com cho biết, trong một tài liệu “mật” của Iran, được một quan chức vùng Vịnh tiết lộ, Tehran đã có đề cập đến nguy cơ có thể nổ ra một thảm họa nguyên tử do hậu quả của vụ virus Stuxnet đã tấn công vào hệ thống máy điện toán điều hành lò phản ứng nguyên tử Bushahr sắp được vận hành.

Theo tài liệu này, nhóm chuyên gia Iran, được trao nhiệm vụ đánh giá thiệt hại của vụ virus này, đã không thể xác định được đầy đủ những nguy hại mà virus này có thể tạo ra trong tương lai, nhất là vào thời điểm vận hành lò phản ứng, được dự định vào tháng 1.2011. Người ta lo ngại những khiếm khuyết do virus Stuxnet để lại có thể gây ra một vụ Checrnobul mới khi những người vận hành mất kiểm soát lò phản ứng ngay ty khi khởi động.

Và trong trường hợp này, lò phản ứng có thể biến thành một quả bom nguyên tử nhỏ mà hậu quả tối thiểu là phá hủy hoàn toàn nhà máy điện nguyên tử này. Nhưng hậu quả môi trường của nó thì còn rộng lớn hơn nhiều, có thể khiến cả khu vực vùng Vịnh bị nhiễm phóng xạ.

Các nhà khoa học cho rằng biện pháp tốt nhất hiện nay là hoãn thời hạn khởi động lò phản ứng phát điện cho đến khi nào xử lý được mọi nghi vấn và tồn tại hiện nay, cụ thể là phải thay mới toàn bộ hệ thống máy chủ điện toán điều hành và kiểm soát hoạt động của lò phản ứng. Thời gian cho việc này phải mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Các chuyên gia cho rằng nhóm xử lý hậu quả vụ virus này của Nga và Iran là không có đủ khả năng kỹ thuật. Mặt khác, thời gian xử lý của nhóm xử lý này là quá ngắn khiến họ chưa thể kiểm tra chi tiết và đánh giá đầy đủ những thiệt hại kỹ thuật và công nghệ vốn rất phức tạp do loại virus này gây ra. Nếu vậy, rõ ràng là virus này đã chưa bị diệt hoàn toàn.

Các chuyên gia về nguyên tử nhấn mạnh cách an toàn nhất để tránh một thảm họa nguyên tử tại Bushahr là phải thay thế toàn bộ thiết bị giám sát hoạt động của lò phản ứng trước khi vận hành.

Mặt khác, virus tấn công này đã phá hỏng 1.000 máy ly tâm được sử dụng để làm giàu uranium của cơ sở Natanz. Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết Iran đã phải tạm ngưng hoạt động cơ sở làm giàu uranium này. Devid Olbright, giám đốc Viện khoa học và an ninh quốc tế, cho rằng nếu virus Stuxnet đã làm hỏng các máy li tâm làm giàu uranium thì có nghĩa là hoạt động của nhà máy này sẽ bị chậm lại.

Khi nghiên cứu về virus Stuxnet, Olbright phát hiện thấy virus này làm cho động cơ của các máy ly tâm tăng hoặc giảm tốc độ. Dẫn chứng tài liệu của chính phủ Iran, ông cho biết máy li tâm của họ được ấn định vận tốc 1.007 vòng/giây để tránh sự cố. Nhưng virus Stuxnet có thể làm cho vận tốc này tăng lên 1.046 vòng/giây.

Olbright kết luận: “Khi vận tốc thay đổi sẽ tạo ra độ rung, làm máy vận hành rất nặng và có thể phá hủy động cơ”.

Các chuyên gia an ninh cũng lo ngại hệ thống đảm bảo an toàn của nhà máy Bushahr đã không được thiết kế để chống virus xâm nhập và những hiểm họa từ bên ngoài. Điều đó có nghĩa là không thể tin tưởng vào các tiêu chuẩn hiện hữu để đánh giá độ an toàn cũng như độ tin cậy của các phân tích. Vì thế, họ cho rằng cần thiết phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống an toàn của nhà máy này.

Nếu chính phủ Iran, vì một lý do nào đó, không chịu tiếp thu những khuyến cáo của họ, thì họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu nhà máy điện nguyên tử Bushahr gặp sự cố quy mô lớn.

Nhưng “những người đứng sau vụ tấn công của virus này” sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn vì có thể họ đã gây nên một hiểm họa có khả năng đe dọa vượt mọi tầm kiểm soát. Theo một báo cáo khoa học, virus này sẽ tồn tại và hoạt động bên trong các hệ thống mà nó đã xâm nhập cho đến tháng 6.2012, còn sau đó, nó sẽ tự phá hủy mà không để lại dấu vết nào..

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên