Phóng to |
Chính quyền Hàn Quốc đã tổ chức lễ tang trọng thể cho hai người lính bị thiệt mạng trong vụ đấu pháo cách đây năm ngày - Ảnh: AFP |
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc một lần nữa lên tiếng khuyến cáo việc tập trận sẽ chỉ gây thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Trung Quốc luôn được cung cấp đầy đủ thông tin về cuộc tập trận và cuộc tập trận này không nhằm vào Trung Quốc.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để gây áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng và ngăn không cho các tai nạn bất ngờ xảy đến trên bán đảo Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn của CNN, chỉ huy quân đội Mỹ - đô đốc Mike Mullen - cho rằng Trung Quốc có vai trò không thể thay thế được trong việc tạo ảnh hưởng tới chính quyền Bình Nhưỡng. Trung Quốc tới nay vẫn khẳng định “ưu tiên hàng đầu” là kiểm soát được tình hình và đã hội đàm con thoi với các bên để giảm căng thẳng.
Dư luận quốc tế đang “nín thở” chờ xem phản ứng tiếp theo của CHDCND Triều Tiên khi cuộc tập trận chung chính thức diễn ra.
Hôm qua 27-11, Hàn Quốc đã tổ chức lễ tang cho hai người lính bị thiệt mạng trong vụ CHDCND Triều Tiên bắn pháo vào đảo Yeonpyeong hôm 23-11. Lễ đưa tiễn Seo Jeong Woo và Moon Kwang Wook được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia.
“Chắc chắn chúng ta sẽ trả thù CHDCND Triều Tiên - tờ Korea Times dẫn lời thiếu tướng You Nak Jun, chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc, khẳng định - Chắc chắn chúng ta sẽ đáp trả gấp hàng trăm, hàng ngàn lần thiệt hại (kẻ thù) đã gây ra”.
Phóng to |
Tướng Walter Sharp (giữa), chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, thị sát vùng đảo Yeonpyeong bị pháo của quân đội CHDCND Triều Tiên bắn phá ngày 23-11 - Ảnh: AFP |
“Sự kiện tập trận chung và phản ứng khó đoán định của CHDCND Triều Tiên đang khiến các nhà đầu tư ngày càng lo ngại - Kim Hyoung Ryoul, nhà phân tích thị trường tại Ngân hàng Investment & Securities, nhận định - Nỗi lo ngại chính là liệu Bình Nhưỡng có hành xử gì bất ngờ và vội vàng tiếp theo không?".
Tiềm năng quân sự của Hàn Quốc được đánh giá tiên tiến hơn nhiều so với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc theo đuổi chính sách không thể để một đốm lửa nhỏ thổi bùng lên thành cơn hỏa hoạn thiêu rụi tất cả, dập tắt nỗ lực thống nhất hai miền. Nếu chiến tranh xảy ra, một quốc gia công nghiệp phát triển như Hàn Quốc có khả năng thiệt hại hơn nhiều so với đất nước CHDCND Triều Tiên bế quan tỏa cảng với bên ngoài.
Cuộc tập trận hôm nay diễn ra ở ngoài khơi thị trấn Taean, cách xa nơi xảy ra vụ đấu pháo hai miền và là nơi tàu chiến Cheonan bị “CHDCND Triều Tiên bắn” (theo kết luận của ủy ban điều tra) chìm khiến toàn bộ 46 thủy thủ thiệt mạng. Các quan chức của tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JSC) cho biết họ đang theo dõi mọi động thái của quân đội Bình Nhưỡng.
“Các ụ pháo tầm xa triển khai dọc bờ biển phía tây nam của CHDCND Triều Tiên vẫn ở vị trí sẵn sàng hoạt động” - một quan chức JSC giấu tên nói.
Hãng tin Yonhap cho biết cuộc tập trận hôm nay có sự trở lại của tàu sân bay vận hành bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington và 10 tàu chiến tùy tùng. Đây là lần thứ hai tàu này trở lại Hoàng Hải trong năm 2010, lần trước là khi tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm. Sự hiện diện của nó đưa ra nhiều thông điệp: trấn an người Hàn Quốc và dằn mặt CHDCND Triều Tiên. Câu hỏi đầu tiên mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng hỏi khi có khủng hoảng quân sự ở nước ngoài là: “Chiếc tàu sân bay gần nhất đang đậu ở đâu nhỉ?”. Mỹ đã triển khai chiếc USS Enterprise tới vịnh Bengal trong chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971. Năm 1981, chiếc tàu chiến cũng tới ngoài khơi Libya. Năm 1996, khi căng thẳng với Bắc Kinh xung quanh vấn đề Đài Loan nổ ra, tổng thống Bill Clinton đã cử hai chiếc tới khu vực. Trong suốt những năm 1990, chính quyền Mỹ đã đưa ba tàu sân bay tới vùng Vịnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận