25/11/2010 07:18 GMT+7

Nước mắt chưa thôi rơi

VIỄN SỰ - LAN PHƯƠNG (từ Phnom Penh, Campuchia)
VIỄN SỰ - LAN PHƯƠNG (từ Phnom Penh, Campuchia)

TT - Hơn 1.000 người chết và bị thương trong thảm họa giẫm đạp ở Phnom Penh (Campuchia) có đến 80% là người dân ngoại thành và các tỉnh xa.

AEz3rO7S.jpgPhóng to

Hai chị em Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Văn Sóc ở ngoại ô Phnom Penh cùng ra đi sau cuộc giẫm đạp trong lần đầu đến đảo Koh Pich - Ảnh: VIỄN SỰ

Đảo Koh Pich (Kim Cương) vốn là một cồn cát nhỏ trên dòng sông Bassac. Khi trở thành một khu giải trí, dù nằm ngay bên hông sòng bạc xa hoa Naga World và rất gần hoàng cung, Koh Pich chưa hề có trong tour du lịch nào.

Ở đó, cho đến đêm xảy ra thảm họa cũng chỉ có những trò chơi quay số, gian hàng bán đồ rẻ tiền với ánh đèn chớp nhóa nhiều màu. Thị dân có tiền ở Phnom Penh không mấy ngó ngàng. Chỉ có những người dân quê nghèo ngoại thành mơ một lần đến thủ đô mới chọn Koh Pich vì đó là chốn vui chơi ít tiền và họ đã gặp nạn trong ngày hội Bon Om Thook.

Niềm háo hức thành bi kịch

Cô gái 22 tuổi Hong Srey Pov từ ngoại thành Phnom Penh đi xem hội với chị gái, cháu gái và mấy người bạn. Hong Srey Pov nói Koh Pich với chương trình ca nhạc đã cuốn cô và mọi người lên chiếc cầu Rainbow lấp lánh ánh điện. Chừng đó là quá đủ cho Hong Srey Pov gom góp tiền bạc để vào nội thành vui hội.

Khi có những tiếng la thất thanh, trên cây cầu bắt đầu có sự giẫm đạp, như bao người dân nông thôn khác Hong Srey Pov hoảng loạn không biết phải chạy đi đâu để thoát thân. Được cứu sống nhưng chuyến vui hội ở thủ đô đã cướp của Hong Srey Pov chị gái, cháu gái và người bạn thân nhất.

12 giờ đêm 23-11, chúng tôi gặp bà Bey Sokhom và người em So Suk trong Bệnh viện Preah Katok Mealea như hai người mất hồn. “Chúng tôi đã đi tám bệnh viện vẫn chưa tìm được cháu” - bà Bey Sokhom kể.

Đến từ Sihanouk Ville, hai người đã đi xe cả buổi sáng vào bệnh viện tìm gặp con khi nhìn thấy hình ảnh một thân thể nữ với chiếc áo và vòng đeo tay - nhưng khuôn mặt bị che kín - trên hình ảnh truyền hình. Bà Sokhom lại nhìn thấy bức ảnh đó thêm một lần nữa khi đến Bệnh viện Calmette.

Nhưng dù đã giở mặt các tử thi, xem hết các hình ảnh người đã chết và đi thêm bảy bệnh viện khác trong vô vọng, bà vẫn không thể tìm thấy con. Cô con gái 18 tuổi của bà xin lên thủ đô chơi lễ hội vào ngày thảm họa xảy ra.

Bà khăng khăng: “Tôi nhận ra đó là chiếc áo mới của con tôi. Cả cánh tay bị quặt xuống với chiếc vòng đeo tay của nó. Nhưng đến đây tôi không tìm thấy nó”. Nhiều người nhà quê như bà trong đêm cũng đang có những cuộc chạy đua đầy nước mắt với hàng trăm người gặp tai nạn khác.

Nước mắt tha hương

Đến 19g ngày 24-11, Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh xác nhận có 10 Việt kiều chết trong vụ giẫm đạp tại cầu Koh Pich và đều đã xác định được danh tính, trong đó có hai người là mẹ con và ba người là chị em và cháu trong một gia đình. Ngoài ra còn có 10 người bị thương và một người mất tích.

Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam đã đi về ngoại ô Phnom Penh và tỉnh Kandal để thăm hỏi các gia đình Việt kiều gặp nạn, hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 100 USD và người bị thương 50 USD.

Tại làng Pnum Makol, tỉnh Kandal, mẹ của chị Nguyễn Thị Nhớ ngồi trong chiếc ghe ọp ẹp đã được dọn trống dành chỗ cho quan tài của chị. Bà ôm cháu ngoại và nói trong nước mắt: “Lễ mà, nó đi bán cà phê thuê cho người ta hoài. Chỉ có ngày lễ mới gom được tiền đi Phnom Penh chơi. Người ta bảo thấy cây cầu mới đẹp quá nên nó mới tới”.

Thằng Đen mới 4 tuổi, con của chị Nhớ, ngồi ăn bánh trong lòng bà dì ngơ ngác nhìn rồi hỏi mẹ đâu bằng tiếng Việt bập bõm.

Cả nhà chị Nhớ theo chiếc ghe, nương dòng Mekong từ tận Đồng Tháp đến đây từ năm 1979. Họ sống trong một ngôi làng của người Việt ven dòng Tonle Sap, nghèo đến mức không có mảnh đất, cả đời mẹ, đời con xoay xở trên chiếc ghe mộc chật hẹp nhiều mục gãy. Quan tài của chị Nhớ được đặt trên mấy tấm ván sàn nhìn thủng xuống nước.

Sóng ì oạp, mẹ chị Nhớ mắt sưng húp chỉ tay lên bờ nói: “Em trai nó đi đào huyệt cho chị rồi”. Bà dì của chị Nhớ kể một bên cằm của chị bị vỡ nát, bên kia tím giập. Cả người chị không chỗ nào không mang vết thương từ cuộc giẫm đạp.

Ở một gia đình khác, ông Nguyễn Văn Thương nhắc đi nhắc lại tối lễ hội, quán cà phê nhà ông vẫn mở và ông bắt con trai Nguyễn Văn Chạy phải ở nhà phụ cha bán quán. Nhưng quán ế hàng, thằng bé lại háo hức xem truyền hình thấy người ta quảng cáo lễ hội dữ quá nên cứ vòi vĩnh mẹ cho đi xem. Chị Chăm Thị Dung nói trong ân hận: “Nó ôm tui rồi cứ năn nỉ, xuôi lòng lại cho nó đi...”.

Thi thể của Chạy chỉ vừa được cha mẹ tìm thấy và nhận về lúc 16g ngày 23-11. Chiếc quan tài đóng vội vẫn chưa xong. Em phải nằm lạnh mình trong chiếc mùng khuất sau bàn thờ. “Ở xóm Việt kiều này, Chạy là đứa duy nhất học đến lớp 12 trường Cam đó”. Mấy người già buồn bã lắc đầu quay lưng khi nhìn áo quan vừa được nhà đòn chở đến cửa...

Trong ngày đầu tiên đến Campuchia, chúng tôi đã gặp rất nhiều gương mặt người thân trong các bệnh viện gay gắt màu đất đỏ, ám nắng từ những miền quê xa lắc như Poi Pet, Battambang, Sihanuk Ville... về tìm con. Và hôm qua, theo bờ Mekong từ Phnom Penh qua Kompong Thom, về Kandal... người Khmer cũng như những Việt kiều xấu số, tất cả đều chung một nỗi đau uất nghẹn, trong lần về thủ đô Phnom Penh mơ một lần cởi bớt áo ruộng đồng.

Lính cứu hỏa Úc: Chính quyền Campuchia đã phản ứng nhanh

Ngày 24-11, báo Phnom Penh Post và đài truyền hình Bayon cho biết các thành viên Ủy ban điều tra của Chính phủ kết luận rất nhiều người trên cầu trong thảm họa tối 22-11 đến từ vùng nông thôn, do đó không hề biết rằng việc một chiếc cầu treo đung đưa do có quá nhiều người là chuyện bình thường. Do lo sợ cầu sập, nhiều người đã hoảng loạn và cố bỏ chạy dẫn đến vụ giẫm đạp kinh hoàng.

Cùng ngày, Phnom Penh Post cho biết số người thiệt mạng cuối cùng là 456 thay vì 378 như tuyên bố hôm 23-11, cộng với 750 người bị thương.

Báo Úc The Age cho biết trong số các đội cứu hộ và lính cứu hỏa có mặt tại hiện trường sau thảm họa xảy ra có ba lính cứu hỏa Úc Paul Hurford, Tim Erikson và Ryan Miller, đang ở Campuchia để đào tạo cho lực lượng cứu hỏa địa phương.

Ông Hurford đánh giá nhà chức trách địa phương đã phản ứng nhanh sau khi thảm họa xảy ra và sự lăn xả của lực lượng cứu hộ, cứu hỏa, cảnh sát đã cứu sống hàng trăm sinh mạng. Các lính cứu hỏa, dưới sự hướng dẫn của ba chuyên gia Úc, đã dùng máy khử rung và các biện pháp sơ cứu khẩn cấp để giúp những người bị thương phục hồi.

Hãng tin DPA cũng dẫn lời nhân chứng Sem Pagnaseth, một người bán hàng rong gần cây cầu, cho biết trước khi vụ giẫm đạp xảy ra có rất ít cảnh sát kiểm soát đám đông, nhưng sau đó cảnh sát đã nhanh chóng có mặt. Những người bị thương nhanh chóng được đưa đến bệnh viện.

Sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền Campuchia đã nhanh chóng thành lập ba ủy ban riêng rẽ để điều tra nguyên nhân vụ việc, xác định danh tính của các nạn nhân và tìm hiểu nguyên nhân cái chết của từng người. Do đó, danh tính của các nạn nhân đã nhanh chóng được công khai tại các bệnh viện để người thân, gia đình họ tìm thông tin. Theo báo Phnom Penh Post, đến hôm qua chỉ còn 40 thi thể chưa được nhận dạng.

TP.HCM thăm nạn nhân vụ thảm họa

Thừa ủy nhiệm của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM, ngày 24-11 bà Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP - đã dẫn đầu đoàn công tác sang chia buồn cùng lãnh đạo TP Phnom Penh, Vương quốc Campuchia và thăm các nạn nhân trong vụ thảm họa xảy ra ngày 22-11.

Đoàn đã chuyển thư chia buồn của Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đến ngài Kep Chuk Tema - bí thư Đảng bộ nhân dân, đô trưởng kinh đô Phnom Penh.

Đoàn đã chuyển tặng TP Phnom Penh 5 tấn thuốc và chế phẩm y tế (trị giá 50.000 USD) và 100.000 USD phục vụ công tác điều trị, khắc phục hậu quả thảm họa. Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết TP.HCM sẽ sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn nếu phía bạn có yêu cầu.

Tối cùng ngày, đoàn công tác của TP.HCM cũng đã đến thăm hỏi các nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Calmette, TP Phnom Penh.

Hôm nay (25-11), đoàn đến thăm và tặng quà một số gia đình kiều bào có người thân thiệt mạng trong vụ thảm họa.

Huy động 11.000 binh lính và cảnh sát ứng cứu thảm họa

uFXaMjto.jpgPhóng to

Ông Moc Chito - cục trưởng Cục Cảnh sát tư pháp Campuchia - trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Lan Phương

Ông MOc Chito - cục trưởng Cục Cảnh sát tư pháp Campuchia, trưởng ban điều tra thảm họa - cho biết: “Chính phủ đã huy động tới 11.000 binh lính và cảnh sát, chưa kể các lực lượng thiện nguyện vào cuộc sau thảm họa.

Đồng thời lập ngay Ủy ban quốc gia do Phó thủ tướng Sok An chỉ huy với sự tham gia của tất cả bộ trưởng, thứ trưởng. Tại bốn bệnh viện tiếp nhận nạn nhân có các tiểu ban nhỏ do thứ trưởng hoặc một tướng quân đội, cảnh sát chỉ huy”.

* Nhưng nếu không có phương án đúng thì việc ứng cứu thảm họa liệu có vận hành nhanh chóng như vậy?

- Đúng là không có kịch bản nào về thảm họa này nhưng để chuẩn bị cho lễ hội Bon Om Thook, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lực lượng, mời các chuyên gia của Việt Nam, Úc, Nhật Bản... tập huấn trước nên khi có sự cố đã phản ứng nhanh và khá hiệu quả.

Thủ tướng của chúng tôi, ông Hun Sen, trong đêm 23-11 đã không ngủ để chỉ huy cứu nạn. Điều đó giúp mọi người có trách nhiệm hơn.

* Là trưởng tiểu ban điều tra, ông có thể cho biết nguyên nhân của thảm họa này?

- Nguyên nhân ban đầu đã chắc chắn xác định là do cầu quá hẹp, người dân dồn hai đầu cầu vào giữa nên giẫm đạp, chồng lên nhau ba, bốn lớp. Đây là cây cầu treo, rất dễ bị rung nên mọi người càng hoảng sợ. Hai ngày nữa, chúng tôi sẽ công bố toàn bộ kết quả điều tra này.

VIỄN SỰ - LAN PHƯƠNG (từ Phnom Penh, Campuchia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên