02/11/2010 08:13 GMT+7

Nhật, Nga căng thẳng vì đảo tranh chấp

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Quan hệ Nhật - Nga trở nên vô cùng căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến thăm một hòn đảo trong quần đảo Kuril mà Tokyo và Matxcơva đều khẳng định chủ quyền.

Nhật Bản: Trên “đe” Kuril, dưới “búa” Senkaku!Nhật phản đối Tổng thống Nga thị sát đảo tranh chấp

EQeN7ogS.jpgPhóng to

Quần đảo Kuril và bốn hòn đảo mà Nhật và Nga tranh chấp (nằm gần đảo Hokkaido, Nhật) - Ảnh: Wikipedia

Theo Itar-Tass, hôm 1-11 Tổng thống Nga Medvedev đã bay đến đảo Kunashir (phía Nhật gọi là đảo Kunashiri) thuộc quần đảo Kuril và ở thăm trong bốn giờ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1945 một nhà lãnh đạo Nga đến thăm khu đảo tranh chấp với Nhật từ sau Thế chiến thứ 2.

Tại đảo Kunashir/Kunashiri, ông Medvedev cam kết sẽ xây dựng “một cuộc sống tốt đẹp hơn” cho người dân địa phương và khẳng định Matxcơva sẽ đầu tư để phát triển quần đảo Kuril. Trong chuyến thăm, ông Medvedev đã chụp ảnh một cầu tàu, đến một trạm năng lượng địa nhiệt, một nhà máy chế biến cá và một nhà trẻ trên đảo.

Chuyến thăm chớp nhoáng này đã lập tức gây nên những phản ứng giận dữ từ phía Nhật. Thủ tướng Nhật Naoto Kan tuyên bố chuyến thăm này là “rất đáng tiếc”. Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara, như báo Asahi đưa tin, đã triệu hồi đại sứ Nga tại Tokyo Mikhail Bely đến để phản đối và tuyên bố “sẽ có biện pháp trả đũa thích hợp”.

Sau khi rời Bộ Ngoại giao, đại sứ Nga Mikhail Bely tuyên bố với báo chí “đây là việc nội bộ của Nga” và kêu gọi Nhật “giải quyết vấn đề một cách điềm tĩnh và đúng mực”. Interfax dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố phía Matxcơva “không hiểu được phản ứng của Nhật”.

Hồi tháng 9, ông Medvedev đã mô tả quần đảo Kuril là “một phần quan trọng của nước Nga” và tiết lộ kế hoạch tới thăm, dẫn tới phản ứng dữ dội của Nhật. Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng chuyến đi của ông Medvedev sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Nhật, và nói thêm: “Tổng thống lên kế hoạch di chuyển trong nước một cách độc lập”.

Điều đáng chú ý là chuyến thăm của ông Medvedev lại diễn ra ngay trước khi ông bay đến Nhật để dự Hội nghị hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào giữa tháng 11. Giới quan sát nhận định thông điệp Nga muốn gửi tới Nhật là Matxcơva sẽ không từ bỏ chủ quyền bốn hòn đảo tranh chấp với Tokyo. Một số chuyên gia cũng đánh giá với chuyến thăm này, ông Medvedev muốn thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ đối với người dân Nga trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2012.

Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ của người dân Nhật dành cho Thủ tướng Naoto Kan đã giảm xuống chỉ còn 40% sau vụ Tokyo thả thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ vào đầu tháng 9-2010. Áp lực dư luận đối với ông Kan càng gia tăng khi mới đây, các nghị sĩ Nhật xem đoạn băng quay tàu Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) bắt tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và xác định thuyền trưởng Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu JCG.

“Nếu Nhật không thể có những bước đi thích hợp trong cuộc tranh chấp với Nga thì chính quyền ông Kan và Đảng Dân chủ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề” - Reuters dẫn nhận định của giáo sư chính trị Shigeki Hakamada thuộc ĐH Aoyama Gakuin (Nhật).

Quần đảo Kuril bao gồm 56 đảo, trải dài 1.300km từ phía đông bắc đảo Hokkaido (Nhật) đến Kamchatka (Nga). Nhật và Nga tranh chấp chủ quyền bốn hòn đảo Iturup, Shikotan, Habomai và Kunashir theo cách gọi của Nga (Etorofu, Shikotan, Habomai và Kunashiri theo cách gọi của Nhật).

Trên thực tế, Nhật quản lý bốn hòn đảo này từ năm 1855 đến 1945 và gọi chúng là lãnh thổ phía bắc. Bốn đảo này được sáp nhập vào Liên Xô ngày 18-8-1945, tức ba ngày trước khi Nhật tuyên bố đầu hàng. Etorofu được phía Nga gọi là Iturup, còn Kunashiri được gọi là Kunashir. Khi đó, Matxcơva đã di dời 17.000 dân Nhật sang Kazakhstan và Uzbekistan, đến năm 1946 thì tuyên bố bốn hòn đảo thuộc lãnh thổ Xô viết.

Năm 1956, khi Nhật và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã đề nghị trả lại hai đảo Shikotan và Habomai cho Nhật. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã không đi đến đâu. Năm 1991, tổng thống Nga Boris Yeltsin từng đề cập lại vấn đề này nhưng bị dư luận Nga phản đối quyết liệt.

Năm 2004, tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vài lần nhắc đến khả năng trả lại hai hòn đảo cho Nhật, nhưng phía Nhật cho rằng đề nghị này là không thể chấp nhận được. Sau khi ông Medvedev lên nắm quyền năm 2008, phía Nhật lại hi vọng có một sự thỏa thuận khi vào tháng 5-2009, Nhật cho rằng nhà lãnh đạo mới của Nga “có một cách tiếp cận độc đáo và mới” về vấn đề này. Nhưng từ đấy vẫn không có bước tiến bộ nào.

Năm 2005, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẳng định bốn hòn đảo này thuộc lãnh thổ Nhật và kêu gọi Nga trả lại.

Năm 2009, Quốc hội Nhật thông qua luật mô tả bốn hòn đảo là “phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật” và tuyên bố sẽ nỗ lực lấy lại các hòn đảo. Phía Nga gọi luật này là “không thể chấp nhận được”.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên