02/09/2010 07:48 GMT+7

Đàm phán Israel - Palestine: có thành công?

T.PHƯƠNG
T.PHƯƠNG

TT - Hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel đã có mặt tại Washington hôm 31-8 trong sự tiếp đón của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton để bước vào cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau gần hai năm chuẩn bị và thúc đẩy sẽ chính thức bắt đầu vào hôm nay 2-9. Tuy nhiên tại Bờ Tây, bạo lực lại bùng phát.

urHhOEwj.jpgPhóng to
Thi thể những người Israel thiệt mạng trong vụ xả súng ở Bờ Tây trong lễ tang được cử hành ở khu định cư gần Hebron hôm 1-9 - Ảnh: Reuters

Các tay súng Hamas, nhóm Palestine Hồi giáo kiểm soát dải Gaza, xả súng bắn chết bốn người Israel, trong đó có một phụ nữ mang thai, tại khu vực gần khu định cư Do Thái Kiryat Arba thuộc Hebron tối 31-8. “Đây chỉ là một trong chuỗi các vụ tấn công khác, một số đã bị xử và tiếp theo sẽ là những kẻ khác” - Abu Ubaida, người phát ngôn Hamas, cảnh báo trên Reuters. Đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào người Israel trong bốn năm qua ở Bờ Tây.

Nhà Trắng, Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đồng loạt lên án vụ giết hại ở Bờ Tây như hành động phá hoại tiến trình hòa bình tại khu vực. “Cuộc tấn công tàn bạo này cho thấy kẻ thù của hòa bình có thể làm những gì để ngăn chặn tiến trình này” - người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nói. Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ truy lùng và trừng trị thích đáng những kẻ gây ra đổ máu cho dân thường Israel. Khoảng 150 tay súng Hồi giáo đã bị bắt sau đó trong cuộc điều tra của lực lượng an ninh Palestine.

* “Netanyahu đang tìm cách câu giờ. Ông liên kết với những người tại các khu định cư Do Thái hơn là liên kết với cộng đồng quốc tế”

Mohammed Dahlan (cố vấn an ninh của Tổng thống Palestine Abbas, cho rằng thủ tướng Israel ưu tiên việc xây dựng hơn hòa bình)

* “Mức ngờ vực sâu sắc giữa Israel và Palestine tự nó đang là một trở ngại quan trọng”

Báo Jerusalem Post nhận định

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cho biết cuộc đàm phán sẽ không vì vụ tấn công mà ngưng lại. Trước đó, các cuộc gặp gỡ Palestine - Israel cũng thường bị bao trùm trong làn sóng bạo lực. “Sẽ không có sự thay đổi này. Chúng tôi cam kết hòa bình. Chúng tôi cam kết tiến tới phía trước và đạt được một thỏa thuận hòa bình với người Palestine” - người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định.

Theo lịch trình, ông Abbas và ông Netanyahu có buổi ăn tối với Tổng thống Mỹ Obama ngày 1-9 trước khi chính thức ngồi vào bàn đàm phán. Trước đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton, người sẽ chủ trì cuộc đàm phán, đã có cuộc gặp riêng với hai nhà lãnh đạo. Mỹ tỏ ra hết sức lạc quan về tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông này.

“Chúng tôi tin rằng các cuộc thương lượng sẽ hoàn tất trong vòng một năm. Chúng tôi sẽ tham gia với sự kiên trì và kiên nhẫn để mang đến một kết quả thành công” - đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông George Mitchell nói trên AFP. Cuộc đàm phán cũng có sự tham gia của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và vua Abdullah của Jordan.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Barak ngày 1-9 cho biết nước này sẵn sàng nhường một phần Jerusalem cho người Palestine trong khuôn khổ thương lượng. Theo đó, các khu vực được nhường có thể bao gồm thành phố cổ (Old City), nơi có ngôi đền linh thiêng thứ ba của Hồi giáo al-Aqsa, hai ngôi đền cổ của Do Thái giáo và một nhà nguyện. “Tây Jerusalem và 12 khu vực Do Thái với hơn 200.000 dân sẽ là của chúng tôi. Một chế độ đặc biệt sẽ ra đời cùng với các thỏa thuận về Old City, núi Olive và thành phố David” - ông Barak tiết lộ.

Trước đó, tổng thống Palestine đã dọa sẽ rút khỏi cuộc đối thoại trừ khi Israel kéo dài lệnh hoãn xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây có hiệu lực đến ngày 26-9. Tuy nhiên, vụ giết hại người Israel ngày 31-8 đã khiến những người định cư ở Bờ Tây tức giận, tuyên bố sẽ lập tức khởi động lại việc xây dựng các khu định cư.

Dù có nhiều lý do để hi vọng, như một môi trường đàm phán tích cực hơn, và số vụ bạo lực nhắm vào dân thường Israel đã giảm đáng kể..., giới phân tích cho rằng một thỏa thuận hòa bình là điều bất khả thi. Và thời hạn có được kết quả trong vòng một năm như Mỹ mong muốn là quá tham vọng đối với một quá trình đã thất bại suốt một thập niên qua.

“Những thay đổi mà Israel đang thực hiện ở Đông Jerusalem, bao gồm mở rộng khu định cư Do Thái và cơ sở hạ tầng, đang triệt tiêu khả năng khu vực này trở thành thủ đô của Palestine. Việc này dĩ nhiên sẽ phá hoại cơ hội có được độc lập của Palestine cũng như giải pháp hai nhà nước” - ông Ghassan Khatib cho biết trên tờ Media Monitor.

Trong khi đó, giới phân tích tại Trung Đông lại cho rằng cuộc hòa đàm không khác một chiến dịch quảng bá của ông Obama. “Mục tiêu thật sự của tổng thống Mỹ chỉ là nhằm nâng cơ hội của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới và sự ủng hộ dành cho mình” - Ghazi Rababaa, giảng viên chính trị học tại Đại học Jordan, nhận định trên DPA. Ngoài ra một khảo sát mới đây cho thấy có đến 75% người dân Palestine tin rằng cuộc đàm phán sẽ chẳng mang lại kết quả nào.

T.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên