Phóng to |
Lính cứu hoả vẫn đang chật vật với hàng trăm điểm cháy rừng ở Nga - Ảnh: AFP |
"Đám cháy đột ngột diễn ra do sét đánh trúng một cây thông và lan ra vùng xung quanh", công văn của trung tâm này thông báo.
Trước đó, lính cứu hoả từng vào dập lửa gần trung tâm nghiên cứu hạt nhân này, nằm cách thủ đô Mátxcơva 500km về phía đông và chứa các phương tiện hiện đại. Họ chuẩn bị ra về thì giám đốc trung tâm Valentin Kostioukov lại một lần nữa cầu cứu.
Trong khi đó, người dân rất lo ngại về tình hình môi trường ở vùng Bryansk tiếp giáp với Ukraine và Belarus, nơi đất vẫn bị nhiễm xạ từ thảm hoạ Chernobyl năm 1986. Họ cho rằng gió và lửa sẽ thổi bùng các phân tử phóng xạ đang nằm trong lòng đất, khiến chúng trở nên cực kỳ độc hại đối với sinh vật sống.
Các quan chức nói rằng không có gì phải lo sợ nhưng họ không đưa ra lời giải thích nào khác.
Khu vực hoả hoạn ở Nga đã giảm đi một nửa kể từ hôm qua, 11-8, nhưng vẫn còn hàng trăm điểm cháy rừng đang diễn ra và có thể dễ dàng bùng phát trở lại. Đến nay, lửa đang cháy trên 92.700 hecta.
Đến nay, đã có 165.000 lính cứu hoả và 39 máy bay tham gia dập lửa.
Sang sáng ngày 11-8, bầu trời Mátxcơva đã có dấu hiệu trong sáng trở lại sau một tuần bị khói từ các đám cháy rừng bủa vây.
* Ngày 11-8, khoảng 1.500 lính cứu hỏa Bồ Đào Nha đã được điều động để dập tắt gần 30 đám cháy lớn bùng lên tại 3 công viên thiên nhiên của nước này . Khoàng 250 nhân viên chữa cháy ở Công viên quốc gia Peneda-Geres ở Tây Bắc, công viên quốc gia duy nhất của Bồ Đào Nha, đang tìm cách đẩy lui ngọn lửa cháy rừng với sự tham gia của 70 xe cơ giới và 5 máy bay trực thăng. Các đám cháy cũng đã bùng lên ở Công viên tự nhiên Serra da Estrela, miền Trung Bồ Đào Nha, khu vực nằm trong mạng lưới bảo tồn gen sinh học của châu Âu, và Công viên tự nhiên Montesinhos ở miền Bắc. Khoảng 18.000 ha rừng và cây bụi rậm đã bị cháy kể từ đầu tháng 8 ở Bồ Đào Nha, nước thường bị cháy rừng vào mùa Hè. |
Trung Quốc: Mưa lớn tiếp tục đổ xuống vùng lở đất, 1.744 người chết
Ở Trung Quốc, cơ quan khí tượng cho biết một trận mưa lớn kéo dài ba ngày đang đổ xuống nơi xảy ra lở đất tại huyện Châu Khúc, làm ba người mất tích. Dự báo mưa lớn đã làm nhiều người lo ngại rằng không chỉ việc cứu hộ sẽ bị đình trệ mà nhiều trận lở đất sẽ còn xảy ra nhiều hơn.
BBC cho biết dự kiến mực nước mưa có thể lên tới 90mm. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại hiện trường đã thúc giục các nhân viên cứu hộ khẩn trương trước khi diễn biến thời tiết xấu thêm, nhưng ông cũng nhận thức được công việc hoàn toàn khó khăn.
Phóng to |
Một phụ nữ may mắn tìm được thi thể người thân - Ảnh: Getty Images |
Ngày 12-8, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết tổng số thương vong trong các vụ lở bùn diện rộng tại tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc đã tăng lên 1.744 người, 627 người hiện vẫn mất tích. Các lực lượng cứu hộ đã cứu được 567 người, trong đó 64 người bị thương nặng được điều trị trong bệnh viện.
LHQ phát động chiến dịch cứu trợ nhân đạo khẩn cấp
Ngày 11-8, LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia các chiến dịch cứu trợ khẩn cấp các nạn nhân thiên tai tại Pakixtan. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo John Holmes cho biết LHQ đang cần khẩn cấp 460 triệu USD để trợ giúp các nạn nhân lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan với số người chết hiện đã lên tới 1.600 người, 6 triệu người bị mất nhà ở cần cứu trợ khẩn cấp và 40 triệu người bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, hôm qua, quân đội Taliban đã thúc giục chính phủ Pakistan không nên nhận hàng cứu trợ từ nước ngoài vì phe này cho rằng điều này chỉ làm tạo cơ hội cho những quan chức tham nhũng trục lợi.
Phát ngôn viên phe Taliban Azam Tariq cho AP biết Taliban sẽ sẵn sàng tự bỏ tiền túi nếu chính phủ ngừng nhận cứu trợ nước ngoài. Đây không phải là lần đầu tiên Taliban có hành động này, trước đó phe này thường tấn công các đoàn viện trợ nước ngoài. Hiện tại vẫn chưa có phản ứng chính thức từ chính quyền Islamabad trong khi tổng thống Asif Ali Zardari đã trở về Pakistan.
Cảnh báo hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng trên toàn cầu Hôm nay 12-8, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo trong thời gian tới, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ tăng cả về tần số và cường độ. WMO cho biết nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt như lụt lội hoành hành ở phần lớn châu Á và Trung Âu, lở đất ở Trung Quốc, gió nóng và hạn hán nghiêm trọng ở Nga, Australia và khu vực Nam sa mạc Sahara tại châu Phi. Hoạt động gió mùa ở Nam Á và Đông Nam Á đã trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng La Nina đã tác động đến toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Các nhà khoa học của WMO cho rằng các hoạt động của con người đã làm tăng ít nhất gấp đôi nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường như hiện nay. Bài học rút ra từ những hiện tượng này có thể giúp các nước định hình những chính sách ứng phó thích hợp trong tương lai khi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên phổ biến hơn vào những thập kỷ cuối của thế kỷ này. Theo các nghiên cứu mới nhất của WMO, những mô hình biến đổi của khí quyển đã thay đổi lớn do biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết như El Nino và La Nina biến đổi rất khác với những ghi nhận được trước đây. Vì thế, nghiên cứu về các hiện tượng thời tiết tiêu cực đã trở thành một trong những trọng tâm khẩn cấp của Chương trình Nghiên cứu thời tiết thế giới của WMO. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận