28/06/2010 07:30 GMT+7

G-20: hướng tới cắt giảm thâm hụt, kinh tế cân bằng

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã khai mạc ngày 26-6 tại thành phố Toronto (Canada), ít giờ sau khi Hội nghị G-8 kết thúc. Đây là lần đầu tiên cả G-20 và G-8 cùng được tổ chức ở một quốc gia và là lần thứ tư G-20 nhóm họp kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu.

* Biểu tình ôn hòa biến thành bạo động

t7Gsbz1d.jpgPhóng to
Cảnh sát bắt giữ một người tham gia biểu tình tại Toronto, Canada ngày 26-6 - Ảnh: AFP

Xây dựng nền kinh tế toàn cầu ổn định hơn là mục tiêu các nhà lãnh đạo G-20 bàn thảo tại Toronto (Canada), nhưng đã không thống nhất được một giải pháp chung cho tất cả các nước giữa lúc hồi phục kinh tế diễn ra không cân bằng.

Theo Reuters, “cân bằng” là từ được các nước nhắc tới nhiều nhất. Các nước giàu và các nền kinh tế đang phát triển đều đồng ý sẽ phải cắt giảm một nửa thâm hụt ngân sách từ nay tới năm 2013 trong khi đảm bảo không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các nước cần thắt chặt các hành vi kinh doanh ngân hàng quá mạo hiểm nhưng đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động cho vay. G-20 cũng cố gây sức ép để các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Đức, Trung Quốc cần phát triển kinh tế dựa vào tiêu thụ nội địa nhiều hơn, trong khi các nước nợ như Mỹ cần thay đổi tư duy vay nợ để tiêu xài hiện tại.

G-20 bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và đang nổi trong năm ngoái đã cùng thống nhất bơm hàng nghìn tỉ USD để chống lại nguy cơ suy thoái. Các cuộc họp của nhóm đã trở thành diễn đàn quan trọng về điều phối chính sách kinh tế toàn cầu, được coi là hoàn chỉnh hơn của G-8 trước kia.

Với việc tăng trưởng còn trì trệ, Washington hiện lo ngại các biện pháp thắt lưng buộc bụng của châu Âu sẽ làm ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế - mối e ngại được nhiều lãnh đạo G-20 khác lên tiếng, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nói ông hiểu áp lực cần đưa các chi tiêu công trở lại con đường cân bằng nhưng cảnh báo các lãnh đạo G-20 về việc ai phải chịu các gánh nặng.

* Ở bên ngoài khu vực diễn ra hội nghị tại Toronto, khoảng 30.000 người đã tham gia biểu tình phản đối G-20. Một số đã kích động và biến tuần hành thành bạo loạn, đốt cháy xe cảnh sát, đập phá và cướp bóc các cửa hàng.

Cảnh sát trưởng Toronto Bill Blair thừa nhận họ rất khó khăn khi kiểm soát đám đông và đã bắt giữ ít nhất 180 người biểu tình.

Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các trưởng đoàn G-20 đã có buổi làm việc với chủ đề “Kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức”.

Quan điểm của Việt Nam là cơ bản chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực của G-20 đối phó với những thách thức trước mắt như thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát nhằm đảm bảo kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tránh nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước lan rộng thành khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, song song với quá trình này, các nước cần tiếp tục quan tâm đến các vấn đề mang tính dài hạn và cốt lõi như đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng và đều khắp của kinh tế thế giới và các khu vực; giải quyết các vấn đề phát triển, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển; đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Phó thủ tướng Úc Wayne Swan, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên