25/06/2010 06:59 GMT+7

Âu - Mỹ đối đầu

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Thay cho cuộc đối đầu Trung Quốc - phương Tây về vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ (NDT), Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ là “chiến trường” giữa Mỹ và châu Âu với chủ đề: thắt lưng buộc bụng hay tiếp tục kích thích kinh tế.

Qi28q961.jpgPhóng to

Những người bảo vệ môi trường đã có mặt ở Canada với chủ đề mới là dầu tràn ở vịnh Mexico - Ảnh: AFP

Do Bắc Kinh tuyên bố sẽ điều chỉnh linh hoạt đồng NDT, mọi tranh luận và chia rẽ tại Hội nghị G-20 (từ ngày 25 đến 27-6 tại Toronto, Canada) sẽ tập trung vào chiến lược kinh tế - tài chính trái ngược của Mỹ và châu Âu trong thời điểm hiện tại. Báo Wall Street Journal cho biết tại G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gây sức ép buộc các đối tác kinh tế như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada và Nhật cẩn trọng với kế hoạch thắt chặt tài khóa.

“Mục tiêu lớn nhất của chúng ta tại Toronto là đảm bảo và tăng cường quá trình hồi phục kinh tế - ông Obama viết như vậy trong lá thư gửi các nhà lãnh đạo G-20 cuối tuần trước - Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ các sai lầm trong quá khứ, khi các gói kích thích bị ngừng quá nhanh, dẫn tới những khó khăn kinh tế và suy thoái mới”.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo nhiều khả năng ông Obama sẽ nhận những cái lắc đầu từ phía lãnh đạo các nước. Sau thảm họa Hi Lạp, hàng loạt quốc gia EU đã thông qua những kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhằm tiết kiệm hàng chục tỉ USD, lập quỹ giải cứu khẩn cấp gần 1.000 tỉ USD. Tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang lo ngại tiếp tục kích thích kinh tế sẽ dẫn đến tình trạng bong bóng tài sản có nguy cơ bùng nổ bất kỳ lúc nào. Các nhà kinh tế bình luận một trong những lý do Bắc Kinh tuyên bố điều chỉnh linh hoạt tỉ giá đồng NDT là muốn kìm tỉ lệ lạm phát đang tăng cao.

Nước chủ nhà Canada cũng đang nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách xuống một nửa vào năm 2013. Báo Wall Street Journal cho biết mới đây Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty tiết lộ Canada đang phải chịu sức ép đưa ra những mục tiêu giảm thâm hụt và giảm nợ chắc chắn tại hội nghị Toronto. Nhật cũng đang theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng do công nợ đã tăng gần 200% GDP. Tân Thủ tướng Naoto Kan đang muốn tăng gấp đôi thuế tiêu thụ so với mức 5% hiện tại, giữ ngân sách quốc gia năm sau bằng mức năm nay.

Giới quan sát bình luận câu hỏi nóng nhất tại Toronto cuối tuần này là “Nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng là nhu cầu sụt giảm hay nợ tăng vọt?”. Wall Street Journal dẫn lời nhà kinh tế Kenneth Rogoff - cựu chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): “Chủ đề thảo luận hàng đầu tại G-20 là nên rút lại các biện pháp kích thích kinh tế nhanh hay chậm. Mỹ ở một thái cực và phần lớn thế giới ở thái cực kia”.

Trên thực tế, Mỹ đã gây sức ép buộc G-20 tập trung vào kích thích kinh tế từ hội nghị London (Anh) hồi tháng 4-2009, khi các nước EU muốn thắt chặt các quy định tài chính toàn cầu. Mỹ đã thắng trong cuộc tranh luận đó và các nước G-20 tăng chi tiêu trong năm 2009 và 2010 lên ít nhất 2% GDP để chống suy thoái. Nhưng lần này trong bối cảnh khủng hoảng nợ công làm châu Âu chao đảo, IMF dự báo con số này sẽ giảm mạnh trong năm 2011.

Ngoài vấn đề kích thích kinh tế/thắt lưng buộc bụng, G-20 còn nhiều bất đồng khác. Ví dụ như việc Mỹ và EU muốn áp thuế đối với ngành ngân hàng, trong khi Canada, Nhật và Úc phản đối dữ dội. Các chuyên gia bình luận những chia rẽ này đang đe dọa hiệu quả của G-20.

Việt Nam lần đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị chủ tịch ASEAN sẽ chính thức tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 (nhóm các nước có nền kinh tế lớn) lần thứ 4 tại Toronto, Canada trong hai ngày 26 và 27-6. Đây là lần đầu tiên VN tham dự hội nghị G-20 và trên cương vị chủ tịch đương nhiệm ASEAN.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 24-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết VN đại diện cho các nước ASEAN sẽ nêu những ưu tiên, tầm nhìn, quan điểm của ASEAN và khu vực trong việc giải quyết các vấn đề phát triển của kinh tế toàn cầu, tăng cường sự phối hợp của G-20 với các nước khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, trong đó có ASEAN.

Trước đó, Bộ Ngoại giao cho biết dự kiến VN đề nghị các nước G-20 đưa ra gói chính sách củng cố tài khóa mà không ảnh hưởng tới phục hồi chung của thế giới và viện trợ ODA cho các nước đang phát triển. VN cũng sẽ đưa ra sáng kiến thành lập cơ chế trao đổi giữa G-20 và nhóm các nước khác.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên