![]() |
Các y tá một bệnh viện ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan tiêm văcxin chống cúm A/H1N1 cho một phụ nữ có thai tám tháng - Ảnh: Reuters |
Cuộc điều tra của BMJ/BIJ đã phơi bày những xung đột lợi ích rõ như ban ngày giữa ngành công nghiệp dược phẩm, WHO và hệ thống y tế cộng đồng toàn cầu. Các nhà báo điều tra đã chỉ mặt điểm tên những nhà khoa học vừa có tên trong bảng lương của các tập đoàn dược phẩm, vừa là thành viên của những nhóm cố vấn cho các kế hoạch chống dịch cúm của WHO. Và trên thực tế WHO dù biết rõ nhưng chưa bao giờ công khai những xung đột lợi ích này.
Những nghi vấn từ năm 1999
Sự thiếu minh bạch đã làm lãng phí niềm tin mà công chúng thế giới đặt vào những tổ chức có uy tín lớn như thế và suy giảm niềm tin này có thể trở thành một nguy cơ trong tương lai Điều tra của BMJ/BIJ viết |
Sau dịch cúm gia cầm ở Hong Kong năm 1997, tháng 4-1999 WHO bắt đầu lên kế hoạch chống một đại dịch cúm toàn cầu có nguy cơ bùng nổ và đã công bố một tài liệu quan trọng “Kế hoạch dịch cúm: vai trò của WHO và các hướng dẫn cho việc lên kế hoạch quốc gia và khu vực”.
Phần chú thích của tài liệu có ghi rõ: R. Snacken, J. Wood, L. R. Haaheim, A. P. Kendal, G. J. Ligthart và D. Lavanchy đã chuẩn bị tập tài liệu này cho WHO, với sự hợp tác của Nhóm làm việc khoa học châu Âu về cúm (ESWI). Tuy nhiên, tài liệu này không tiết lộ một sự thật là Hãng Roche và các hãng sản xuất văcxin chống cúm đã cung cấp vốn hoạt động cho ESWI.
Hai chuyên gia René Snacken (thuộc Bộ Y tế Bỉ) và Daniel Lavanchy (nhân viên WHO), các đồng tác giả “Kế hoạch dịch cúm”, đều từng tham gia vào các hoạt động quảng bá cho Roche. Hai thành viên ESWI là giáo sư Karl Nicholson của ĐH Leicester (Anh) và Abe Osterhaus của ĐH Erasmus (Hà Lan) cũng đều có tên trong bảng lương của Roche từ năm 1998-2000.
Cả hai chuyên gia này từng tham gia chiến dịch thử nghiệm thuốc Tamiflu của Roche. “Đây rõ ràng không phải là một nhóm y tế độc lập” - giáo sư Barbara Mintzes thuộc ĐH British Columbia (Canada), thành viên Tổ chức Health Action International, bình luận.
Năm 1999, hai loại thuốc oseltamivir (Tamiflu) của Roche và zanamivir (Relenza) của GlaxoSmithKline cùng được tung ra thị trường. Cũng trong năm đó, giáo sư Osterhaus viết hàng loạt báo cáo cổ vũ việc sử dụng thuốc chống virut như Tamiflu hay Relenza trong các đại dịch. “Do thiếu nguồn cung cấp văcxin, các loại thuốc chống virut mới chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sứ mệnh giảm số lượng nạn nhân tử vong” - giáo sư Osterhaus viết. Hàng loạt chuyên gia khác cũng nối bước Osterhaus khuyến khích việc sử dụng Tamiflu và Relenza.
Cuối năm 1999, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy phép cho thuốc Relenza. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước đó Tổ chức y tế Cochrane Collaboration kết luận không thể xác định được hiệu quả của Tamiflu hay Relenza. Chính ủy ban cố vấn của FDA cũng bác bỏ Relenza với lý do loại thuốc này không có hiệu quả.
Bác sĩ Michael Elashoff, thành viên FDA, tiết lộ ủy ban cố vấn kết luận Relenza chỉ có tác dụng trấn an tâm lý khi bệnh nhân cúm đã sử dụng các loại thuốc khác như paracetamol. Nhưng cuối cùng FDA vẫn cấp phép cho Relenza. “Họ cho rằng sẽ an toàn hơn khi có một loại thuốc trên thị trường trong trường hợp đại dịch xảy ra - bác sĩ Elashoff cho biết - Đó không phải là một quyết định mang tính khoa học”. Một năm sau, đến lượt Tamiflu được FDA cấp phép.
Bên kia Đại Tây Dương, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMEA) cũng nghi ngờ hiệu quả của Tamiflu và Relenza. Điều đáng nói là hai chuyên gia tư vấn cho EMEA là Annike Linde (Thụy Điển) và René Snacken (Bỉ) đều có tên trong bảng lương của Hãng Roche. Bác sĩ Snacken còn là “chuyên viên liên lạc” với ESWI.
Tư vấn cho WHO, nhận tiền các hãng dược
Tháng 10-2002, các chuyên gia WHO nhóm họp ở Geneva để bàn việc phát triển các hướng dẫn của WHO về việc sử dụng văcxin và thuốc chống virut khi đại dịch cúm xảy ra. Có mặt trong cuộc họp là đại diện hãng Roche, Aventis Pasteur và ba chuyên gia đã giúp Roche bán Tamiflu là các giáo sư Karl Nicholson, Ab Osterhaus và Fred Hayden. Hai năm sau, WHO công bố báo cáo Các hướng dẫn của WHO năm 2004 về việc sử dụng văcxin và thuốc chống virut khi đại dịch cúm xảy ra.
Giáo sư Fred Hayden là tác giả Phần hướng dẫn đặc biệt về thuốc chống virut, trong đó có lời kêu gọi các nước tích trữ thuốc chống virut. Khi đó, ông Hayden là cố vấn của cả Roche và GlaxoSmithKline. Năm 2003, ông Hayden cũng là đồng tác giả một nghiên cứu của Roche, khẳng định Tamiflu giúp giảm 60% tỉ lệ bệnh nhân cúm phải nhập viện.
Giáo sư Arnold Monto, tác giả mục Sử dụng văcxin trong các đại dịch cúm, làm việc cho Roche, GlaxoSmithKline và ViroPharma từ năm 2000-2004. Giáo sư Karl Nicholson, tác giả mục Đại dịch cúm, được các hãng Roche, GlaxoSmithKline, Wyeth, Chiron và Berna Biotech trả lương. WHO cũng không hề công bố các xung đột lợi ích này trước khi xuất bản Các hướng dẫn 2004.
Điều đáng nói là trước đó, WHO đã công bố một loạt quy định chống lại các tình huống xung đột lợi ích. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn BMJ, người phát ngôn của WHO Gregory Hartl tuyên bố: “Tổng giám đốc WHO Margaret Chan luôn quyết tâm đảm bảo sự minh bạch”. Tuy nhiên, văn phòng của bà Chan liên tục từ chối yêu cầu của BMJ đòi công bố mối quan hệ tài chính của các chuyên gia cúm.
“Những người có quan hệ với các công ty sản xuất văcxin và thuốc chống virut không được phép tham gia vào các ủy ban phát triển kế hoạch chống cúm - giáo sư Barbara Mintzes của ĐH British Columbia khẳng định - Loại bỏ các mối quan hệ tài chính là điều cực kỳ cần thiết khi đưa ra những quyết định lớn về y tế cộng đồng”. Bà Mintzes cho rằng lý tưởng nhất là sử dụng các chuyên gia độc lập trong ngành y tế công cộng. “Tuy nhiên, rất khó tìm ra những người như vậy. Một giải pháp là nhận tư vấn từ những chuyên gia có quan hệ với ngành dược phẩm, nhưng không đưa họ vào bất cứ ủy ban ra quyết định nào. Chúng ta cần một bức tường lửa”.
Giáo sư Chris Del Mar, chuyên gia Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về miễn dịch của WHO (SAGE), cho rằng việc các tác giả của Các hướng dẫn 2004 vừa quảng bá các loại thuốc vừa nhận tiền của chính các hãng dược sản xuất những loại thuốc đó là hành vi “cần phải lên án bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất”. Năm 2005, WHO công bố kế hoạch chuẩn bị đại dịch cúm toàn cầu, một năm sau thành lập nhóm làm việc đại dịch cúm. Nhưng WHO vẫn không hề công bố những xung đột quyền lợi theo yêu cầu của giới truyền thông.
Bí mật của Ủy ban khẩn cấp
Một trong những bí mật lớn nhất của WHO là danh tính 16 thành viên Ủy ban khẩn cấp do WHO thành lập năm 2009, với mục đích tư vấn cho tổng giám đốc WHO khi đại dịch cúm nổ ra. Ngoài WHO, không ai biết 16 chuyên gia này là ai. WHO tuyên bố phải giữ bí mật tên tuổi của họ nhằm “bảo vệ các nhà khoa học trước ảnh hưởng của ngành công nghiệp dược”, và cho biết cả 16 thành viên Ủy ban khẩn cấp đều đã ký thỏa thuận bảo mật và công bố các mối quan hệ tài chính cá nhân. Chính ủy ban này đã yêu cầu bà Chan tuyên bố cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu ngày 11-6-2009.
Giới y tế thế giới đặt câu hỏi: vậy tại sao WHO lại công bố danh tính thành viên các nhóm tư vấn khác như SAGE, để rồi họ có khả năng bị những áp lực bên ngoài, như lập luận của chính WHO? Những người khác cho rằng khi giấu tên các thành viên Ủy ban khẩn cấp, WHO đã triệt tiêu sự giám sát của công chúng và giới truyền thông đối với những chuyên gia đóng vai trò cực kỳ quan trọng: cố vấn cho WHO và các chính phủ khi đại dịch xảy ra.
Một câu hỏi lớn khác được đặt ra: liệu các hãng dược lớn, đã đầu tư khoảng 4 tỉ USD để phát triển văcxin cúm A/H1N1, có “tay trong” trong Ủy ban khẩn cấp hay không. Điều tra của BMJ và BIJ khẳng định có ba cái tên trong danh sách các thành viên Ủy ban khẩn cấp là giáo sư Arnold Monto, giáo sư John Wood và giáo sư Masato Tashiro.
Giáo sư Monto thì đã rõ, ông có quan hệ với rất nhiều hãng dược từ năm 2000-2004. Theo số liệu tài chính hiếm hoi thu thập được của GlaxoSmithKline, ông Monto đã nhận 3.000 USD phí diễn thuyết của GlaxoSmithKline trong quý 4-2009. Trong khi đó, giáo sư Wood thuộc Viện Kiểm soát và tiêu chuẩn sinh học quốc gia Anh (NIBSC) thừa nhận: để đảm bảo hiệu quả công việc, NIBSC phải hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp dược. “Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế cũng đã công khai cho biết mối quan hệ thân cận của họ với NIBSC và các tổ chức tương tự để phát triển văcxin chống cúm” - ông Wood khẳng định.
WHO hiện cũng đang điều tra lại cách hành xử của chính WHO trong “đại dịch” cúm A/H1N1 và xác định xem liệu Các quy chế y tế quốc tế (IHR) có hiệu quả trong việc đối phó với dịch bệnh hay không. Tuy nhiên, đã có nhiều điều tiếng về Ủy ban điều tra của WHO, bởi 13 trên tổng số 29 thành viên ủy ban là thành viên IHR và một là chủ tịch Ủy ban khẩn cấp. Có những thực tế không thể chối bỏ: dịch cúm A/H1N1 không hề nghiêm trọng như “kịch bản“ cảnh báo của WHO. Các quốc gia đang “đổ nợ” khi phải ôm một lượng khổng lồ văcxin chống cúm thừa thãi. Nếu WHO không thể trả lời những câu hỏi này thì “nạn nhân lớn nhất” của dịch cúm A/H1N1 sẽ chính là uy tín của WHO. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận