26/05/2010 14:40 GMT+7

Trung Quốc: Thêm một công nhân nhà máy sản xuất iPad tự tử

PHAN ANH (Theo Independent)
PHAN ANH (Theo Independent)

TTO - Ngày 25-5, một thanh niên 19 tuổi làm việc cho nhà máy Foxconn (Thâm Quyến, Trung Quốc) đã nhảy từ tầng thượng của tòa nhà xuống chết ngay tại chỗ, khiến con số tự tử từ đầu năm đến nay tăng lên 10 người, phần lớn là do sức ép căng thẳng của môi trường làm việc.

YnchZkkt.jpgPhóng to
Những ánh mắt mệt mỏi của công nhân tại Foxconn - Ảnh: Southern Weekly

"Chiến lược phát triển không chỉ là hoàn thành các mục tiêu biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới mà phải đảm bảo quyền lợi công dân và nhân quyền cho người lao động”

Lý Hải, nạn nhân mới nhất, làm việc ở đây được 42 ngày nhưng đã không chịu nổi áp lực của công việc. Những người quẫn trí trước đó đều là thanh niên ở lứa tuổi 18 đến 25.

Công ty Foxconn ở thành phố công nghiệp Thâm Quyến phía nam Trung Quốc rộng đến nỗi phải mất hai giờ để đi vòng quanh chu vi của nó. Đây là một trong những lò sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới với diện tích 3,1 km vuông.

Gần 400.000 công nhân tại đây làm nhiệm vụ sản xuất linh kiện để cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng như Nokia, HP, Dell và Apple - hãng gây nên những cơn sốt cho cộng đồng bằng điện thoại iPhone hay máy tính bảng iPad.

Nhưng đằng sau những thiết bị sành điệu, đầy tính năng phục vụ nhu cầu giải trí của con người là giọt mồ hôi mặn chát của người lao động. Công nhân nhà máy bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng, hoạt động liên tục đến hàng nghìn lần trên dây chuyền nhưng họ phải đứng suốt cho đến hết ca, trung bình 10 - 12 tiếng.

“Mỗi ca chúng tôi phải hoàn thành 4.000 chiếc máy”, một công nhân tiết lộ với cơ quan quản lý lao động Trung Quốc. “Tôi thấy mình làm việc giống như những con robot”.

Trong khi đó, lương của nhân viên chỉ dao động quanh 900 nhân dân tệ, tương đương khoảng 2,5 triệu đồng tiền Việt.

yk1N9UUd.jpgPhóng to
Các nhà hoạt động nhân quyền biểu tình đòi quyền lợi cho công nhân nhà máy - Ảnh: Independent

Phần lớn những công nhân này đến từ các tỉnh lẻ và khu vực nông thôn lân cận. Cuộc sống mải miết bên dây chuyền khiến họ như tách biệt với thế giới bên ngoài, với quê nhà của họ. Những hàng rào cao sừng sững bao bọc nhà máy và khu ký túc xá khiến họ càng thêm trầm cảm. “Các công ty, chính phủ và xã hội cần phải chú ý hơn đến cuộc khủng hoảng tinh thần của các thanh niên làm việc ở đây”, Tân Hoa Xã kiến nghị.

Hồng Hải, công ty mẹ của Foxconn, ở Đài Loan cũng tỏ ra nỗ lực giảm stress cho công nhân khi thuê hơn 2.000 ca sĩ, vũ công, giáo viên thể dục, thậm chí nhà sư và nhà tâm lý đến để giúp bầu không khí thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc đó chưa đủ hiệu quả và chưa phải là biện pháp giải quyết gốc rễ của vấn đề.

“Đối với những thanh niên thế hệ 8x, 9x, họ không thể chịu nổi cuộc sống mải miết bên dây chuyền và thiếu vắng các hoạt động giải trí văn hóa, những mối liên lạc với bạn bè”, Trương Minh, một giáo sư tại đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định. “Sự mệt mỏi đã khiến họ tuyệt vọng. Có người còn cố ý làm rơi một cái gì đó xuống đất để có vài giây thư giãn khi cúi xuống nhặt đồ”.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ phải làm nhiều việc để giúp đỡ công nhân. Chiến lược phát triển không chỉ là hoàn thành các mục tiêu biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới mà phải đảm bảo quyền lợi công dân và nhân quyền cho người lao động”, các học giả của Trung Quốc lên tiếng.

PHAN ANH (Theo Independent)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên