Phóng to |
Chiều 27-12, bà Benazir Bhutto tham dự một cuộc mittinh tại công viên Liaquat Bagh ở Rawalpindi để vận động bầu cử.
Bà đã nói chuyện với hàng ngàn người, trong tiếng vỗ tay vang dội và giữa một hàng rào bảo vệ dày đặc. Rời đám đông vào lúc trời gần chạng vạng, bà đi tới một chiếc xe đậu ngay cổng công viên và đang bước lên thì tiếng nổ xé tai vang lên.
Bà Benazir Bhutto gục xuống trước tiên và ngay sau đó kẻ bắn tỉa ám sát bà từ vị trí cách đó khoảng 50m cho nổ bom tự sát. Xe cứu thương đã lập tức đưa bà Bhutto cùng các nạn nhân khác đến bệnh viện. Ít nhất 14 người chết và 40 người bị thương trong vụ ám sát nghiêm trọng này.
Phóng to |
Bà Benazir Bhutto vẫy chào người ủng hộ tại thành phố Rawalpindi chỉ vài phút trước khi bị ám sát - Ảnh: Reuters (chụp lại qua truyền hình) |
Bà Benazir Bhutto đã thoát chết một lần trong vụ đánh bom làm chết 136 người ở thành phố Karachi hồi tháng mười. Nhưng lần này may mắn đã không mỉm cười với bà. Những người ủng hộ bà Bhutto đã kéo đến bệnh viện gào thét những lời lăng mạ tổng thống Pervez Musharraf, đập vỡ cửa kính ở cổng ra vào và khóc.
Ngay sau khi tin tức về cái chết của nữ thủ lĩnh đảng PPP lan đi, cảnh sát Pakistan vội vã khuyến cáo người dân phải ở yên trong nhà vì e sợ một số nơi sẽ xảy ra bạo loạn.
Trước đó vài giờ, bốn ủng hộ viên của cựu thủ tướng Nawaz Sharif bị mất mạng trong một cuộc đọ súng với các ủng hộ viên đảng đối lập tại một cuộc mittinh vận động tranh cử gần sân bay Islamabad.
Những cuộc tấn công đẫm máu trong ngày hôm qua diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi tổng thống Pervez Musharraf dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp mà ông nói là "cần thiết nhằm bảo vệ đất nước trước các nhóm khủng bố".
THỦY TÙNG
Tổng thống Pervez Musharraf kêu gọi người dân bình tĩnh sau cái chết của bà Bhutto để "có thể đánh bại tội ác khủng bố". Truyền hình nhà nước Pakistan tối 27-12 cho biết Tổng thống Musharraf đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức cấp cao tại Phủ tổng thống. Cựu thủ tướng Nawaz Sharif, người cũng mới trở về nước và tham gia cuộc bầu cử sắp tới, cho biết: "trái tim tôi cũng chảy máu và đau đớn như các bạn" và tuyên bố sẽ tiếp tục "cuộc chiến của bà Bhutto". Rất nhiều nước lập tức có phản ứng lên án vụ ám sát bà Bhutto. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Losyukov bày tỏ lo ngại vụ ám sát trên có thể tạo ra một làn sóng khủng bố tại Pakistan. Từ Mỹ, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tom Casey tuyên bố vụ đánh bom liều chết ở Pakistan cho thấy có những kẻ đang cố phá hoại tiến trình xây dựng dân chủ tại nước này. Tại Pháp, Ngoại trưởng Bernard Kouchner lên án vụ ám sát là một "hành động ghê tởm" và bày tỏ lòng tiếc thương đối với bà Bhutto, "một gương mặt nổi bật trong đời sống chính trị ở Pakistan". |
----------------
Một cuộc đời sóng gió
Phóng to |
Cũng giống như dòng họ Nehru-Gandhi tại Ấn Độ, dòng họ Bhutto của Pakistan là một trong những gia đình chính khách nổi tiếng nhất trên thế giới. Cha của bà Benazir, ông Zulfikar Ali Bhutto, là người khai sinh ra đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông Bhutto từng giữ chức tổng thống và thủ tướng Pakistan trong suốt thập niên 1970.
Bà Benazir sinh năm 1953 tại tỉnh Sindh. Từ năm 1969-1973, bà học đại học tại Mỹ, tốt nghiệp trường ĐH danh tiếng Harvard, sau đó sang Anh theo học triết học, chính trị và kinh tế tại ĐH Oxford. Năm 1976, bà trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên được bầu làm chủ tịch hiệp hội tranh luận chuyên đề nổi tiếng Oxford Union.
Trở về nước sau khi học xong ĐH, bà Benazir lập tức bị giam giữ khi tướng Muhammad Zia-ul-Haq tổ chức cuộc đảo chính lật đổ cha bà. Bà bị biệt giam suốt năm năm trong tù trong điều kiện mà bà miêu tả là vô cùng khủng khiếp. Được phép trở lại Anh vào năm 1984, bà trở thành người lãnh đạo đảng PPP và tổ chức chiến dịch chống lại tướng Zia. Bà trở lại Pakistan vào năm 1986 trong sự ủng hộ to lớn của người Pakistan.
Sau khi tướng Zia chết trong một vụ nổ máy bay năm 1988, bà Benazir trở thành vị nữ thủ tướng đầu tiên được dân bầu tại một quốc gia Hồi giáo. Ở tuổi 35, đây cũng là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của bà với tư cách là một trong những nữ lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Trẻ trung và xinh đẹp, bà Benazir tạo ra một hình ảnh mới mẻ trong thế giới mà những người đàn ông thống lĩnh. Cùng năm đó, tạp chí People (Mỹ) bầu chọn bà là một trong 50 phụ nữ đẹp nhất thế giới.
Chính quyền của bà Benazir bị giải tán năm 1990 trước hàng loạt cáo trạng tham nhũng, tuy nhiên bà Benazir không hề bị xét xử. Năm 1993, bà tái đắc cử nhưng một lần nữa bị phế truất vào năm 1996 vẫn do nghi án tham nhũng.
Trong cả hai giai đoạn bà Benazir cầm quyền, vai trò chồng bà là ông Asif Zardari gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà bình luận cho rằng sự sụp đổ của chính quyền bà Benazir có phần "đóng góp" không nhỏ từ lòng tham của ông Zardari.
Bản thân bà Benazir cũng bị cáo buộc tham nhũng và bị kết án năm 1999 khi không xuất hiện tại tòa án, nhưng Tòa án tối cao Pakistan đã bãi bỏ cáo trạng này. Bà rời Pakistan đến Dubai (UAE) vào năm 1999, và thường xuyên giảng dạy tại các trường đại học, tổ chức ở các nước phương Tây.
Bà Benazir trở về Pakistan ngày 18-9-2007 sau khi Tổng thống Pervez Musharraf ký một sắc lệnh ân xá mọi tội trạng của bà. Các nhà quan sát cho rằng quân đội coi bà Benazir như một đồng minh tự nhiên trong nỗ lực ngăn chặn các thế lực tôn giáo tại Pakistan.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Pakistan coi bà Benazir là kẻ thù bởi bà theo đường lối thân phương Tây, và lại đang đàm phán chia sẻ quyền lực với Tổng thống Pervez Musharraf.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận