25/06/2006 15:25 GMT+7

Pháp: bất bình đẳng xã hội

T.GIANG (Theo Alternatives Economiques)
T.GIANG (Theo Alternatives Economiques)

TTCT - Năm 2006 này ở Pháp được thông báo là “Năm của bình đẳng trong các cơ hội”. Một “mục tiêu phấn đấu” như thế phản ánh những âu lo trước tình trạng bất bình đẳng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

JoQJV8ii.jpgPhóng to
TTCT - Năm 2006 này ở Pháp được thông báo là “Năm của bình đẳng trong các cơ hội”. Một “mục tiêu phấn đấu” như thế phản ánh những âu lo trước tình trạng bất bình đẳng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Các cuộc bạo động kéo dài suốt ba tuần trên khắp nước Pháp trong tháng 11-2005 với hơn 9.000 xe hơi bị đốt cháy, gần 3.000 người bị thẩm vấn, cũng như hàng chục cuộc đình công lớn với hàng triệu người tham gia chống điều luật lao động mới CPE vào đầu năm nay cho thấy khi nồi “súpde” bất bình đẳng bị rò rỉ, tác hại sẽ như thế nào.

Tình trạng bất bình đẳng: có nên tin các số liệu chính thức?

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, những số liệu chính thức cho thấy xã hội Pháp đang tốt lên rất nhiều. Đơn cử: nếu vào năm 1970, 10% những người giàu nhất có thu nhập tối thiểu cao gấp 4,8 lần so với 10% những người nghèo nhất, thì năm 1984 khoảng cách này chỉ là 3,5 và năm 2002 là 3,2. Một số liệu khác cho thấy tình trạng nghèo khổ cũng giảm đi trong khoảng thời gian này: năm 1970, người ta tính có gần 18% dân số sống với mức thu nhập thấp hơn 60% thu nhập trung bình thì năm 2003 chỉ còn 12%. Đặc biệt số lượng người nghèo có tuổi cao giảm đáng kể.

Còn rất nhiều những thí dụ như vậy. Trong lĩnh vực giáo dục chẳng hạn, người ta tính rằng số lượng học sinh tốt nghiệp tú tài là 20% vào năm 1970, tỉ lệ này là 43% hai mươi năm sau đó và hiện nay là 62%. Tỉ lệ tốt nghiệp của con em gia đình công nhân là 20% và hiện nay là 50%.

Nhưng chẳng khó khăn gì để nhận ra rằng những số liệu đó đang tạo ra một hình ảnh không đúng về nước Pháp. Về chuyện thu nhập chẳng hạn, người ta ghi nhận rằng từ năm 1996-2002, thu nhập (ngoài thuế) của nhóm người nghèo khổ nhất tăng khoảng 12%, gần bằng tỉ lệ gia tăng thu nhập của những người giàu nhất. Nhưng nếu nhìn các con số cụ thể của cuộc sống sẽ thấy: trong vòng sáu năm đó, khoản tăng thêm đó nơi những người thu nhập cao nhất là khoảng 5.460 euro mỗi năm, trong khi nơi những người thu nhập ít nhất chỉ là 1.100 euro, khoảng cách là 4.300 euro. Liên quan đến bình đẳng nam nữ, thực tế cho thấy hiện nay thu nhập của nữ thấp hơn của nam 40%, dù họ không làm việc ít hơn.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhà trường không thể bảo đảm cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh. Nạn nhân đầu tiên chính là con em xuất thân từ các gia đình bình dân. Chính vì vậy, có tới 44% con em gia đình công nhân phải lựa chọn chương trình học nghề để có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp tú tài, trong khi chỉ 1,6% con em gia đình viên chức chấp nhận điều đó. Ở đại học, nhiều học sinh tầng lớp bình dân không dám đăng ký một số ngành học dù họ có đủ trình độ để theo học. Ngoài ra, nếu khoảng 40% học sinh nam tự đánh giá cao mình, thì tỉ lệ này ở học sinh nữ chỉ là 24%. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp cũng cho rằng: “Mức độ tự tin ở các em ảnh hưởng rõ nét lên kế hoạch học đại học của mỗi người”.

Còn vô số những thí dụ khác. Chẳng hạn, nếu tỉ lệ thất nghiệp của dân nhập cư đến từ Bắc Phi hay Nam Sahara vượt quá 35%, trước hết là do không có bằng cấp và sau nữa là do sự phân biệt đối xử. Nói chung, tỉ lệ thất nghiệp trung bình vốn đã rất cao (10%) ở Pháp trên thực tế còn che giấu những bất bình đẳng về giới tính, độ tuổi, nguồn gốc xuất thân...

Phải chấp nhận bất bình đẳng trong các cơ hội?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố: “Thật không công bằng khi tất cả được hưởng như nhau... Ai làm việc nhiều phải được hưởng nhiều hơn” ngụ ý cần phải chấp nhận bất bình đẳng, miễn là điều đó “đúng đắn” và trong chừng mực sự bất bình đẳng đó là kết quả của một nỗ lực cá nhân, một phần thưởng xứng đáng. Nhà kinh tế học A. Lechevalier nói rõ hơn: “Bình đẳng chung chung thậm chí còn đi ngược lại ý niệm về sự công bằng, không chỉ là công bằng về nỗ lực cá nhân, về nhu cầu, ham muốn mà cả những thiệt thòi”.

Thế nhưng, xác định thế nào là sự bất bình đẳng “đúng đắn” trên thực tế lại là một trò đánh đố. Bởi để có thể nói về nỗ lực và sự xứng đáng cá nhân một cách công bằng thì cần phải bỏ đi nhân tố hoàn cảnh gia đình và xã hội. Điều này không phải đương nhiên: ngay từ lớp mẫu giáo, người ta đã ghi nhận có những cách biệt về trình độ của các em có hoàn cảnh gia đình sống khác nhau. Và rõ ràng là không phải ai cũng có lợi thế như nhau, vì một em sống trong gia đình có bố hoặc mẹ là giáo sư sẽ có thuận lợi hơn nhiều so với con em gia đình công nhân hay buôn bán.

Một cách chung hơn, người ta cho rằng có thể chấp nhận sự bất bình đẳng khi đo được kết quả cá nhân. Nhưng ai có thể làm được điều đó khi công việc mỗi người ngày càng phụ thuộc vào công việc của cả một êkip và kiến thức mà mỗi người đều dựa trên nền tảng tri thức chung được tích lũy qua nhiều năm và chỉ có thể tiếp cận được khi có những điều kiện nhất định.

Rõ ràng là trong một xã hội mà cơ hội chỉ thuộc về những người có nhiều thuận lợi, bất hạnh sẽ thuộc về những ai phải tự chịu trách nhiệm về số phận của mình. Và đó chính là tiền đề cho một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc.

T.GIANG (Theo Alternatives Economiques)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên