Phóng to |
Hôm 29-5-2006 báo Jakarta Post của Indonesia đăng tin núi lửa Merapi hoạt động gấp ba lần kể từ hôm động đất và một khối lượng lớn dung nham đã phun ra. Trận động đất đã làm cho vòm núi lửa trở nên không bền vững. Các nhà nghiên cứu núi lửa của Indonesia đang lo ngại một vụ nổ lớn sẽ xảy ra, và họ đã phát lệnh di tản dân ra khỏi vùng này.
Sự tráo trở của thiên tai Cũng ngay ở tỉnh Yogyakarta trên đảo Java, khúc ruột của Indonesia, thiên tai đã bộc lộ “trò lừa gạt” trắng trợn của mình. Suốt cả tháng ròng, trong khi cả nước Indonesia và quốc tế đều tập trung chú ý đến ngọn núi lửa Merapi có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào ở Tungularum tại cực bắc tỉnh này, thì một cơn động đất 6,3 độ Richter lại bất ngờ giáng họa ở Bantun phía cực nam. Động đất xảy ra lúc 5g54 ngày 27-5 khi nhiều người dân chưa tỉnh giấc. Ước tính đã có hơn 5.000 người thiệt mạng trong cơn địa chấn. Những người sống sót ở Yogyakarta vẫn còn nín thở trước cột khói và dung nham của Merapi... |
Trong buổi sáng thứ hai đầu tuần, núi lửa đã tung một khối lượng dung nham và khói nóng xa đến 4km. Nhiều người lo ngại động đất sẽ kích hoạt sự bùng nổ của núi lửa. Đây là một trong 10 núi lửa nguy hiểm trên thế giới, phần lớn những lần phun trào nó đều gây chết người.
Clive Oppenheimer của nhóm nghiên cứu núi lửa thuộc ĐH Cambridge cũng đồng quan điểm cho rằng động đất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của núi lửa. Nếu phần vòm của núi lửa sụp đổ sẽ giải phóng một lượng tro và khí nóng khổng lồ, và tai họa sẽ xảy ra.
Tại sao mọi người lo ngại núi lửa bùng nổ trở lại? Vì núi lửa Merapi ở độ cao gần 3.000m, nằm ở miền trung Java, phía bắc thành phố Yogyakarta khoảng 25km, không xa nơi xảy ra thảm họa động đất. Trong quá khứ Merapi đã phun trào 68 lần theo ghi nhận từ năm 1548 gây kinh hoàng cho người dân sống quanh khu vực núi lửa và ở vùng phụ cận của thành phố Yogyakarta với hơn 3 triệu dân cư.
Một đặc điểm là núi Merapi có lượng tro và hơi nóng phun trào thường được gọi là nuee nhiều hơn các núi lửa khác (nuee là một hỗn hợp gồm tro, hơi nóng và dung nham nóng chảy). Theo thống kê trong 67 lần phun trào thì 32 lần có nuee.
Điều nguy hiểm là chúng có thể di chuyển theo gió, vận tốc có khi lên đến 150km/giờ. Khí nóng có nhiệt độ từ 100-8000 C. Vì có tỉ trọng nặng nên chúng di chuyển sát mặt đất từ trên cao xuống vận tốc sẽ phụ thuộc vào gió và địa hình và chúng sẽ thiêu rụi tất cả trên đường di chuyển.
Trong lần phun năm 1982, mỗi tháng Merapi phun trào dung nham trên đỉnh khoảng 80.000-100.000m3. Cuối tháng 11-1994 trong một vụ nổ núi lửa, tro, dung nham nóng chảy đã tung xa đến 7,5km, làm chết 43 người. Riêng cột khói từ miệng núi lửa bốc cao khoảng 10km.
Lần phun gần đây nhất lúc 4g59 ngày 11-7-1998, sau một thời gian gầm gừ. Một tiếng nổ với cột khói bốc cao hơn 3.000m, khói nóng, tro, dung nham lỏng văng xa vài kilômet. Nhiệt độ của dung nham khoảng 3.0000C thiêu rụi tất cả những gì trên đường đi. Tro được gió mang đi xa hơn 60km về hướng tây.
May là vùng này không có người sinh sống. Lần phun tồi tệ nhất là năm 1930 với 1.300 người chết. Nhưng có lẽ khủng khiếp nhất là cách đây đúng 1.000 năm, khi ấy Merapi đã vùi cả vùng trung Java trong tro bụi. Nhân dân trong vùng quá sợ hãi đã xem Merapi như một vị thần gieo tai họa cho họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận