01/01/2011 06:46 GMT+7

Những cây cầu của lòng nhân ái

TRẦN THẢO NHI
TRẦN THẢO NHI

TTXuân - Ngay sau khi kiểu vượt sông Pô Kô như làm xiếc được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngàn tấm lòng hảo tâm đã hướng về người dân vùng sơn cước để sẻ chia.

r0PI5m9z.jpgPhóng to

Qua cầu mới trên sông Pô Kô - Ảnh: T.T.Nhi

Đến nay đã có bảy cây cầu được xây dựng và đưa vào hoạt động tại đây, với số tiền khoảng 6 tỉ đồng. Một năm mới đang về với người dân đôi bờ sông Pô Kô khi họ chấm dứt cảnh đu dây qua sông và chơi vơi giữa dòng nước đục ngầu chảy xiết để liều mình vượt sông. Ông A Pháo trú ở “làng đu dây” (tiểu khu 154, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) giọng đầy phấn khởi: “Năm nay từ khoai mì, cao su, cà phê… đều được mùa, được giá lại có cầu mới đi nữa ai ai cũng phấn khởi, vui mừng lắm”.

Trưởng thôn Long Jôn (xã Đắk Ang) A Nhuốt xúc động: “Tết năm nay vui hơn hẳn tết năm trước là cái chắc rồi! Năm nay có cầu treo đi lại thuận tiện, không nguy hiểm đến tính mạng nữa”.

Phấn khởi vì hàng trăm học trò của mình được đến trường trên cây cầu mới, phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (xã Đắk Ang) Đinh Văn Truyền cho biết: “Có cầu sẽ phục vụ đắc lực nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bởi vì bờ bên này là UBND xã, cửa hàng bách hóa, trạm y tế, chi nhánh ngân hàng, trường học… còn hầu hết người dân lại định cư bên kia sông. Vui nhất vẫn là hàng trăm học sinh người dân tộc Xê Đăng ở bên kia bờ sông Pô Kô đến trường học tập được đi lại trên cây cầu an toàn”.

A Xem, học sinh lớp 5B Trường tiểu học xã Đắk Ang và các em Trần Khắc Trường, Trần Thị Hương, Trần Thị Ánh - Trường tiểu học Đắk Nông - hồ hởi: “Chúng cháu ở bên kia sông. Bây giờ có cầu rồi chúng cháu đi học bằng xe đạp chạy băng băng qua cầu mà không sợ rơi xuống sông, vì hai bên đã có lưới sắt chăng ngang cao hơn cả mét, an toàn lắm!”. Vợ chồng anh A Dưng, chị Y Sui thì quả quyết: “Bây giờ có cầu cho dân làng rồi thì thằng A Thẻm con tui không phải lội sông để đến trường học nữa. Cầu được xây dựng rất vững chãi nên dù trời mưa to, gió lớn nó cũng đi xe đạp được trên cầu để đến trường, không bỏ học nữa”.

Từ ngày có cầu người dân bên kia sông Pô Kô mỗi ngày gùi mì, chuối, bắp, cà phê, cao su... sang đổi gạo, mắm, muối được thuận lợi hơn, cũng không bị tư thương ép giá và không còn cảnh ngăn sông, cách chợ. Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ang A Nam Thị nói có cầu là niềm hạnh phúc lớn của người dân Đắk Ang.

jJcf6reY.jpgPhóng to
Đến trường phải bằng cách đu dây (ảnh chụp tháng 5-2010)

Tháng 5-2010, Tuổi Trẻ và các báo đăng loạt ảnh về việc hàng chục hộ dân trú bên kia sông thuộc làng Nông Nội, xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) và người dân thuộc tiểu khu 154 xã Đắk Ang phải đu mình trên dây thép vượt sông Pô Kô để đến trường. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi gặp sự cố đứt dây, vỡ roọc..., nhiều trường hợp bị thương phải đưa đi cấp cứu. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp và những cây cầu mới mọc lên.

TRẦN THẢO NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên