Làm mẫu và lặp đi lặp lại hằng ngày những nguyên tắc ứng xử nhỏ nhất trong ăn uống trẻ sẽ được khích lệ hình thành những thói quen tốt.
1. Muốn trẻ biết cách mời người lớn trước khi ăn thì bạn hãy làm gương. Chính việc cha mẹ mời con cái ăn cơm lại là bài học hiệu quả bởi trẻ hay bắt chước và mời lại. Đến lúc này bạn hãy chỉ ra cho trẻ lý do tại sao trước khi ăn phải mời người lớn trước và mời tất cả mọi người. Đó là sự thể hiện tình cảm, sự tôn trọng mà tất cả mọi người đều làm.
2. Khi trẻ gắp thức ăn hay làm rơi vãi hoặc có thói quen đảo bới đĩa thức ăn, hãy chỉ cho chúng biết rằng không ai làm như vậy và chỉ cho trẻ đó là phép lịch sự tối thiểu khi ăn uống. Lấy những chuẩn mực từ phía ông bà, anh chị lớn tuổi để làm ví dụ thực tế cho trẻ chứ đừng rao giảng nhiều quá khi đang ăn. Những thói quen xấu như nhai tóp tép, làm bắn thức ăn, nói chuyện huyên thuyên, húp canh gây tiếng động cần được chỉ ra ngay lập tức thì trẻ mới không quên.
3. Thỉnh thoảng giải thích cho trẻ những câu thành ngữ, tục ngữ về ăn uống ngay trong bữa cơm như: Thế nào là "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" hay thế nào là "liệu cơm gắp mắm". Nhân đó bạn có thể lấy chính mình và trẻ làm ví dụ cho lời giải thích. Trẻ sẽ nhớ rất lâu và thuộc những câu nói này như một nguyên tắc để làm theo.
4. Cho trẻ làm quen với phong cách ăn uống khi được mời dự tiệc hay ăn cỗ bằng cách tập dượt. Bạn có thể làm một bữa tiệc nho nhỏ vào ngày nghỉ và yêu cầu tất cả mọi người trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, lịch sự làm mẫu cho trẻ. Bài học này sẽ khiến trẻ thích thú và ghi nhớ mãi. Trẻ sẽ hiểu tại sao khi đi dự tiệc chỗ đông người cần biết kính trên, nhường dưới, ăn uống từ tốn, lịch sự theo những lễ nghi chung....
5. Nếu có điều kiện hãy đưa trẻ đến nhà hàng một vài lần để chúng quan sát cách ăn uống của những người lạ xung quanh. Đi ăn ngoài hàng như thế là cơ hội giúp trẻ kiểm chứng những lời dạy bảo của bạn và học những điều mới mẻ. Bạn có thể để trẻ tự gọi món, dạy chúng cách yêu cầu người phục vụ, chỉ và giải thích cho chúng tại sao người ta nâng ly, chạm cốc và họ làm thế vào những dịp nào.
6. Nếu có ông bà ở quê, bạn hãy dành thời gian cho trẻ về thăm, ăn cơm cùng ông bà. Đặc biệt là khi có cỗ bàn nhân dịp giỗ chạp hãy cho trẻ có cơ hội được làm quen với không khí gặp gỡ họ hàng, ăn uống vui vẻ để trẻ thấy được sự hòa đồng, tình cảm và những thói quen, tập tục ăn uống truyền thống của quê mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận