Phóng to |
Cha mẹ nên sử dụng máy tính, Internet để quan tâm con đúng cách - Minh họa: LAP |
Tiến sĩ Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, chia sẻ:
- Nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng phải lạ lẫm, khác người mới thể hiện được cá tính. Điều này có phần đúng, nhưng nếu cái lạ lẫm đó không phù hợp với văn hóa, với chuẩn giá trị sẽ trở thành ngạo mạn, lố bịch, bất thường.
Vì thiếu kiến thức về xã hội, pháp luật và chuẩn văn hóa, một số bạn trẻ tung ảnh nóng, clip bẩn lên mạng với ý nghĩ vậy là chơi trội, làm nổi, gây xôn xao cộng đồng... mà không lường hết hậu quả. Cũng có thể đó là cách các bạn thể hiện “trình độ” và tận hưởng cảm giác chờ đợi xem dư luận, đặc biệt là truyền thông, phản ứng thế nào. Thậm chí các bạn còn nghĩ đơn giản rằng thế giới mạng mênh mông, tìm được thủ phạm tung clip khác nào mò kim đáy bể.
* Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con mình là nạn nhân trong những trường hợp này hoặc thậm chí con mình là thủ phạm?
- Gặp trường hợp này cha mẹ nào cũng bị... sốc. Tuy nhiên cha mẹ rất cần bình tĩnh để đối diện vấn đề. Trước hết, cha mẹ nên phân tích xem điều gì đang xảy ra đối với con mình, có điểm gì chưa ổn trong cuộc sống dẫn đến hành vi này và vì sao cha mẹ không sớm phát hiện được.
Thứ hai, cha mẹ phải đối diện với sự thật là chuyện đã xảy ra rồi, việc cần làm là đối thoại với con về tác hại của việc tung clip bẩn, ảnh nóng lên mạng đối với người liên quan, với bản thân con, với giá trị của gia đình và cả xã hội. Cha mẹ cũng cần lắng nghe những suy nghĩ của con khi làm việc ấy...
Thứ ba, đây cũng là dịp cha mẹ nên tìm cách khuyến khích con chia sẻ một cách chân thật về những nội dung trên mạng mà con đang quan tâm. Trong thời đại bùng nổ thông tin, cha mẹ cần biết nhận thức, thái độ của con trên thế giới mạng như thế nào. Thứ tư, cha mẹ không nên cấm cản con lên mạng, nhưng cần yêu cầu con có những cam kết về thời điểm, khoảng thời gian lên mạng, cam kết không tung clip bẩn hay những nội dung không lành mạnh khác...
Tùy vào thái độ thành khẩn của con trong cuộc trò chuyện mà cha mẹ quyết định hình thức “kỷ luật” nặng - nhẹ. Đặc biệt, cha mẹ không nên đánh con vì điều đó không còn phù hợp trong bối cảnh xã hội ngày nay, và đó cũng chỉ là hình thức sau cùng khi không còn cách nào khác. Hãy nhớ khi bị đánh trẻ sẽ cảm thấy bị xúc phạm, mặc cảm, cho rằng giá trị bản thân bị hạ thấp, từ đó trong vô thức trẻ sẽ phản kháng cha mẹ. Điều đó đồng nghĩa cha mẹ đã tự đánh mất cơ hội lắng nghe, trao đổi, chia sẻ với trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần trao đổi và chia sẻ cảm xúc với con cả khi con đưa lên mạng những clip, hình ảnh có tính nhân văn, tác động tốt đến xã hội.
Phóng to |
* Cũng có con độ tuổi đang trưởng thành, tiến sĩ “sống” cùng con trong đời sống mạng thế nào?
- Tôi luôn lưu ý việc các con tôi mỗi ngày lên mạng bao nhiêu tiếng sau giờ học và định hướng con những trò chơi phù hợp lứa tuổi, sở thích. Máy tính nhà tôi được đặt ở những vị trí công khai. Tôi cũng thường kiểm tra những địa chỉ web con mình đã truy cập, nếu có địa chỉ nào tôi thấy không an tâm tôi sẽ hỏi lại con hoặc xem xét kỹ nội dung, phòng trường hợp mắng oan con.
Nếu trẻ có máy tính riêng, các bậc cha mẹ có thể thỉnh thoảng mượn máy tính để phần nào tìm hiểu đời sống mạng của con hay những tài liệu con lưu trữ. Hơn thế nữa, để hạn chế hữu hiệu những nguy cơ con tung clip bẩn lên mạng, điều quan trọng nhất là sự quan tâm của cha mẹ dành cho con cái.
Hãy tạo ra môi trường sinh hoạt gia đình gắn bó, thân thiện, ấm cúng; cha mẹ làm gương, định hướng đạo đức cho con, thường xuyên trò chuyện với con về những khía cạnh pháp luật khi tung clip bẩn. Cha mẹ hãy cố gắng học cách sử dụng máy tính, khám phá Internet để con cảm thấy cha mẹ cũng hiện đại, từ đó trẻ sẽ cởi mở chia sẻ với cha mẹ hơn về đời sống mạng của mình.
Là phụ huynh, bạn ứng xử như thế nào với con mình và thế giới mạng?
Không biết gì nhiều về Internet, mặc con làm gì thì làm Có hiểu biết về Internet, nhưng để con tự do trên mạng Cấm con vào Internet Cho con vào Internet nhưng hạn chế thời gian Bí mật theo dõi con vào mạng như thế nào để kịp thời điều chỉnh Thường xuyên chia sẻ với con về thế giới mạng
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận