04/05/2014 07:11 GMT+7

Cảm ơn anh đã đến bên đời em...

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Ngồi cùng ghế giảng đường suốt hai năm nhưng mãi đến khi ra trường và đi làm, họ mới phát hiện tim đập loạn nhịp mỗi khi tình cờ gặp lại “nửa kia”.

uvpOPjwP.jpgPhóng to
Phong - Mai hạnh phúc trong ngày cưới và tổ ấm hiện tại của hai bạn - Ảnh: Do nhân vật cung cấp - C.N.

“Chúng tôi chính thức quen nhau từ năm 2008, tới năm 2011 thì kết hôn” - anh Trần Thanh Phong (30 tuổi) nói. Niềm hạnh phúc ngỡ như vỡ òa ngày vợ anh - chị Đỗ Hà Thảo Mai (30 tuổi) - tủm tỉm cười, báo đã có tin vui...

Nỗi đau ập đến

Mai trở dạ vào một ngày giữa tháng 6-2012. “Đến hôm sinh con thì buổi sáng Mai vẫn đi làm ở Ngân hàng Việt Á bình thường, vì vậy khi bác sĩ báo tình trạng của Mai rất nguy kịch sau khi sinh thì người nhà ai nấy đều rụng rời, không tin vào tai mình” - bác Hà Thị Liễu, mẹ của Mai, nghẹn giọng nhớ lại.

Mai rơi vào trạng thái hôn mê sâu, sức khỏe tuột dốc và được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết, viêm đa rễ dây thần kinh... Phong gần như suy sụp ngày bệnh viện báo từ chối điều trị tiếp và trả Mai về nhà, lòng càng rối bời khi ở đầu nôi là tiếng con thơ gào khóc ngày đêm vì khát sữa mẹ.

“Bệnh viện trả Mai về nên gia đình có lúc gần như chuẩn bị lo hậu sự cho Mai, vậy mà Phong vẫn nhẫn nại túc trực ngày đêm bên cạnh vợ con, xoay xở tiền và động viên gia đình đưa Mai đi chữa trị khắp nơi vì “còn nước còn tát”. Nơi này từ chối tiếp nhận thì Phong lại đưa Mai đến nơi khác...” - bác Liễu kể về khoảng thời gian Phong và Mai ăn dầm nằm dề từ Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện 115 đến Bệnh viện Điều dưỡng (Q.8)...

Như có phép lạ, sức khỏe Mai bắt đầu hồi phục dù rất chậm. Một năm đầu tiên điều trị ở bệnh viện, Mai nằm liệt giường và chỉ có thể ú ớ. Không được gặp, nựng, hát ru và cho con bú... nên năm đầu tiên gối Mai luôn ướt đẫm nước mắt vì nhớ con, nhất là mỗi khi thấy đứa bé nào chạy qua, đùa giỡn. Khao khát được bồng con trên tay và xót lòng cảnh chồng ướt đẫm mồ hôi những ngày cùng mình tập vật lý trị liệu... Mai lấy đó làm động lực để sống, không ngừng luyện tập dù các bác sĩ khẳng định “sẽ cần thời gian dài và một ý chí rất lớn để Mai có thể cử động lại”.

“Và tôi đã ôm được con vào lòng đúng ngày thôi nôi của cháu” - đôi mắt Mai ươn ướt khi nhớ lại.

“Tái sinh” nhờ những yêu thương

Hiện tại Mai đã có thể dùng tay nâng các vật nhẹ, nói được từng từ một cách chậm rãi... duy chỉ có đôi chân là chưa thể tự đứng vững.

Do Mai đi lại chưa được nên mọi thứ đều phải nhờ Phong, từ việc trông con đến chăm sóc, vệ sinh thân thể, dẫn vợ đi tập vật lý trị liệu 6 buổi/tuần...

Xuyên suốt buổi trò chuyện, Mai xin đi vệ sinh nhiều lần. Chỉ bằng ánh mắt, không một lời hé môi... nhưng những tín hiệu từ Mai được Phong nhanh chóng nhận ra và liền kề vai xốc vợ lên, dìu từng bước thật chậm vào nhà trong. Chiều tháng 4 oi bức, Phong không ngừng phẩy quạt và chậm khăn lạnh lên trán vợ.

“Do bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc nên tính Mai dễ cáu gắt. Làm bảo vệ 12 tiếng mỗi ngày nên đêm nào Phong cũng ngủ mê mệt khi đặt lưng xuống giường, vậy mà nó chẳng kêu ca một lời mỗi khi bị Mai đánh thức giữa khuya nhờ đỡ... Từ lúc vợ bệnh, biết đồng lương của mình chẳng bao nhiêu nên nó hạn chế đi lai rai, gặp mặt bạn bè... Tằn tiện từng đồng để lo cho vợ con” - bác Liễu nói.

Người dân ở con hẻm 39 Trương Đình Hội (Q.8, TP.HCM) giờ đây đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông gầy guộc ân cần đẩy chiếc xe lăn chầm chậm dọc ngang phố phường vào mỗi buổi chiều, trên đó là một phụ nữ kiệm lời và một bé gái kháu khỉnh.

Từ lúc quen nhau đến tận bây giờ, Phong vẫn giữ thói quen tặng một đóa hoa cho “nửa kia” vào sinh nhật hoặc những ngày lễ. Mỗi lần đón nhận đóa hoa từ chồng, Mai lại nghẹn ngào, những vụn vỡ trong lòng vì mặc cảm bệnh tật dần được cóp nhặt, hàn gắn.

Phong rất kiệm lời khi kể về những gian khó đã trải qua, giọng anh nhẹ tênh: “Buồn thì cũng đã buồn, khóc thì cũng đã khóc hết nước mắt... giờ phải gắng sức lo cho ngày mai”.

Chứng kiến gần như trọn vẹn chặng đường dài đi bên nhau của Mai và Phong, Lê Vũ Thạch Anh (bạn học thời phổ thông của Mai) cho biết anh rất ngưỡng mộ tình cảm của Phong dành cho Mai, bởi: “Lúc nào Phong cũng nâng niu, chăm sóc vợ từng li từng tí... Bạn bè khi gặp lại Mai, ai cũng mừng vì Mai đã tìm được cho mình một tấm chồng tốt khó kiếm”.

“Em muốn nói với ông xã rằng em rất cảm ơn anh đã gắn bó, một lòng một dạ với em suốt bốn năm qua. Em sẽ cố tập vật lý trị liệu nhiều hơn nữa để có thể đi lại, chóng đi làm để san sẻ bao gánh nặng cùng anh” - câu nói của Mai chưa tròn vành rõ chữ, nhưng phía sau đôi mắt loang loáng nước đó là một sự quyết tâm lớn.

“Phong đã hi sinh rất nhiều vì Mai!”

Khi được hỏi cảm nghĩ về Phong, chị Trần Kim Châu (bạn thân của Mai) khẳng định: “Đó là một sự hi sinh rất lớn. Trước đây Phong cũng đi làm công việc hành chính như Mai, nhưng từ khi vợ đổ bệnh thì anh đã xin nghỉ làm vì công ty cũ ở tuốt Đồng Nai. Tôi chỉ biết anh xin về làm tại một công ty cạnh nhà để tiện bề chăm sóc, đưa đón vợ đi trị bệnh chứ chẳng ngờ anh lại chấp nhận làm bảo vệ. Thật lòng tôi rất cảm phục những tình cảm của Phong dành cho vợ”.

Còn bác Liễu - mẹ Mai - kéo tay phóng viên lại gần nói nhỏ: “Tôi ngại nên chưa bao giờ trực tiếp nói lời thương yêu với Phong, nhưng thật lòng tôi và cả gia đình đều rất quý và biết ơn Phong. Phong đã kéo chúng tôi từ trạng thái hụt hẫng, tuyệt vọng sang hạnh phúc, hi vọng. Với người làm cha mẹ thì không có niềm vui nào lớn bằng việc thấy con được người bạn đời sát cánh, thương yêu dìu qua bao trắc trở, muộn phiền trong cuộc sống”.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên