27/04/2014 10:30 GMT+7

Gánh chè 50 năm

NGUYỄN HỮU NHÂN
NGUYỄN HỮU NHÂN

TT - Cứ đúng 2 giờ chiều mỗi ngày, dì Nguyễn Thị Hai ở khóm 1, phường 1, thành phố Sa Đéc lại lên đường với gánh chè trên vai. Có lẽ giờ đây dì Hai là người duy nhất ở thành phố này còn gánh chè đi bán.

MUxc8pon.jpgPhóng to
Dì Nguyễn Thị Hai và gánh chè thâm niên 50 năm - Ảnh: H.N.

Ngay từ thời mười tám, đôi mươi, dì đã đặt lên vai chiếc gióng bằng thanh tre già với món chè đậu đen thơm lừng của mình. Cho dù Sa Đéc bây giờ không thiếu gì nơi bán chè với vô số món như chè Thái, chè thập cẩm, chè khúc bạch... nhưng những nơi ấy là chốn sang trọng, có nhạc, có cả wifi cho khách lên mạng trong khi chờ thưởng thức. Còn dì Hai hơn 50 năm qua vẫn mộc mạc với gánh chè bán rong.

50 năm, một con đường. Từ nhà đi dọc theo đường Nguyễn Huệ rồi đến giao lộ Hùng Vương - Trần Phú chưa đầy hai cây số. Dì ngồi lại đó bán trong hai giờ là nồi chè hết. Thi thoảng trên đường, dì Hai rẽ vào một vài con hẻm nhỏ, nơi có những khách hàng gắn bó với gánh chè của dì suốt cả một đời. Mà không chỉ một đời, có khách hàng ăn chè của dì Hai từ đời nội đến đời cháu vẫn không quên hương vị món chè của dì. Cứ đến tầm dì đi ngang là ra đón.

Dì nói: “Tôi không có công thức, bí quyết gì: một nồi chè cần 2kg đậu đen, 3kg đường và hai trái dừa để lấy nước cốt”. 10 giờ đêm, dì ngâm đậu, chỉ ngâm trong nước sạch, không ngâm trong nước tro để giữ mùi thơm của đậu. Đậu là đậu vườn ở quê hương Sa Đéc, hạt đều tăm tắp, khi chín hạt không bể mà vẫn ngọt ngon. Ngâm 12 tiếng đậu mới mềm. 9 giờ sáng, dì nổi lửa nấu chè. Dì không nấu bằng gas, bằng dầu hỏa mà bằng củi vụn cùng mạt cưa mua ở một cơ sở chế tác đồ gỗ gần nhà. Lửa phải canh đều, không quá lớn và không quá nhỏ, tuyệt đối không được nôn nóng, vội vàng khi nấu chè, dì Hai nói vậy. Thi thoảng, dì Hai cho thêm nhánh lá dứa vào nồi chè cho tăng thêm hương vị. Chỉ có vậy, không một chất phụ gia nào, càng không sử dụng hương công nghiệp. Nước cốt dừa tươi vắt xong, chỉ chan vào khi múc cho khách dùng. Mà cũng lạ vì chén chè mời khách từ xưa đến giờ dì Hai chỉ dùng chén đá thông thường như trong các gia đình bình dân. Dì nói không dùng chén nhựa vì nhựa sẽ làm mất hương vị của món chè.

Mấy năm gần đây, dì Hai không còn cất tiếng rao “ai chè đậu đen hôn...” mà dì đã rao suốt cả quãng đời từ tuổi thanh xuân của dì nữa. Vai dì oằn xuống dưới sức nặng của gánh chè. Bước chân đã chậm và nặng nề hơn. Dì cười nói: “Tui 73 rồi, tuổi con ngựa cậu Hai à. Vất vả lắm chưa biết tới lúc nào được yên”. Dì gọi tôi là cậu Hai như cái ngày 40 năm về trước, dì gánh chè vào nhà cho sáu anh em tôi thưởng thức. Vì thấy tôi là con trai lớn trong nhà, dì gọi tôi như vậy đến bây giờ. Dì Hai kể: “Tui có cháu cố rồi. Mấy đứa con khuyên “thôi má ở nhà đi, tụi con lo cho má được mà”. Tui không chịu. Vai tui gánh chè quen rồi, đôi chân đi đã quen đường, chỉ khi ông bà nhắn về, tôi mới nghỉ”.

Từ xế trưa cho đến 9 giờ đêm mỗi ngày dì kiếm được khoảng 80.000 đồng tiền lãi. Cũng phải nói thêm, một chén chè đậu đen thơm ngon như vậy giá chỉ 3.000 đồng.

Những năm đi học xa, tôi vẫn nhớ món chè đậu đen của dì Hai. Bây giờ, cứ ít ngày tôi lại ghé thăm và khoan khoái cảm nhận mùi thơm của món chè ưa thích từ hồi trẻ thơ.

NGUYỄN HỮU NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên