Phóng to |
Sau mỗi buổi học, ngoài giờ đi làm thêm, Nguyễn Xuân Quang dành thời gian chăm sóc người mẹ bị tai biến - Ảnh: Như Hà |
“Nhà” của mẹ con Nguyễn Xuân Quang, sinh viên năm 3 Trường cao đẳng nghề Q.1, nhỏ lắm, chỉ đúng 8m2, nằm dưới góc tối cầu thang của chung cư 145 Nguyễn Trãi, Q.1 (TP.HCM).
8m2 ấm áp
Đầu năm đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, mẹ Quang, làm lao công ở Trường đại học Mở TP.HCM, bị tai biến, liệt nửa người. Toàn bộ gánh nặng gia đình đổ ập lên vai Quang, chàng trai vừa mới chập chững khởi động lại việc học sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa (Khánh Hòa).
Từ ngày mẹ bệnh, thương mẹ không thể cử động, tự ăn uống được, cứ sau giờ học Quang đạp xe về nhà nấu cơm cho mẹ. Sau đó, Quang đến quét dọn ở Trường đại học Mở TP.HCM, thay cho công việc của mẹ trước đây. Chiều, đút từng muỗng cơm, muỗng nước cho mẹ xong, Quang tiếp tục đến phụ bán cà phê ở Nhà thờ Đức Bà đến tận 11-12g khuya. Mẹ bệnh nên lắm lúc không ngủ được, Quang ngồi nắn bóp tay chân, xoa người cho mẹ, có khi đến 1-2g sáng mới đặt lưng xuống giường.
24 giờ mỗi ngày của Quang không vơi lo lắng, nhưng trong nhà vẫn đầy ắp tiếng nói tiếng cười. Quang thuộc từng thói quen ăn ngủ của mẹ, thậm chí mẹ thích gác chân lên cái gối nào, thích xem chương trình tivi nào.
Dù mẹ không nói được nhiều, Quang vẫn thường trò chuyện vui vẻ với mẹ không chút chán nản, thỉnh thoảng lại tếu táo pha trò cho mẹ thoải mái hơn. Mỗi khi hỏi về con trai, đôi mắt bà Xuân sáng lên sự trìu mến, hạnh phúc, cất tiếng nói ngọng nghịu: “Nó thương tui lắm!”.
Ông Lâm Vũ Long, tổ trưởng tổ dân phố 40, khu phố 3, phường Bến Thành, Q.1, nơi mẹ con Quang sinh sống, bộc bạch: “Bình thường chị Xuân đã rất ốm yếu, lại một mình nuôi con suốt hơn 20 năm, giờ bị bệnh, ai thấy cũng thương. May mà có đứa con trai hiếu thảo nên an ủi được phần nào”.
Phóng to |
Việc chẻ rau muống (20.000 đồng/kg) giúp Nguyễn Thị Bích Ngọc có thêm tiền phụ giúp gia đình - Ảnh: Như Hà |
Mầm xanh hi vọng
Đến khu nhà trọ 2514 Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8, TP.HCM, hỏi nhà ông Nguyễn Văn Thành bị bệnh tim ai cũng biết vì “nhà đó khổ quá trời”. Trong căn nhà trọ nhỏ, nơi mà toàn bộ đồ đạc đều do chủ nhà trọ hảo tâm tặng, ông Thành, năm nay 61 tuổi, đang cặm cụi ngồi chẻ rau muống với con gái Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Ngọc đang là sinh viên năm 2 khoa điều dưỡng, hệ trung cấp Trường đại học y Phạm Ngọc Thạch. Suốt hơn một năm nay, ông Thành luôn bị căn bệnh hở và hẹp van tim nặng hành hạ. Tuy nhiên, bù lại những nỗi đau thể xác đó, ông Thành lại có một đứa con gái rất hiếu thảo và tháo vát.
Nhà nghèo nhưng Ngọc không mặc cảm, tự ti, vẫn luôn tươi cười, bất kể lúc bươn bả đi bưng bê ở quán ăn, nhận bông tăm về bỏ bịch (100 gói được 3.200 đồng) hay ngồi chẻ rau muống (20.000 đồng/kg) để phụ tiền thuốc thang cho cha. Ngày làm hồ sơ thi, dù rất muốn vào đại học nhưng nhà nghèo, không đủ tiền theo đuổi việc học lâu dài nên cuối cùng Ngọc quyết định học trung cấp điều dưỡng với ước mơ giản dị: “Khi ba mẹ bệnh, em sẽ biết cách chăm sóc bài bản, chu đáo hơn”.
Khó khăn cứ ập đến với gia đình Ngọc. Mới đây, ông Thành vừa nhận được giấy báo từ Viện Tim TP.HCM phải mổ gấp mới qua được cơn nguy kịch, chi phí cơ bản đến 97 triệu đồng. “Em cầm giấy của ba mà hoảng hồn, nhà chạy gạo từng bữa, 30.000 đồng nhiều khi còn không có, lấy đâu ra 97 triệu đồng, đi vay diện sinh viên cũng không được vì nhà em toàn ở trọ đây đó, có hộ khẩu nhưng chưa có nhà chính thức” - Ngọc cho biết.
Số tiền quá lớn và cảm giác tử thần luôn chực chờ khiến cha Ngọc rơi vào trạng thái căng thẳng triền miên. Hiểu được cảm giác của cha nhưng sức lực của cô gái bé nhỏ này làm sao gánh vác được hết, thế là Ngọc nghĩ ra cách khác.
Ngọc mua vài chậu sống đời về đặt trước cửa phòng trọ của mình. Mỗi ngày, Ngọc đều mang vào khoe với cha những mầm xanh đang lớn, những nụ hoa sắp nở. “Tiền không thể kiếm được trong tích tắc, nhưng niềm hi vọng, lạc quan sống thì trong lòng ai cũng có, chỉ mong cây sống đời này giúp ba em vui vẻ hơn, nhắc với ba rằng ba vẫn còn có em, có mẹ ở bên” - Ngọc hồn nhiên cho biết, nụ cười em sáng ngời trong nắng sớm, bên những chậu sống đời tươi xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận