17/03/2013 04:30 GMT+7

Tình cảm thật chào thua... công nghệ!

HẢI THI - BÌNH THANH
HẢI THI - BÌNH THANH

TT - Cảm thấy khó chia sẻ, giao tiếp “mặt đối mặt” với bố mẹ, bạn bè, người yêu..., mê mẩn các ứng dụng liên tục được cập nhật trên smartphone, laptop, iPad, iPod... nhiều bạn trẻ chọn các thiết bị công nghệ làm “cò” trung gian trong hầu hết các cuộc giao tiếp.

omofGkw7.jpgPhóng to
Một nhóm bạn nữ đi chơi ở cà phê bệt nhưng mạnh ai nấy cầm điện thoại, rất ít khi trò chuyện cùng nhau - Ảnh: Quang Định

Tuy nhiên, do mê mẩn đến mức phụ thuộc cảm xúc lẫn dành thời gian quá đà vào các thiết bị công nghệ... các mối quan hệ tình cảm của nhiều bạn đã bị sứt mẻ.

“Kẻ thứ ba”

“Ôi chao, lịch tụ tập bù khú, “chém gió” mỗi chiều cuối tuần của chúng tôi nay có nguy cơ... sập vì bây giờ mỗi lần gặp nhau, mỗi đứa lại “ôm” một điện thoại chat chit, lướt Facebook!” - Lê Ngọc (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM) ca cẩm.

Tiếc hùi hụi những buổi xả hơi “vui nổ trời” ngày xưa khi được xả láng trò chuyện với bạn bè, giải stress sau cả tuần làm việc căng thẳng, Ngọc kể: “Đâu phải xa gì, chỉ nửa năm nay đổ lại, từ lúc bốn cô nàng trong nhóm lần lượt tậu điện thoại xịn thì mỗi dịp gặp nhau đều có sự góp mặt của bốn “kẻ thứ ba”. Lắm bữa Ngọc ngao ngán gào lên với hội bạn: “Bọn mày ôm điện thoại cả buổi vậy thì gặp nhau làm gì!”. Ấy thế mà có cô bạn vô tư đáp ngay: Gặp nhau, nhìn thấy nhau khỏe khoắn, vẫn hớn hở yêu đời là được rồi. Chuyện gì cần “buôn” thì tối về chat! Mà cũng chẳng đợi chờ gì đến tối cho lâu - Ngọc nói - có khi hai người bạn cô ngồi cạnh nhau nhưng tay liên tục “chỉ chỉ, chọt chọt” iPad, smartphone màn hình cảm ứng tán gẫu với nhau bằng Skype, trong khi trước đây mỗi lần gặp nhau là hai nàng tíu tít “tám” không ngớt.

Cả tuần nay Ngô Tuấn (25 tuổi, nhân viên ngân hàng, Q.Phú Nhuận) ngó lơ người yêu vì dỗi nàng “bỏ rơi” mình mỗi lần hẹn hò. Mê Linh (23 tuổi, nhân viên truyền thông Q.1) - bạn gái Tuấn - chống chế: “Bởi công việc bận túi bụi nên tôi thường tranh thủ lúc ảnh đưa đi ăn uống, xem phim, cứ rảnh chút lại lôi iPad ra check mail, làm việc...”.

Trước lý do nàng đưa ra, Tuấn phản pháo gay gắt rằng cả ba bốn tháng nay lần nào đi chơi Linh cũng bận, cách dăm ba phút lại lôi hết iPad đến iPhone bấm bấm. “Chúng tôi vừa cãi nhau một trận nảy lửa, vì tôi tình cờ biết được lúc cô ấy kêu “bận làm việc” thì thực chất đang lướt Facebook, tán gẫu với bạn trên Skype hay Viber” - Tuấn mím môi nói. Linh cũng thú thật rằng các mối quan hệ công việc phải liên hệ qua mạng hay điện thoại đã đành, giờ ngay cả những mối bạn bè thân quen Linh cũng chuyển hết sang tình trạng online. Linh bộc bạch chẳng phải không sắp xếp được thời gian mà bởi vì quen chat rồi nên giờ đây cô nói chuyện trên mạng “dễ thở” hơn, dễ bộc lộ cảm xúc hơn gặp gỡ trực diện.

Kết nối nhưng đơn độc

Bước lên xe buýt: nhắn tin. Bước vào quán cà phê hoặc trường ĐH, CĐ: dò sóng wireless. Ở nhà hoặc công ty, cơ quan: cắm dây mạng. Nơi nào không dây, không sóng thì có... 3G. Với các thiết bị công nghệ hiện đại trong tay, bạn trẻ luôn trong tình trạng kết nối. Nhưng với nhiều bạn như Diệu Thái (21 tuổi, sinh viên năm 3 ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM), bạn vẫn mơ hồ cảm thấy cô đơn dù luôn trong tình trạng “tứ hải giai huynh đệ”.

Thái kể lần cãi nhau cuối cùng với cô bạn thân gắn bó từ thời cấp II được thực hiện bằng... tin nhắn, dù hai đứa chỉ ngồi đối diện cách nhau vài mét. “Tranh luận mặt đối mặt lại dễ bị người kia xen ngang, phân bua này nọ thì không giải tỏa hết ấm ức...”. Nghĩ vậy nên Thái nhắn hàng chục tin dài ngoằng trách cứ cô bạn, nhưng những tin Thái nhận lại không đủ cởi bỏ khúc mắc. Sau sự kiện đó, hai người bạn thân suốt những năm trung học gần như “cạch mặt” nhau, mọi giao tiếp chỉ dừng lại ở nhắn tin, cùng lắm là chat.

“Danh sách bạn bè của mình trên Yahoo và Facebook lên tới hàng trăm, muốn nói chuyện với ai, vào bất cứ thời gian nào, đề tài gì cũng được. Nhưng nhiều bạn thì chẳng có bạn thân, luôn kết nối thì chẳng thật sự kết nối với ai cả nên lắm lúc thấy đơn độc, không ai thật sự hiểu mình” - Thái trầm giọng. Theo Thái, việc chuyển thói quen từ nói chuyện trực tiếp sang nhắn tin, chat thì dễ, nhưng chuyển ngược lại rất khó. Những bạn bè đã quen giữ liên lạc qua mạng, điện thoại thì khi gặp trực tiếp cứ ấp a ấp úng, chẳng “chém” thẳng tay rồi “mặt cười ha ha, mặt khóc hu hu” được như trên mạng.

Nhiều bậc phụ huynh lại không tránh khỏi nỗi buồn lo bị công nghệ “bắt mất con” như tâm sự của cô Đ.T.Trà (45 tuổi, Q.12). Cô kể chỉ mới cách đây 2-3 năm, cô đi làm về là hai đứa con gái chạy ra mừng mẹ, tranh nhau kể chuyện trong ngày. Từ lúc con gái lớn vào ĐH, vợ chồng cô tậu cái laptop giúp hỗ trợ việc học cho con, kéo dây mạng vào tận phòng để con tiện học khuya thì coi như 2-3 ngày cô mới thấy mặt cô bé. “Nó về nhà ăn cơm trước, tắm rửa rồi đóng cửa phòng ôm laptop” - cô kể.

Cảm giác cô đơn càng rõ lên trong cô khi đến lượt con gái út vốn rất quấn mẹ nay cũng chuyển sang... quấn cái iPad. Cô đi làm về, bé út vẫn chạy ra mừng nhưng là mừng... cái cặp sách có iPad. Suốt giờ cơm, cô bé tay múc cơm đút vào miệng, tay mải miết “chém trái cây” (một trò chơi trên iPad), cô hỏi gì cũng dạ dạ vâng vâng, mắt không rời màn hình cảm ứng. “Lắm lúc tôi đi công tác, nhận được tin nhắn của con, chưa kịp vui thì đã hụt hẫng vì tụi nó nhắn tin hỏi... iPad để đâu”, cô nhíu mày rầu rĩ.

Nỗi buồn của cô Trà cũng là nỗi lòng chung của nhiều bậc phụ huynh ngày nay, theo lời thạc sĩ tâm lý học Trương Thanh Chí. Ông kể: nhiều phụ huynh đến gặp ông than vãn không tài nào tách con khỏi các thiết bị công nghệ, dù chỉ vài phút để nói chuyện. Nhiều người cáu lên, tắt máy hoặc giật máy từ tay con thì bị chúng nhìn lại với ánh mắt không khác nhìn kẻ thù.

“Thanh thiếu niên dành nhiều thời gian sống “ảo” hơn “thật” sẽ có nguy cơ mất dần các kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ lẫn giao tiếp tình cảm đời thường. Bù lại, khả năng biểu đạt cá tính trên mạng lại ngày càng phát triển khiến các em cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp “ảo”. Ngày nay các hãng công nghệ thông tin cũng đua nhau tung các sản phẩm ứng dụng hấp dẫn, bắt mắt khiến người lớn còn “ghiền” thì không khó giải thích tại sao người trẻ ngày càng có dấu hiệu“nghiện” công nghệ” - ông Trương Thanh Chí phân tích.

Theo ông, thiết bị công nghệ hiện đại cùng những tiện ích hỗ trợ giao tiếp đang rút ngắn khoảng cách địa lý giữa người và người, nhưng đồng thời cũng giãn rộng khoảng cách tâm lý giữa các cá nhân, bởi những tâm tình sâu sắc nhất chỉ có thể biểu đạt bằng ánh mắt, cử chỉ, ngữ điệu khi giao tiếp trực diện, công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được.

Chúng ta đang ở trong tình trạng cô đơn cùng nhau

Giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) Sherry Tyrkle - nhà tâm lý học, xã hội học dành gần 30 năm nghiên cứu mối liên hệ giữa công nghệ và con người - đã khẳng định như vậy trong buổi nói chuyện với hàng chục ngàn khán giả của chương trình Tedtalk.

Theo bà, con người, đặc biệt là giới trẻ, đã chuyển hình thức giao tiếp từ “đối thoại” sang “kết nối” và từ “kết nối” sang đơn độc. “Con người muốn ở cùng nhau nhưng cũng muốn ở chỗ khác và liên kết với tất cả nơi khác mà họ muốn - bà nói - Và kết quả là chẳng ai ở cùng nhau trong thế giới thực cả”.

HẢI THI - BÌNH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên