27/02/2013 14:27 GMT+7

Có một "vườn nhân ái" trong Mai

MÃ SỐ: 026
MÃ SỐ: 026

TTO - Ấn tượng đầu tiên về chị là một người phụ nữ duyên dáng, lúc nào cũng xuất hiện trước mọi người với áo bà ba, tóc dài, kiểu phụ nữ miền Tây.

gI5xigfi.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Ngọc Mai bên cây cầu do Đồng Tâm tài trợ tại H.Trảng Bàng, Tây Ninh - Ảnh: Phó Bá Cường

Nhiều người bảo chị trẻ, có lẽ đúng, bởi lúc nào chị cũng cười thật tươi với má lúm đồng tiền thật xinh. Cái đẹp ấy còn toát ra bởi lòng nhân ái, dịu dàng, đúng như cái tên miền của website nhóm từ thiện mà chị làm chủ nhiệm - Từ thiện Đồng Tâm (có trụ sở tại 244 Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, website: vuonnhanai.org).

Địa chỉ trên là một ngôi chùa mang tên Pháp Vân. Thầy trụ trì chùa thấy chị Nguyễn Ngọc Mai và từ thiện Đồng Tâm làm nhiều việc có lợi cho mọi người nên đồng cảm, hỗ trợ để chị và nhóm có nơi sinh hoạt, quyên góp, tập trung trước mỗi chuyến đi xa. Nơi đây cũng từng là nơi Ngọc Mai cùng với các thành viên của nhóm cũng như những bạn trẻ tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” cho sĩ tử gần xa trong mỗi mùa tuyển sinh.

Với chị, làm từ thiện là một cái duyên. “Duyên lành đối với tôi là được chung tay với nhiều người để chia sẻ, xoa dịu bớt những mất mát, đau thương”, chị chia sẻ.

Từ những ngày đầu thành lập, khoảng năm 2008, từ thiện Đồng Tâm đi những chuyến thiện nguyện nhỏ, với những phần quà cho người nghèo, trẻ em thiếu thốn học phí, sách vở tới trường hoặc những lần khám bệnh, phát thuốc miễn phí.

“Vườn nhân ái” ra đời càng kết nối thêm nhiều tấm lòng, như cái tên của nhóm là “Đồng Tâm” với ý nghĩa cùng chung tay, cùng chung một tấm lòng sẻ chia. Có lẽ, bởi cách làm minh bạch, rõ ràng, báo cáo tài chính ngay trên mỗi chuyến đi cùng tấm lòng lúc nào cũng thao thức với người nghèo nên “tâm truyền tâm”, “hữu xạ tự nhiên hương” nên Đồng Tâm ngày càng thêm lớn mạnh.

Từ năm 2011 đến hết 2012, dấu chân của chị và những người cùng chung tay như NSƯT Ngọc Mai (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM), nhiếp ảnh gia Phó Bá Cường, chị Trang Thị Lệ, cô Chơn Điều, Chơn Thọ… đã đặt chân tới nhiều tỉnh thành như Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp… để khảo sát, xây cầu, tặng nhà, giúp các em học sinh, tổng kinh phí lên tới hàng tỉ đồng.

Chị Mai cho biết sự kết nối giữa Đồng Tâm với những đơn vị doanh nghiệp, quỹ từ thiện, tổ chức y bác sĩ thiện nguyện trong và ngoài nước đã là cầu nối để giúp người nghèo nhiều hơn. Hướng tới việc xây dựng những công trình xã hội như cầu và nhà là muốn “trao cái cần câu” thay vì “trao con cá” là một hướng nhìn đầy nhân văn, sâu rộng của chị trong việc làm từ thiện. Tôi phục chị ở chỗ đó và ở chỗ một người phụ nữ ở tuổi chị thông thường là dành cho việc gia đình, con cái, bếp núc thì chị lại hi sinh, chọn cách “một mình”, dấn thân làm công tác xã hội.

Mỗi chuyến đi về chị lại trăn trở, bày tỏ: “Tôi mong ngày càng có nhiều tấm lòng cùng đồng hành với Đồng Tâm để xóa bớt những nỗi đau, nhọc nhằn của người dân trên quê hương mình”. Những rung cảm và mong ước chân thành đó đã tích lũy thành ngôn từ thi ca nên chị còn được biết đến với vai trò là một nhà thơ trẻ.

Còn nhớ năm 2011, tập thơ Tiếng dạ phù sa (NXB Thanh Niên) của chị ra mắt là để gây quỹ tặng học bổng cho học trò nghèo mà thương quá đỗi. Một chương trình mua thơ góp vào quỹ học bổng nhanh chóng được sự đồng cảm, chung tay của nhiều người. Vậy là những người chung tay vừa có một nghĩa cử đẹp với học sinh, sinh viên, vừa được thưởng thức những vần thơ trong trẻo, giàu tình thương của chị, những vần thơ mà có lần nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Chính lòng nhân ái đã đem lại cảm xúc cho hồn thơ của Mai”.

Riêng tôi thầm cảm ơn nụ cười, những vần thơ, không chỉ trong Tiếng dạ phù sa mà còn trong Giọt sương mặt trời cùng thực tế những chuyến đi nghĩa tình, xây cầu, tặng nhà, trao học bổng của chị đã cho tôi niềm tin lấp lánh, rằng cuộc sống không phải toàn màu đen…

Khi thực hiện bài viết này, tôi biết chị và những người bạn đang vận động tặng quà tết, khám chữa bệnh cho người nghèo. Một chương trình với kinh phí dự toán trên 130 triệu đồng, thực hiện tại TP.HCM, Kiên Giang, Bình Phước, Bạc Liêu. Thế là tôi lại hình dung về những chuyến đi xa của chị, với nụ cười thường trực trên môi, chiếc áo bà ba giản dị sẽ mang mùa xuân đến với người nghèo, khắp nơi. Chợt ấm lòng, như mùa xuân đang về trong tôi vậy!

MÃ SỐ: 026
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên