Khi tôi bước sang tuổi thành niên, mẹ mới kể cho nghe mẹ không hề ghen tuông mà chấp nhận cảnh chồng chung bởi lỗi tại tạo hóa đã không cho mẹ thiên chức được làm mẹ. Còn u tôi về chỉ tròn năm đã sinh ra anh Cả, rồi cứ đều đặn hai năm một lần sinh nở tới bảy người con mới thôi. Bố tôi rất hiền, chưa bao giờ biết nặng lời, song ông vẫn điều hành êm ấm được cả gia đình gồm ba vợ chồng và bảy người con ăn chung, ở chung một nhà. Nhất là mẹ và u tôi thương nhau như chị em ruột dù kinh tế hồi trước năm 1970 rất khó khăn, đến cơm không đủ no, áo không đủ ấm.
U là người sinh ra chúng tôi, song mỗi đứa u chỉ ẵm bồng được đầy tháng thì mẹ nuôi. Ban ngày đi làm ngoài đồng đã vất vả, về đến nhà là lưng mẹ địu con nhỏ rồi cùng u làm mọi việc từ cơm nước đến chăm lợn, gà... Mỗi bữa ăn, ít nhất có ba đứa vây quanh mẹ, chờ mẹ bón cơm. Đứa nào đứa nấy đến năm 13, 14 tuổi mới chịu rời mẹ ra ngủ riêng. Mẹ không có con nhưng lại có kinh nghiệm nuôi dạy con cái không ai chê vào đâu được. Mẹ dạy chúng tôi từ cách đi đứng đến lời ăn, tiếng nói lễ phép, đứa nào nói bậy là bị mẹ sửa ngay. Mẹ nhắc đến ba lần không chịu bỏ là bị phạt “không cho ngủ chung giường với mẹ nữa’’ nên đứa nào cũng sợ.
Từ nhỏ đến lớn, chúng tôi sống trong đầy ắp tình thương của bố, mẹ, u song mẹ vẫn là người cực nhọc với chúng tôi hơn cả. Có thời gian anh Cả và tôi cùng học cấp III tận trên thị trấn huyện, cách nhà 10 cây số. Do nhà chẳng đủ tiền, đủ gạo cho hai anh em đi trọ nên cứ 3g sáng mẹ đưa em nhỏ sang buồng cho u ẵm để nấu cơm cho chúng tôi ăn. Ngày mưa mẹ vắt thêm hai nắm cơm để hai anh em ăn trưa rồi về khỏi đói. Các em tôi về sau này cũng vậy, mẹ lo toan là chính.
Rồi lớn lên chúng tôi mỗi người một nơi, người vào bộ đội, người đi học trung cấp, cao đẳng... Khi biết được tin đứa con nào sắp sửa xa nhà là mẹ vô cùng buồn bã, suốt những ngày ấy mẹ tranh thủ thời gian ở bên căn dặn đủ điều. Lúc chia tay mẹ khóc nức nở...
Năm 1982, bố tôi quyết định đưa cả gia đình cùng vợ chồng người anh Cả vào Tây nguyên xây dựng kinh tế mới. Mẹ bảo: “Tôi phải ở lại vì mồ mả ông bà còn ở ngoài này. Ông kêu người bán đi tất cả đất đai, nhà cửa để lấy vốn làm ăn, chỉ chừa tôi cái bếp và nửa sào đất phía sau là tôi đủ sống”. Dù bố và u tôi năn nỉ thế nào mẹ cũng không chịu vì mẹ sợ mồ mả ông bà nội tôi lạnh lẽo, cuối cùng bố đành để cô em út của tôi ở lại với mẹ.
Năm 2000, bố mất sau một thời gian đau bệnh, mẹ vào chịu tang rồi ở chơi mười ngày. Mẹ mừng khi thấy chúng tôi kinh tế có phần dư dật, song lại thấy u tôi sức yếu do tuổi già nên mẹ thuyết phục chúng tôi cho u về quê để mẹ chăm lo. Cũng mất mấy ngày bàn đi tính lại chúng tôi đồng ý bởi một lý do rất đơn giản là “mẹ tôi quá tuyệt vời’’. Sáu năm sau u tôi mất, rồi cũng chỉ được ba năm nữa mẹ tôi về với tổ tiên, để lại cho chúng tôi nỗi nhớ thương cả đời không gì bù đắp được.
Cuộc thi viết “Người phụ nữ trong tôi” sẽ hết hạn nhận bài vào ngày 28-2-2013. Mong tiếp tục nhận bài dự thi của bạn đọc gửi về email toam@tuoitre.com.vn hoặc địa chỉ tòa soạn báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận