“Mẹ đi quang gánh trên vaiMẹ về gánh cả tương lai con về”
Một người phụ nữ hơn bốn mươi năm cùng “đôi quang gánh” oằn vai đi tìm tương lai, hạnh phúc cho năm đứa con thơ trong nghịch cảnh đói nghèo. Người phụ nữ ấy chính là má Trần Thị Hiếu của tôi.
Phóng to |
"Sự dịu dàng, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ, vá may từng tấm áo cho chồng con giữa đêm khuya, má gởi trọn mối tình chung son sắc trong suốt quãng đời làm vợ, làm mẹ" - Ảnh tác giả cung cấp |
Má tôi được sinh ra trên mảnh đất hoang tàn, xơ xác bởi chiến tranh. Một căn chòi phên, vách lá trống trước, hở sau được dựng lên tạm bợ ở cuối nguồn con sông Vàm Cỏ - ấp Bình Khương, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - đã không đủ che mưa nắng cho cả một gia đình có đến mười người con liền kề. Có mấy sào ruộng nước mặn, phèn chua, một năm chỉ làm một vụ lúa mà có khi không có hạt để gặt, chỉ trơ ra toàn là rơm rạ. Nghiệt ngã thay! Trong cảnh nghèo nàn cơ cực, ông ngoại tôi lại lâm trọng bệnh ở cái tuổi bốn mươi.
Thế là một cô bé chưa đến tuổi mười lăm như má phải dậy từ tờ mờ sáng, khi thì gánh nước mướn, khi thì gánh mạ non, khi thì gánh từng gánh lúa mướn có trọng lượng nặng hơn tuổi đời của má. Hết việc làm thuê, má lội bùn, dầm mình trên sông nước dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa hè hay cái lạnh giá buốt của buổi chiều đông, kiếm tìm từng con rạm, con còng mong đổi được ít gạo về nấu cháo cho cha, cho em. Tuổi thơ của má trôi qua nằng nặng như cái đói nghèo cứ quấn lấy đời ông cha rồi tới đời con.
Quanh năm, má không hề chạm đến quần là, áo lụa, không chút phấn son. Đầu xuân năm 1973, má về với ba tôi trong chiếc áo bà ba sờn vai với cái duyên mặn mòi của người con gái lam lũ trên bến sông Vàm. Nhà nội cũng nghèo lắm! Làm dâu nội ba năm, má được nội cho ra riêng với ba sào ruộng. Ba tôi vắng nhà dài hạn vì đi làm nghĩa vụ công ích ở vùng sâu, làm thợ mộc ở các tỉnh xa.
Ngày ngày, má phải gánh hàng chục gánh nước tưới luống rau, dưa. Một hai giờ khuya má hối hả gánh mớ rau ra chợ xã. Những đêm mưa dầm trong ánh sáng lờ mờ của chiếc “đèn bong bóng”, Má bám víu từng bước chân mềm trên con đê bùn lầy trơn trợt. Buổi chợ tan, má quẩy quang gánh trở về với đầy ấp những ước mơ, hy vọng. Chờ ánh trăng lên, má lại tất tả gánh từng hòn đất ở nơi đồi cao, lấp vào những hố sâu trên mảnh ruộng nhỏ đã chịu bao làn mưa bom, lửa đạn. Má tôi gánh như thế suốt chục năm trời nên mới có mảnh vườn bằng phẳng như ngày hôm nay.
Tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành đến báo Tuổi Trẻ, ban tổ chức cuộc thi viết “Người phụ nữ trong tôi” đã tạo cho tôi cơ hội chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người vì tôi được sinh ra và lớn lên trong vòng tay ấm, trong sự che chở của một người mẹ nhân từ, chịu thương chịu khó. Đẹp lắm tình mẹ cho con đã làm điểm tựa vững vàng cho cả năm chị em tôi được thành nhân. Má cũng hạnh phúc lắm bởi Má đã thành công trên suốt hành trình đầy thử thách “Đi tìm nan chữ cho con” bằng đôi quang gánh trên vai với đôi chân trần rắn rỏi. |
Má luôn nhắc các con phải nhớ bảo nhau học hành vì: “Một kho vàng cũng không bằng một nan chữ”. Má tin các con của má sẽ học thay má, giúp má thực hiện những ước mơ, hoài bão làm “cô giáo trường làng” hay “một cô thư ký” ở một cơ quan. Má không muốn nhìn các con của má quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như đời của má, của ba. Rồi năm chị em tôi trải qua mười lăm năm học trường Chợ Gạo là có đủ mười lăm mùa mưa má cõng chiếc xe đạp của từng đứa trên vai suốt đoạn đường lầy lội hơn ba cây số, bởi má muốn các con của má giữ tinh nguyên chiếc áo trắng học trò khi đến lớp.
Hơn bốn mươi năm trôi qua, má luôn vực dậy tinh thần cho gia đình tôi trong những thăng trầm cuộc sống. Sự dịu dàng, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ, vá may từng tấm áo cho chồng con giữa đêm khuya, má gởi trọn mối tình chung son sắc trong suốt quãng đời làm vợ, làm mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận