26/01/2013 01:20 GMT+7

Vượt qua số phận

MÃ SỐ: 017
MÃ SỐ: 017

TT - Thời gian chia đều cho mọi người. Nhưng số phận từng người lại khác nhau. Và có người cuộc đời tưởng chừng như đã khép lại khi phải đối mặt với những nỗi bất hạnh đến tột cùng...

hOZuKJcO.jpgPhóng to

Bà Nguyễn Thị Xiêm sống hạnh phúc bên con cháu - Ảnh do tác giả cung cấp

Đó là cuộc đời của chị Nguyễn Thị Xiêm ở tổ 5, khu phố 4, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Hai vợ chồng chị cùng bốn đứa con thơ dại hằng ngày sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn. Tuy cực khổ, nhưng có vợ và chồng chèo chống cũng chia sẻ được nỗi vất vả cơ hàn. Một buổi chiều tháng 3-1989, tai họa ập xuống gia đình nghèo của chị. Người chồng vĩnh viễn ra đi vì tai nạn bất ngờ khi làm cỏ mướn. Trong đám tang, chị ngồi im lặng như một cái xác không hồn bên cạnh linh cữu người chồng. Chị kiệt sức và khô nước mắt vì đau đớn. Đã có lúc, chị muốn nhắm mắt đưa chân đi theo chồng. Nhưng nhìn bốn đứa con còn thơ dại, chúng sống ra sao khi không còn nơi nương tựa, chị gắng gượng đứng dậy.

Sau khi đưa người chồng đến nơi an nghỉ cuối cùng, chị lao vào những ngày lao động vắt đến kiệt sức. Điều quý nhất và cũng là sức mạnh của chị, chính là tình thương mãnh liệt của một người mẹ. Chị nhận làm mọi việc để nuôi sống năm miệng ăn. Buổi sớm tinh mơ, chị đi nhổ cỏ mướn. Khi nhổ cỏ vườn, chị nhặt từng cọng rau má, rau dền để có nồi canh bữa trưa. Buổi trưa, chị lại đi giặt quần áo thuê hoặc dọn cống rãnh nếu có người mướn. Buổi chiều, chị đi cắt cỏ để bán cho người nuôi trâu bò. Tối đến, chị cùng đứa con lớn lặn lội bên bờ sông Đồng Nai bới tìm sò hến bán lấy tiền mua từng lon gạo.

Có buổi sáng, chị nhịn đói đi làm, dành những củ khoai luộc cho con ấm bụng đi học. Chị nghĩ dù nhịn ăn, thiếu mặc nhưng không để con cái thất học. Cái chữ như chiếc gậy chống chọi với phận nghèo đói. Chị thường nghĩ: mình nghèo không tài sản gì nhưng có vốn quý là những đứa con thân yêu lớn lên từng ngày. Các con thương mẹ nên ngoài giờ học lại phụ mẹ nhổ cỏ mướn, lượm củi, nhặt rau. Biết hoàn cảnh cực khổ của chị nên đoàn thể phụ nữ khu phố cũng thường xuyên đùm bọc, san sẻ từng lon gạo, tấm áo, suất quà giúp gia đình chị. Những tấm lòng nhân ái tiếp sức cho chị vượt qua nỗi gian nan, vất vả trong cuộc sống.

Trải qua những tháng ngày cực nhọc, chị được bù đắp bằng niềm vui khi đứa con đầu thi đậu đại học. Chị khóc. Giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc và cả nỗi lòng thương con. Chị đã dành một buổi tối để vá lại manh quần, tấm áo cho con lành lặn đến trường. Hiểu hoàn cảnh của chị, một trường học đã nhận chị vào làm lao công, dọn dẹp vệ sinh. Từ sáng sớm tinh mơ, chị có mặt quét dọn, lau chùi vệ sinh sạch sẽ trường lớp. Xong việc, chị xin phép nhà trường về sớm để lo làm thêm kiếm tiền nuôi con học hành. Chị xoay xở làm mọi việc, không quản ngại việc gì.

Tháng ngày như những vòng quay lăn đều. Nhưng đối với chị Xiêm, thời gian như không đủ. Chị muốn có thêm thời giờ để kiếm sống. Chị không sống cho riêng mình. Chính tấm gương sáng của chị đã nuôi dưỡng nhân cách cho các con nên người. Thương yêu mẹ nên các con chị đều ngoan ngoãn, siêng làm, chăm học và lần lượt đã thi đậu đại học, trung cấp. Đó là những giờ phút sung sướng hạnh phúc, đầy ắp niềm vui.

Đầu năm 2013, tôi có dịp trở lại gặp chị cùng những đứa con đã trưởng thành trong căn nhà ấm cúng, thấy chị đang sống hạnh phúc bên con cháu. Cảm ơn chị. Cảm ơn cuộc đời đã cho chúng ta niềm tin vào sức sống mãnh liệt...

Bài dự thi xin gửi về email toam@tuoitre.com.vn, tối đa 1.000 chữ, có hình ảnh - địa chỉ nhân vật rõ ràng. Tổng giải thưởng cuộc thi 71 triệu đồng.

MÃ SỐ: 017
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên