14/09/2012 16:38 GMT+7

Có tình thương vượt qua tất cả

LÊ DIỄM  - KHÁNH LY
LÊ DIỄM  - KHÁNH LY

TTO - “May mà ảnh thương tui” - Nguyễn Thị Bông Xinh (22 tuổi, Long Thành, Đồng Nai) mỗi khi kể chuyện mình đều nói như thế. Xinh bị phỏng, đến nỗi không thể cho con bú vì bầu ngực không còn và nửa thân người bị biến dạng.

VSB2DSZG.jpgPhóng to

Bây giờ nhà Xinh - Ẩn tràn ngập tiếng cười - Ảnh: Lê Diễm

Xấu đẹp gì cũng thương

Lúc đó Xinh đang học kế toán tại Trường cao đẳng Nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch, có khuôn mặt đẹp và nhiều người cùng trường theo đuổi. Nhà Ẩn khó khăn nên khi học hết lớp 12, Ẩn ở nhà theo cha đi đóng trần thạch cao. Một lần theo bạn vào nhà Xinh chơi, Ẩn quen được Xinh.

Mấy lần Ẩn đến, Xinh lánh mặt. Chờ ngoài cổng không được, thế là Ẩn vào thẳng nhà, ngồi bàn uống nước tự nhiên như người nhà. Tự nhiên Xinh thấy Ẩn hay hay, rồi xiêu lòng hồi nào không biết. Tuy vậy Xinh cũng sợ, vì cha mẹ Xinh không thích Ẩn cho lắm.

Ẩn hồi nào giờ không xin tiền cha. Có lúc cha cho vài chục ngàn đồng giữ trong người, mấy tuần sau hỏi lại thì còn nguyên đó. Vậy mà có hôm tự nhiên Ẩn đòi cha cho mỗi tháng 700.000 đồng gọi là tiền công theo cha đóng thạch cao. Hóa ra Ẩn lấy tiền để mua áo quần cho Xinh! Cảm động lắm, nhưng Xinh vẫn cứ trêu: “Tại Xinh mà nhà cha chồng mất một đứa con trai rồi đó!”.

Một lần do bất cẩn, Xinh để hơi xăng thấm vào áo khoác. Xinh bật đèn dầu, ngọn lửa bén qua áo bùng lên đốt cháy cả người. Từ cằm tới bụng và hai bàn tay Xinh bị cháy cả. Hai bàn tay giờ co quắp, dính ngón, tay trái bị cháy nặng. Phần cằm dính bệt vào cổ, phải há miệng mới nhìn được lên trời.

Từ Bệnh viện Đa khoa Long Thành, Xinh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, rồi Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời gian đó, Ẩn bỏ việc luôn theo sát chăm sóc cho Xinh. Những vết thương mưng mủ, lở hoét, bốc mùi trên người cô cũng do một tay Ẩn vệ sinh, sát trùng. Xinh hoảng loạn, có lúc như người mộng du, Ẩn vẫn luôn ở bên an ủi. Mấy lần phải đi truyền máu, Xinh gắt gỏng, đánh cắn Ẩn vô lý, Ẩn vẫn nhường nhịn, nhẹ nhàng chăm sóc như không có chuyện gì.

Xinh kêu: “Ảnh hiền như cục đất, lúc nào cũng nhường nhịn Xinh, nhưng mà lì lợm với ông bà già Xinh lắm!”. Nhiều lần bị cha mẹ Xinh đuổi ra khỏi nhà, Ẩn không những không đi mà còn mang cả quần áo sang ở lì bên nhà Xinh.

Cũng có lần cha mẹ Xinh khuyên Ẩn tìm người con gái khác vì Xinh xấu rồi, không còn xứng đáng. Ẩn khóc bù lu bù loa. Ẩn kể: “Tại tui thương cổ trước rồi nên khi cổ dị tật, thiệt thòi hơn người ta tui lại thấy thương thêm, lại muốn chăm sóc, bù đắp thêm. Tui bỏ hết công việc, cứ ở lì vậy mà chăm sóc cho Xinh, riết rồi cha mẹ Xinh cũng đồng ý”.

“Phấn đấu lo cho thằng nhỏ”

Lúc đầu đi đâu, Xinh cũng nép sau lưng chồng. Mấy lần đi khám, thấy những người bị biến dạng mặt khủng khiếp, Xinh sợ quá khóc thét. Xinh bỗng nhận ra mình may mắn còn khuôn mặt lành lặn, có người chồng luôn bên cạnh yêu thương và đứa con kháu khỉnh. “Mình buồn nhiều thì ba mẹ mình cũng buồn nhiều, chồng mình cũng buồn nhiều... nên mình không được buồn nữa” - Xinh nghĩ.

Thế là Xinh khởi đầu cuộc sống mới, chấp nhận điểm yếu của mình, thậm chí lấy làm động cơ phấn đấu. Xinh cảm thấy yêu đời, lại thích ca hát như con chim sẻ nhỏ. Ban đầu cánh tay, các ngón tay và đầu cử động hơi khó khăn, nhưng giờ thì Xinh làm việc nhà thành thục lắm. Hằng ngày Ẩn đi cạo mủ cao su, Xinh ở nhà với con, giặt giũ, chuẩn bị cơm nước. Xinh tính: “Tui tính để thằng nhỏ cứng cứng hơn chút nữa thì gửi nhờ ông bà để hai vợ chồng đi làm. Nhiều lần ảnh than rằng nhìn người ta đi cạo có đôi có cặp, chỉ muốn bỏ việc chạy về nhà gặp vợ, nghe thấy mà thương!”.

Xinh kể: “Hồi tui nằm viện, tiền mượn để chữa trị cũng ngót nghét trăm triệu đồng. Cưới nhau rồi, ba mẹ tui không trả nữa, để hai đứa tự lo. Từ hồi cưới tới giờ, ảnh đi làm cũng trả được kha khá rồi. Hai đứa ráng phấn đấu còn lo cho thằng nhỏ”.

Lúc mới sinh, cu Tấn - con của Xinh - Ẩn - bị cô hộ lý đét đít mất lần vẫn không chịu khóc, phải mang đi ấp lồng sưởi. Từ khi sinh ra tới giờ, thằng nhỏ toàn bú sữa bình. Ai giơ tay bồng cũng chịu. Những lúc Ẩn đi cạo mủ, Xinh bỏ thằng nhỏ lên võng, đưa cái gối bông cho nó ôm ngủ rồi đóng cửa đi chợ. Lúc về thấy thằng nhỏ bò nghịch đồ chơi trong nhà, không khóc lóc, mè nheo gì.

Mẹ của Xinh ngồi nựng cháu, bệu má thằng Tấn nói mà như khoe: “Ai ngờ thằng Ẩn nó thương con tui như vậy. Giờ tui coi nó như con ruột, trong nhà ai cũng mến!”.

Xinh ngồi đó nhìn thằng con mà hai mắt hoe hoe đỏ: “May mà còn được ảnh thương. Nhờ ảnh mà tui như được cứu sống lại”.

LÊ DIỄM  - KHÁNH LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên