Bài dự thi Người con hiếu thảo - Mã số: 010
Ông ngoại tôi là thầy giáo làng, bị Tây vùi trong một hố chôn tập thể ở Hảo Sơn ( Phú Yên) khi má tôi là cái thai chưa kịp tượng hình. Trẻ chưa rời vú mẹ, tang chồng còn trắng đầu, bà ngoại bước thêm bước nữa vì sự thúc ép của ông cố tôi…Nước mắt vắn dài, ngoại tôi tức tưởi rũ bỏ tấm khăn trắng, bỏ má tôi lại với cố…
Tuổi thơ má trầy trụa, kỷ niệm ngày nhỏ chỉ toàn mùi mồ hôi quyện bùn đất. Má bảo nứt mắt ra đã lo bươn chải nên không còn thời gian để khóc than, ta thán…
Ngoại lấy chồng, một địa chủ giàu nứt đố đổ vách, lại nổi tiếng hung dữ. Má chưa một lần được bà ngoại gửi cho đồng quà, tấm bánh. Người ta hỏi ngoại sao không giấu chồng sửa sang cho con gái, ngoại bảo mình đã có chồng, sao dám qua mặt mà đút lén, ổng biết chắc sẽ băm vằm…
Một chữ bẻ đôi má không biết. Má “thèm” con chữ, nài nỉ đi học thì cố bảo : “Học biết chữ để viết thư cho bồ phỏng?”. Dưới sự rèn cặp khắt khe của cố, tay má chỉ cầm câu liêm, cái cuốc, chưa một lần chạm cây bút.
Cố nằm liệt giường. Má túc trực bên cố, ngày nào cũng lau mình, thu dọn gọn gàng, giường bệnh thơm tho sạch sẽ. Má đút cố từng thìa cháo do chính tay má nấu. Mùa đông, giường cố nằm luôn ấm áp vì má canh chậu than nhỏ dưới gầm giường kỹ lắm, vừa đủ ấm. Khi cố ăn không hết cháo hoặc nhả ra một miếng vì khó nuốt thì má nhẹ nhàng đưa vào miệng ăn ngon lành, má bảo của người nhà thì có gì mà ngại, miếng ăn của người thân nỡ nào thành rác, thức ăn đem vứt thì ác lắm…
Trong câu chuyện má kể, ba chen vào một chi tiết mà má chưa kể bao giờ. Ấy là những ngày cố ốm nặng, không thể đại tiện như người bình thường được, mỗi lần cố kêu muốn đi ngoài thì má phải đưa tay vào hậu môn giúp cố. Lúc hấp hối, cố khó nhọc nhìn má, mắt ầng ậng nước...
Chồng mới của ngoại bệnh nặng, má mua một con cá chép to đến thăm, hỏi han sức khỏe rồi hối hả vào bếp, lát sau hai tay bưng lên tô cháo thơm phức, kính cẩn mời ba, má vẫn lễ phép gọi chồng ngoại là ba.
Ông run run đưa cháo vào miệng, gật đầu khen cháo ngon và nói với má: “Chưa có đứa con nào nấu cho ba tô cháo ngon đến như vậy!...”. Ông nằm mê man, mấy con ra vô ép ăn, nằn nì uống rồi ra về. Má đến thăm, không bao giờ tỏ ra vồn vã, hỏi tíu tít người nuôi bệnh hoặc ép ăn nài uống. Má đến bên giường nhẹ nhàng lau tay bóp chân, ôm mớ đồ dơ đi giặt…
Có lúc chị tôi càu nhàu thứ đồ hôi hám sao má không đem ra mương trước nhà, lấy cây đập sạch rồi treo lên, người ta vẫn làm vậy, má thì cứ lấy tay vò, ngoại có yêu thương gì cho cam, chỉ làm mình khổ thôi... Má cười: Má làm vậy, nói rủi, lỡ rồi sau này má liệt giường, các con cũng giặt đồ dơ cho má như ngày xưa má giặt cho ngoại ư?
Nhiều lần tôi hỏi thực lòng má có oán hờn cố, hận ngoại không? Má bảo đã là người thân thì hơn thua làm gì. Cố là ba của người đã cho má giọt máu tượng hình. Ông ngoại là chồng của người mang nặng đẻ đau. Phận làm con phải trọn đạo, không phải để được tiếng thơm mà để trả ơn người đã cho mình hình hài này. Má đi nuôi cố, nuôi ngoại, để mai mốt ba má già yếu …
Lời má, chị em tôi quyết khắc cốt ghi tâm. Má làm gương như vậy, hỏi làm sao chị em tôi dám không kính yêu, hiếu thuận?
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận