Phóng to |
Trưa nào cô Tám cũng mang cơm dâng cúng mẹ |
Bà cụ mất rồi, căn nhà không người nhưng lúc nào cũng ấm khói nhang, không một ngày nào cô Tám để nhà mẹ mình lạnh lẽo.
Dân xóm hồi đầu cũng thắc mắc: bà Tám này kỳ khôi, người ta cúng cơm là cúng bốn chín ngày thôi, dài lắm là kéo dài một năm. Có đâu mà ngày nào cũng cúng cơm, năm này qua năm khác như thế!
Có thắc mắc tới tai, cô Tám cũng chỉ cười. Lòng cô đã nguyện thế rồi, cô sẽ nấu cơm cúng mẹ già cho tới mãn tang, cô nguyện sao thì sẽ làm vậy. Cô lại còn sắm một cây chổi nhỏ xíu xiu, treo trang trọng trên tường cao, sáng sớm nào nếu trời không mưa là cô ra quét mộ mẹ cha được gia đình chôn cất gần xóm trong khu đất của gia tộc.
Nguyên bà cụ Sáu có tới 11 người con, đủ gái đủ trai, họ lập gia đình, có người ở xa, cũng có người ở gần, cô Tám lấy chồng và ở gần mẹ già, cách một dong hẻm nho nhỏ.
Hồi còn sống bà cụ Sáu rất nghiêm, tuy nhiều con cháu ở gần, bà rèn con cháu tự lập cánh sinh, bản thân bà cụ ở nhà tổ trông coi bàn thờ tổ tiên, bà cụ tự lực mọi việc không muốn phiền con phiền cháu.
Biết tính mẹ già, mỗi sáng cô Tám lại qua, đi chợ về cô ghé ngang nhà hỏi: Má nấu cơm chưa? Hễ bà cụ bảo: chưa thì cô bảng lảng: Má đừng nấu nghen, con nấu rồi, để con bới sang, má đỡ cực. Hễ bà nói: Má nấu rồi, bây để má tự nấu tự ăn, để con nấu hoài cực công con quá, bây còn con cháu đăng đê một bầy, thì cô lặng lẽ quay về, soạn những món đồ ăn ngon nhất trong ngày của gia đình mang sang biếu má. Cũng có lúc bà cụ dứt khoát từ chối, lòng cô cũng muộn phiền, song cô tự nhủ miễn sao chiều ý má vui là được.
Riết trong 11 người con, bà cụ Sáu thủ thỉ, gần gũi với cô Tám nhất. Khi bà cụ đổ bệnh, cô Tám chăm sóc bà tỉ mỉ, tận tình. Chị Mười Nhân, em dâu của cô Tám, cho hay: Những ngày má tui ốm nặng, chị Tám thường hay rủ tui đi mua bỉm cho bà, chị tắm rửa, thay đồ cho bà gọn rơ, đêm thì chị ngủ lại canh chừng. Trong 11 người con, má chồng tôi cưng chị nhứt đó.
Cô Tám có sáu người con, dâu rể nữa là thành 12, người con nào cũng thành đạt. Noi gương mẹ, họ cũng rất hiếu hạnh với mẹ cha, kính cẩn yêu thương bà ngoại. Hồi bà cụ còn tại thế, mỗi khi đi làm về họ cũng hay ghé thăm ngoại của mình, biếu bà đồng trầu đồng thuốc, bóp cho ngoại cánh tay hay đau nhức, dọn dẹp cho cụ mảnh sân quanh nhà. Bà cụ Sáu ngay cả khi ốm nặng, vậy mà nghe tiếng xe là bà phân biệt được liền, bà nhổm dậy hỏi: Thằng Hiếu (hoặc thằng Hậu) tới đó ha con (Hiếu, Hậu là con trai cô Tám)! Mắt lại ánh lên vẻ mừng rỡ. Các con cô ngày nghỉ dạy nghỉ làm, họ thường tới phụ cô trong việc chăm sóc ngoại.
Bà cụ mất, mới đó mà sắp hai năm, ngày nào như ngày nấy, việc cô Tám bê cơm sang nhà mẹ cũng thành một hình ảnh thật quen, riết rồi cả xóm tưởng như vẫn thấy bà cụ ngồi đó bên thềm hè đợi con, nghe tiếng bước chân quen, lại hỏi vọng ra: con Tám sang hả bay? Và căn nhà vắng người ấy chẳng hề vắng vẻ.
Bữa hôm giở tờ báo Tuổi Trẻ đọc cho mấy người xóm hay tới nhà uống trà nói chuyện vui với nhau, tôi mới đọc về cuộc thi người con hiếu thảo cho người xóm nghe. Mấy người xóm mới đồng thanh nói: Bay viết đi, viết về bà Tám xóm mình đó. Để có thể viết những dòng này, buổi trưa nọ tôi len lén theo sau cô Tám bê mâm cơm sang nhà cúng mẹ, lặng nhìn cô đặt mâm cơm lên mặt bàn, lồng bàn mở ra, thơm lừng những chén cơm nhỏ xinh và thơm lừng thố cá lóc nhỏ nấu canh chua, món mà bà cụ Sáu thường thích.
Cô trân trọng, cung kính đặt từng món ăn trước bài vị mẹ mình và một số bát nhang thờ những người thân, cô thủ thỉ những lời âu yếm với mẹ cô, mấy gian nhà cổ sực nức mùi thơm, thật ấm cúng.
Cô lùi lại xá: “Thưa má dùng bữa con về”, tôi cũng lút cút đi sau lưng cô, thấy như mình lạc vào một thế giới rất lạ lùng, vừa cổ kính, vừa huyền diệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận