Phóng to |
Trong số chờ đăng ký kế hoạch hóa gia đình và nạo phá thai tại Bệnh viện Từ Dũ, có rất nhiều bạn trẻ Ảnh: THANH ĐẠM |
Một nghiên cứu khác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ở 154 trường hợp phá thai to, cho thấy 31% là học sinh sinh viên. Còn theo bác sĩ Dương Phương Mai, trưởng khoa kế hoạch Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, mỗi năm tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM có gần 30.000 người đến phá thai, trong đó độ tuổi từ 15-19 chiếm khoảng 10% (khoảng 3.000 người).
Kết hôn muộn, quan hệ tình dục sớm
Tổng kết mới công bố của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Thông tin và tư liệu dân số, Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, cho thấy 36,8% ca nạo phá thai là của vị thành niên và thanh niên 15-24 tuổi, cao hơn hẳn nhóm 25-34 tuổi (29,3%) và 35-49 (29,1%).
Trong khi đó, theo điều tra quốc gia về thanh niên và vị thành niên lần 2 (SAVY 2, công bố năm 2010), tuổi quan hệ tình dục lần đầu của thanh niên đã hạ xuống 1 tuổi so với điều tra công bố năm 2005. Tuổi kết hôn có xu hướng muộn hơn, 23,2 ở phụ nữ và 26,6 ở nam giới, khiến thanh niên một thời gian dài có quan hệ tình dục mà không muốn mang thai. Nhưng rõ ràng có khoảng trống giáo dục giới tính hoặc nhận thức về việc quan hệ tình dục an toàn khiến tỉ lệ vị thành niên, thanh niên nữ mang thai ngoài ý muốn cao, dẫn đến tỉ lệ nạo phá thai cao.
Thực tế thì theo bác sĩ Hoàng Văn Nghĩa, Trung tâm Y tế Đông Anh, Hà Nội, “có hai xu hướng, hoặc các bạn không hiểu biết về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, có thai 3-4 tháng mà không biết. Xu hướng thứ hai là bất cần đời, coi chuyện có thai rồi phá thai là bình thường. Phòng khám của tôi có bạn gái mới 18 tuổi, một năm đến chỗ tôi ba lần để phá thai, thái độ rất bình thường”- bác sĩ Nghĩa nói.
Theo bác sĩ Phương Mai, những bạn trẻ đến Bệnh viện Từ Dũ phá thai với lý do có thai ngoài ý muốn, nhiều bạn vẫn đang là học sinh cấp II, cấp III. Không ít bà mẹ ở tỉnh đưa con lên Bệnh viện Từ Dũ kể họ phải xin phép nhà trường nghỉ học để đưa con lên bệnh viện phá thai. Những trường hợp này đến phá thai khi tuổi thai đã lớn, đa số từ 18-22 tuần.
Có một số trường hợp thai hơn 22 tuần tuổi người nhà mới phát hiện. Lúc này các bác sĩ không thể giúp được gia đình vì thai từ 22 tuần trở lên các bác sĩ không được phép thực hiện việc phá thai. Khi đó bác sĩ sẽ tư vấn giữ thai chờ sinh vì nạo phá thai lúc này rất nguy hiểm. Đồng thời, bác sĩ cũng tư vấn không nên đến các cơ sở tư nhân phá thai vì có thể gặp những tai biến như băng huyết, tử vong hoặc vô sinh. Đa số bạn trẻ được đưa đến phá thai đều biết rất ít hoặc không biết về những kiến thức sức khỏe sinh sản. Phần lớn không biết những dấu hiệu có thai.
Hậu quả lớn
Bác sĩ Đinh Viết Đạt, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, TP Hải Phòng, rất lo ngại hậu quả tâm lý ở nhóm nữ giới có thai ngoài ý muốn trước hôn nhân và phải phá thai. “Các bạn nữ có thể mang tâm lý mặc cảm, tự ti, cho là mình không ra gì và gặp khó khăn khi lựa chọn bạn trai, bạn đời sau này” - bác sĩ Đạt nói. Chưa kể theo bác sĩ Nghĩa, việc phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc được nhiều bạn gái trẻ lựa chọn) có thời gian chảy máu sau thủ thuật kéo dài, có khi đến 10-15 ngày, dễ dẫn đến viêm nhiễm và nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng khả năng sinh đẻ sau này.
Theo tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Thông tin và tư liệu dân số, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên làm tăng nguy cơ vô sinh về sau. Nếu thủ thuật được thực hiện ở cơ sở tư nhân thì nguy cơ cũng cao hơn so với các trường hợp được làm thủ thuật tại bệnh viện (tác giả Thanh Tâm, có nghiên cứu cho rằng nguy cơ vô sinh thứ phát sau nạo phá thai tại phòng khám tư cao gấp 3,7 lần so với bệnh viện).
Bác sĩ Trần Danh Cường, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, cho biết tại VN chưa có nghiên cứu về tỉ lệ biến chứng sau nạo phá thai, tuy nhiên thực tế không hiếm trường hợp vô sinh thứ phát sau nạo phá thai, đặc biệt các trường hợp nạo hút thai ở cơ sở không đảm bảo vô trùng dẫn đến tình huống viêm tắc vòi trứng, nhiễm trùng tử cung, viêm niêm mạc tử cung...
Một trong 11 mục tiêu của chiến lược dân số 2011-2020 là giảm tỉ lệ nạo phá thai, nhất là nạo phá thai không an toàn (hiện mỗi năm có khoảng 1 triệu ca nạo phá thai ở VN). Theo bà Diệu Hiền, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, có 70% cha mẹ ở Hà Nội ngại nói chuyện liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như kinh nguyệt, bao cao su... với con cái sắp thành niên. Chưa kể nhiều bạn trẻ tìm thông tin về giới tính trên Internet, nơi không có “bộ lọc” tốt - xấu. Vì thế đi “học” về sức khỏe sinh sản trên Internet có khi lại tai hại hơn là không học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận