Có phải một số bà vợ ngày nay có nhiều đòi hỏi quá đáng? Liệu có nên dạy vợ từ lúc... vợ chưa dạy mình? Nhịn vợ bao nhiêu cho vừa? Nếu lỡ nhịn vợ bấy lâu nay, bây giờ làm sao khiến "gió xoay chiều"?
Mời các bạn tiếp tục theo dõi các tâm sự của bạn đọc và chia sẻ suy nghĩ.
Phóng to |
"Nhường nhịn em mãi, đến một lúc tôi chợt nhận ra mình bất lực trước em" - Ảnh minh họa: từ Internet |
Nhịn em mãi, tôi thấy mình... bất lực
Yêu em, tôi đã cố gắng rất nhiều để mang lại cho em, cho con cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì điều đó, có những lúc tôi quên chính bản thân mình, chiều em hết mực, miệt mài vì công việc và quên cả thời gian dần trôi đi. Nhưng đáng buồn cho tôi là dường như em cố tình không nhận thấy sự hi sinh ấy!
Chúng ta cùng bình đẳng trong hôn nhân, nên tôi chấp nhận để em “sửa dạy” những lúc tôi sai sót hoặc vô ý trong câu nói, trong hành vi làm em phật lòng. Từ ngày nên vợ thành chồng, tôi nhận ra “nam tố” có nhiều lắm trong con người em.
Bản tính em quá nóng nảy, nên lời thốt ra trong những khi giận dữ nhiều lúc làm tôi đau đớn, tái tê tâm hồn. Tuy nhiên, tôi vẫn cam lòng chịu đựng, bởi đã trót thề hứa yêu em. Vì muốn dùng sự nhẫn nhục để mong thức tỉnh một con người, vì muốn hôn nhân không đứt đoạn giữa chừng khiến con cái bất hạnh. Với tôi, em muốn nhả ra "tiếng bấc, tiếng chì" gì cũng được, nếu điều ấy mang lại cho em niềm vui, ve vuốt được tính tự mãn, hạ được nộ khí đằng đằng. Tôi đã vì tổ ấm, vì tương lai con cái mà tự nguyện biến mình thành… “cái thùng rác” cho em trút mọi thứ bực bội, oán giận.
Em ạ, chẳng lẽ tôi nhịn đến mức ấy mà em vẫn chưa thỏa mãn ư?
Gần đây, mỗi lần bỗng dưng nổi cơn thịnh nộ vì chuyện vặt vãnh gì đó, em lại lôi cả cha mẹ tôi ra để nhục mạ cho đã nư. Là sao? Các ngài có tội gì với em mà phải chịu những lời phỉ báng ấy? Làm con, tôi không thể chịu đựng khi nghe lời xấc láo xúc phạm đến hai đấng sinh thành.
Nếu là kẻ nào đó thì tôi sẽ lao vào, thừa sống thiếu chết với họ để giữ sĩ diện cho cha mẹ mình. Từng luyện tập nhiều năm và từng dạy võ thuật, tôi có đủ khả năng làm điều đó. Nhưng “kẻ nào đó” ở đây lại là em, người đầu gối tay ấp mỗi khi đêm về, là mẹ của các con tôi, thì hỏi làm sao tôi có thể “ra đòn” được đây? Làm sao tôi dám hành động thô lỗ theo lối võ biền, để sau đó sẽ phải mang tiếng với đời là kẻ bạo hành trong gia đình!
Cảm thấy bất lực trước em, tôi vô cùng khổ tâm. Cuộc đời tôi đã phạm sai lầm rất nghiêm trọng: đó là quyết định chung sống với em! Ngày đó “so bó đũa”, tôi ngỡ đã chọn được em làm “cột cờ”. Hay đâu “cột cờ” ấy có quá nhiều sâu bọ bên trong, từ đó sự mục nát trong tổ ấm xảy là điều tất yếu. Tôi chịu trách nhiệm về sự mù quáng của mình nên phải cắn răng sống hết tháng ngày còn lại bên em.
Viết ra những dòng tâm sự này, xem như lửa lòng trong tôi đã tắt, chẳng còn hi vọng gì ở một người vợ quá cao ngạo như em. Ê chề lắm!
Gia có gia quy
Khi chúng ta, một trong số ít ỏi những người đàn ông có trách nhiệm trong xã hội ngày nay, lại gặp những cảnh tréo ngoe như vậy. Càng nuông chiều, họ lại càng lấn lướt và đúng là "leo lên đầu" chúng ta. Chúng ta đã bị một nền giáo dục áp đặt từ nhỏ, buộc phải xử sự một cách văn minh với phụ nữ theo gương các nền văn hóa văn minh khác. Chúng ta đã cư xử bình đẳng, tôn trọng, thậm chí ưu đãi họ hơn chính bản thân chúng ta.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ ngày nay chưa đủ "văn minh" để được hưởng những ưu ái mà chúng ta đã dành cho họ. Gia đình là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Khi người vợ chưa đủ "văn minh" để được sống trong một gia đình văn minh thì cách cư xử của chúng ta trở thành lố bịch.
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Gia đình sẽ thành cái chợ nếu người điều hành nó không có những biện pháp đủ cứng rắn nhằm ngăn chặn và trừng trị những người không biết giá trị của hạnh phúc để bảo vệ gia đình.
Nhiều phụ nữ ngày nay quá tham lam
Đàn bà hay tham lam, muốn chồng mình phải phục vụ theo như ý từ việc kiếm tiền đến việc tình cảm thật phi lý. Đàn bà thì hay có tính được voi đòi tiên, phải hiểu sống sao cho xứng đáng với cuộc sống và an phận với cuộc sống làm vợ.
Người xưa nói "ngọt mật chết ruồi" sao mấy bà vợ không biết dùng. Dù có học thức đến mấy đi nữa mà ý thức không có thì cuộc sống cũng không bao giờ bình yên và toại nguyện.
Tôi thấy đa số đàn bà đòi hỏi nhiều hơn đàn ông. Tôi làm việc từ 7g sáng đến 5g30 chiều, có khi đến 6g chiều mà tối chỉ có đi uống cà phê với bạn mà vợ còn đòi phải ở nhà để chăm sóc vợ con mặc dù tôi là chủ cơ sở kinh doanh, vợ thì phụ giúp công việc lặt vặt ở cơ sở.
Vậy thử hỏi còn gì mà tự do, còn gì là ý nghĩa cuộc sống mà sống để làm gì. Tiền làm ra sẵn có vợ tự do đi mua sắm không cần phải hỏi. Vậy thử hỏi đàn bà có quá đáng không?
Nhiều bà vợ quá mâu thuẫn
Nhiều bà vợ mà tôi từng biết rất mâu thuẫn. Họ muốn có chồng giỏi giang, bản lĩnh, làm ra tiền, phong độ, có nghề nghiệp vững chắc và giao tiếp tốt trong xã hội, nhưng họ lại muốn các ông chồng phải hiền lành, đi làm hết giờ về nhà chăm sóc vợ con, làm việc nhà, nghe lời vợ. Thật là mâu thuẫn! Trên đời này làm gì có đàn ông như thế hả các bà vợ?
Người chồng hay người vợ ai cũng có những sở thích riêng của họ và mỗi người vợ hoặc chồng phải biết hi sinh 50% sở thích của mình và chấp nhận 50% sở thích của đối phương để hòa nhập cuộc sống gia đình. Vì nếu một người mà phải gạt bỏ 100% sở thích của mình mà sống theo người khác thì đâu còn là mình. Trên đời này tồi tệ nhất là đánh mất chính bản thân mình.
Bạn có đang cảm thấy mình quá nuông chiều vợ nên vợ "được nước lấn tới"? Theo bạn, bạn đọc Nguyễn Tuấn Dũng có nên thay đổi thái độ mỗi khi vợ sai hay nhõng nhẽo, đòi hỏi quá đáng? Mọi ý kiến vui lòng gửi theo công cụ dưới bài hoặc về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt. |
Quá nuông chiều vợ, vợ "leo lên đầu"?Vợ "hư"... tại chồng?"Nhịn" vợ quá, vợ kiêm luôn... cảnh sát?Vợ "leo lên đầu", thôi thì "sống chung với lũ"?Có mấy người vợ được "leo lên đầu"...chồng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận