14/05/2011 13:20 GMT+7

Dạy con theo kiểu nào: Đông hay Tây?

LINH AN trích lược
LINH AN trích lược

TTCT - Một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên các diễn đàn giáo dục Mỹ kể từ khi một trích đoạn của hồi ký Khúc chiến ca của mẹ Hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother) của bà Amy Chua được tờ Wall Street Journal trích đăng. Nhiều trường học Mỹ đã đưa đề tài này vào lớp học.

Mục Câu chuyện giáo dục của TTCT giới thiệu một số quan điểm của cuộc tranh luận này, bắt đầu từ bài viết trên tờ Wall Street Journal.

psAL4ZDt.jpgPhóng to
Bà Amy Chua cùng hai con Sophia đang chơi đàn piano và Lulu chơi đàn violin - Ảnh: blogspot.com

Nhiều người tự hỏi tại sao các bậc cha mẹ Trung Quốc lại nuôi dạy được những đứa trẻ thành công như khuôn đúc, họ làm cách nào để sản sinh những thần đồng toán học và thiên tài âm nhạc, và liệu người khác có thể làm như thế không. Được thôi, tôi sẽ cho họ biết vì sao bởi tôi đã làm được như thế.

Tôi dùng cụm từ “bà mẹ Trung Quốc” một cách tương đối thôi. Vì tôi biết một số bậc cha mẹ Hàn Quốc, Ấn Độ, Jamaica, Ireland, Ghana cũng thành công... Tôi cũng dùng cụm từ “bậc cha mẹ phương Tây” một cách tương đối thôi. Vì các bậc cha mẹ phương Tây cũng có nhiều dạng.

Nhưng cùng lúc, ngay cả khi các bậc cha mẹ phương Tây nghĩ họ nghiêm khắc thì họ cũng không nghiêm bằng những bà mẹ người Hoa. Ví dụ, mấy người bạn phương Tây của tôi cho rằng họ đã khá nghiêm khắc khi bắt con tập đàn 30 phút mỗi ngày, nhiều nhất là một giờ. Với các bà mẹ Hoa, hai hay ba giờ/ngày mới gọi là nghiêm.

10 luật lệ của “mẹ Hổ”

Đây là một số điều mà hai con gái tôi không bao giờ được phép làm:

- qua đêm ở nơi khác

- tụ họp chơi đùa (*)

- tham gia đóng kịch trong trường

- than phiền về việc không được tham gia đóng kịch

- xem tivi hay chơi trò chơi điện tử

- tự chọn các hoạt động ngoại khóa riêng của mình

- có điểm dưới A

- không đứng đầu ở các môn, ngoại trừ thể dục và đóng kịch

- chơi một nhạc cụ nào khác ngoài piano và violin

- không chơi piano và violin

Có hàng tấn các nghiên cứu chỉ ra những khác biệt rõ ràng, có thể đong đếm được, về quan niệm làm cha mẹ giữa người Trung Quốc và phương Tây. Trong một nghiên cứu 50 bà mẹ Mỹ gốc phương Tây và 48 bà mẹ gốc Hoa nhập cư, 70% bà mẹ Tây nói “việc quá tập trung vào thành tích học tập không tốt cho trẻ” hoặc “cha mẹ cần cổ vũ trẻ rằng học hành là vui thú”.

Ngược lại, hầu như không một bà mẹ Hoa nào nghĩ thế. Thay vào đó, hầu hết các bà mẹ Hoa tin rằng con họ có thể trở thành những sinh viên “giỏi nhất”, rằng “thành tích học tập phản ánh việc nuôi dạy thành công”, và khi trẻ không xuất sắc ở trường nghĩa là cha mẹ chúng đã “không làm được việc”.

Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng so với các bậc cha mẹ Tây, những cha mẹ người Hoa bỏ ra gấp mười lần thời gian trong ngày để cùng con đào sâu bài vở. Ngược lại, trẻ em phương Tây lại thích tham gia các đội thể thao hơn.

Các bậc cha mẹ Hoa hiểu rằng sẽ chẳng vui sướng gì nếu con họ không tài giỏi. Để có thể giỏi mọi mặt, người ta cần phải luyện tập, nhưng trẻ em chẳng bao giờ tự giác luyện tập cả, đó là lý do vì sao cần phải gạt qua một bên những điều chúng thích...

Trong khi việc học thuộc lòng bị coi nhẹ ở Mỹ thì các bậc cha mẹ Trung Quốc luôn coi việc kiên trì rèn luyện, rèn luyện và rèn luyện là cần thiết để trở thành xuất sắc. Một khi trẻ bắt đầu vượt trội về môn nào đó dù là toán, piano, ném bóng hay múa balê, chúng sẽ được ngợi khen, ngưỡng mộ và thấy toại nguyện.

Cảm xúc ấy sẽ xây dựng sự tự tin và biến một hoạt động chẳng vui thú gì trở thành vui thú. Đến lượt nó sẽ giúp cha mẹ chúng dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy trẻ học tốt hơn.

Tôi từng mắng con mình là rác rưởi!

Các bậc cha mẹ Trung Quốc có thể làm được những điều mà các bậc cha mẹ phương Tây không thể. Ví dụ khi tôi còn nhỏ, có thể không dưới một lần, khi tôi thiếu tôn trọng mẹ, cha đã giận dữ gọi tôi là “đồ rác rưởi” bằng tiếng Phúc Kiến. Nó có tác dụng rất tốt. Tôi thấy kinh tởm mình và cực kỳ xấu hổ. Nhưng điều đó chẳng hề làm tổn thương lòng tự trọng của tôi. Tôi biết chính xác ông đánh giá cao tôi và tôi đâu thật sự vô dụng hay chỉ là một mẩu rác.

Sau này tôi đã làm như thế với Sophia, gọi con là rác rưởi bằng tiếng Anh khi nó có hành động hỗn xược với tôi. Khi tôi kể lại chuyện này tại một bữa tiệc, ngay lập tức tôi bị tẩy chay. Một vị khách tên Marcy sốc đến nỗi bật khóc và phải bỏ về sớm. Bạn tôi, Susan, ra sức dàn hòa tôi với các vị khách khác.

Vấn đề là các bà mẹ Hoa có thể nói thế với con gái mình, đại loại như “Này con béo, giảm cân đi”, trong khi các bậc cha mẹ phương Tây phải nói vòng vo, nhân danh vấn đề sức khỏe và thậm chí chẳng bao giờ dám dùng từ “béo”, để cuối cùng con họ bị rối loạn ăn uống và nhận thức tiêu cực về bản thân. (Có lần tôi còn nghe một ông cha Tây khoác lác về con gái bằng cách gọi con là “đẹp và giỏi không ngờ”, trong khi sau đó cô nói với tôi chính điều đó mới làm cô cảm thấy mình như rác rưởi).

Cha mẹ người Hoa có thể ra lệnh con phải học toàn điểm A. Cha mẹ Tây chỉ có thể đề nghị con “cố hết sức”. Cha mẹ Trung Quốc có thể nói “Con làm biếng quá. Các bạn cùng lớp đang qua mặt con”, còn cha mẹ phương Tây phải đấu tranh với những cảm xúc mâu thuẫn nhau về thành tích của con và cố tự thuyết phục rằng họ không thất vọng về kết quả đó. Tôi nghĩ có sự khác nhau rất lớn về tâm thế giữa các bậc cha mẹ Trung Quốc và phương Tây.

Tâm thế khác biệt

Amy Chua, giáo sư luật Đại học Yale, đã được tặng biệt danh “mẹ Hổ” do quyển hồi ký Khúc chiến ca của mẹ Hổ viết về cách bà nuôi dạy thành công hai con gái: Sophia 18 tuổi, từng biểu diễn piano năm 14 tuổi ở Carnegie Hall và vừa được cả hai đại học Harvard và Yale đồng ý tiếp nhận; trong khi Lulu, 14 tuổi, luôn là học sinh xuất sắc và mới đây đã được giáo sư violin của Trường Julliard nổi tiếng nhận làm học sinh riêng sau khi nghe ngón đàn của cô.

Đầu tiên, tôi nhận thấy các bậc cha mẹ phương Tây cực kỳ quan tâm tới lòng tự trọng và tâm lý của con cái họ. Các bậc cha mẹ Trung Quốc thì không. Họ chỉ thừa nhận những mặt mạnh chứ không phải sự yếu ớt, và kết quả là họ hành xử rất khác nhau.

Ví dụ nếu một đứa trẻ về nhà với một điểm A trừ, các bậc cha mẹ phương Tây sẽ khen ngợi con. Còn bà mẹ Trung Quốc sẽ há hốc vì kinh hoàng và hỏi có gì sai trái vậy.

Nếu một đứa trẻ về nhà với điểm B, một số bậc cha mẹ phương Tây cũng sẽ khen ngợi chúng. Những bậc cha mẹ phương Tây khác có thể bày tỏ sự không hài lòng, nhưng họ sẽ cẩn thận không để đứa trẻ cảm thấy bất an, cũng như sẽ không gọi chúng là “ngu ngốc”, “vô dụng”... Khi con em họ không làm bài tốt, các bậc cha mẹ phương Tây cho rằng chúng không có năng khiếu hay có chuyện gì đó đối với chương trình hoặc trường chúng học. Nếu điểm số không cải thiện, họ sẽ gặp hiệu trưởng để phản đối cách dạy môn học đó hay đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của giáo viên.

Còn nếu một đứa trẻ Trung Quốc đạt điểm B - điều không bao giờ xảy ra - đầu tiên sẽ có một vụ bùng nổ la ó, vò đầu bứt tai. Bà mẹ Trung Quốc bị đánh gục đó sẽ cùng con làm lại bài tập hàng chục, hàng trăm lần đến khi đứa trẻ lên được điểm A.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc yêu cầu điểm số hoàn hảo vì họ tin con họ có thể đạt được. Nếu không, họ sẽ kết luận đó là vì đứa trẻ chưa đủ khổ luyện. Đó là lý do vì sao các kết quả không đạt yêu cầu thường dẫn tới việc chỉ trích, trừng phạt và sỉ nhục đứa trẻ. Cha mẹ Trung Quốc tin rằng con họ đủ mạnh mẽ để chịu đựng sự tủi thẹn và sẽ cố gắng hơn.

Thứ hai, các bậc cha mẹ Trung Quốc tin rằng con họ nợ họ mọi thứ... Có thể đó là cái gì đó pha trộn giữa sự hiếu thảo, đạo làm con của Khổng giáo và rằng các bậc cha mẹ đã hi sinh quá nhiều cho con cái... Ngược lại, tôi không cho rằng phương Tây chia sẻ quan điểm đó. Chồng tôi, Jeb, có cái nhìn đối lập này. “Trẻ con đâu có chọn cha mẹ chúng - có lần anh nói với tôi như thế - Thậm chí chúng cũng đâu có chọn được sinh ra. Nếu những bậc cha mẹ sinh con mình ra thì chính họ phải có trách nhiệm cung ứng cho chúng. Con cái chẳng nợ gì họ cả. Trách nhiệm của chúng sẽ là đối với con cái của chính chúng”.

Thứ ba, các bậc cha mẹ Trung Quốc tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho con cái mình, vì vậy họ không buồn đếm xỉa gì đến những khát khao lẫn ý kiến của chúng. Đó là lý do tại sao các cô gái Trung Quốc không thể có bạn trai khi còn học trung học và tại sao trẻ em Trung Quốc không thể tham dự các buổi cắm trại qua đêm...

Đừng hiểu sai ý tôi. Không phải các bậc cha mẹ Trung Quốc không quan tâm tới con cái họ. Ngược lại, họ sẵn sàng hi sinh tất cả cho chúng. Chỉ có điều đó là một kiểu nuôi dạy con hoàn toàn khác!

__________

(*): tạm dịch từ chữ playdate: có nghĩa một buổi vui chơi do phụ huynh tổ chức cho các học sinh nhỏ tuổi.

Kỳ tới: Người Mỹ nói gì?

LINH AN trích lược
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên