Phóng to |
Làm sao "thoát khỏi lồng" mà không làm cha mẹ đau lòng? - Ảnh minh họa: Khểnh |
* Làm sao "thoát khỏi lồng" mà không làm cha mẹ đau lòng?
Em là hình mẫu điển hình đang bị cha mẹ "lồng kiếng" như bài viết đề cập. Em mong được tư vấn nên làm gì để thoát khỏi cái lồng do cha mẹ tạo ra mà không làm tổn thương cha mẹ. Em muốn cha mẹ thấy em đã lớn, cần học cách đứng vững trên đôi chân của mình, muốn mình trở nên tự tin và có các kỹ năng sống cần thiết.
* Vừa “kềm”, vừa “thả”, lâu lâu “giựt cương”
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trong vấn đề cha mẹ “lồng kiếng” con. Tuy nhiên, hiện nay, các phụ huynh rất khó quản lý con cái ở tuổi mới lớn. Cha mẹ nào cũng muốn con tự tin vào đời, có những kỹ năng sống, giao tiếp xã hội, quản lý cuộc đời để không những lo cho bản thân mà còn lo cho gia đình riêng, hay lý tưởng hơn là lo cho cha mẹ già.
Nhưng bằng cách nào? Con cái mỗi đứa một tính và không phải phụ huynh nào cũng đủ trình độ tâm lý để có chiến lược nuôi dạy con phù hợp.
Cách đây vài chục năm, mỗi gia đình có 3, 4 thậm chí cả chục đứa con. Nuôi ăn cũng đủ mệt, sức đâu nghĩ chuyện “lồng kiếng”. Nay đất chật, người đông, khỏi vận động kế hoạch hóa, mỗi cặp vợ chồng chỉ dám có 1 - 2 con là nuôi mệt nghỉ. Của hiếm là của quý, nên không khó hiểu khi việc “lồng kiếng” con cái ngày càng phổ biến. Nếu trước đây ở bậc trung học, cổng trường hầu như vắng bóng phụ huynh đưa đón, nay có khi con đã vào đại học, cha mẹ tóc hoa râm vẫn miệt mài đón đưa.
Dưới cái nhìn của con trẻ, đó là “lồng kiếng”, nhưng với cha mẹ là “sự bảo vệ” cần thiết. Những mặt trái trong nền kinh tế thị trường ngày càng phức tạp, nhiều nguy hiểm rình rập, ngay cả trong học đường. Những điều đó làm phụ huynh không thể an tâm khi muốn “thả” con vào đời, dù rất muốn.
Những tin xấu hàng ngày trên báo chí về học trò làm cho phụ huynh trở nên lo lắng. Tôi vừa đọc tin “9x đánh ghen” trên một tờ báo mà rùng mình. Chỉ vì nhắn tin trao đổi với bạn gái chưa hề biết mặt mà một cháu trai sinh năm 1993 bị đánh chấn thương sọ não. Con trai tôi từng quen và nhắn tin với một bạn gái trong lớp luyện thi. Rồi cũng suýt có va chạm với người yêu của cô gái nếu tôi không vô tình đọc được những tin nhắn ấy trên điện thoại và không cho cháu đến chỗ hẹn. Hành động này có vẻ can thiệp vào đời tư của con, nhưng nếu không làm thì có khi tôi ân hận suốt đời.
“Lồng kiếng con” là một biểu hiện tâm lý muốn bảo vệ con cái của phụ huynh, xuất phát từ thực tế xã hội. Đành rằng “trẻ có quyền được té vài lần trước khi bước đi thật sự và phải biết tự đứng lên”, nhưng có những cú té khó hoặc không bao giờ có thể đứng lên. Một số bậc cha mẹ không còn đứa con nào để thay thế.
Đây là một vấn đề rất khó, có làm cha mẹ mới hiểu lòng mẹ cha. Bây giờ con cái đâu có nhiều, rất nhiều gia đình chỉ có một con. Lỡ con có chuyện gì, cha mẹ sao sống nổi? Do đó các bạn trẻ chớ vội trách cha mẹ “lồng kiếng” mình.
Đương nhiên, bằng mọi cách phải đưa con vào đời, vừa “kềm”, vừa “thả”, lâu lâu phải “giựt cương”. Không thể buông lỏng, cũng không thể siết chặt, "lồng kiếng”. Các bậc phụ huynh còn phải nhờ đến sự tư vấn của các nhà giáo dục, nhà tâm lý và cần nhất là một môi trường xã hội an toàn để có thể an tâm thả những đứa con bé bỏng của mình vào đời và không bị mang tiếng “lồng kiếng” con.
Phóng to |
Đôi khi, cách yêu thương của cha mẹ làm con đau khổ - Ảnh minh họa: Khểnh |
* Con đau khổ vì cách yêu thương của mẹ
Ở khía cạnh nào đó, trước đây và hiện tại, tôi cũng bị cha mẹ "lồng kiếng". Những lúc tôi bất đồng với mẹ, mẹ thường nói: "Trên đời này không có ai thương con giống mẹ đâu!". Nhưng mẹ không biết cách yêu thương của mẹ làm tôi đau khổ nhường nào.
Tôi không được chơi với những người không phải người mẹ quen biết trước đó. Thời học phổ thông, mẹ đưa đón tôi đi về. 10 lần tôi xin phép đi chơi với bạn là 10 lần tôi thất vọng, dù trước khi đi tôi đã sắp sếp công việc ổn thỏa. Điều ấy cũng đúng với cả hiện nay, khi tôi đã 26 tuổi.
Tình yêu của tôi cũng bị mẹ quản lý. Mẹ nói: "Không phải mẹ không cho con yêu nhưng người đó được ba mẹ đồng ý thì gia đình mới hạnh phúc chứ con". Mẹ có biết, nếu người đó được ba mẹ đồng ý nhưng con không yêu thì con có hạnh phúc không?
Mẹ muốn tôi lấy chồng rồi vẫn ở với ba mẹ. Bởi vậy, ai ngỏ ý thương tôi mà đồng ý làm rể thì mẹ tôi vui mừng vun vén, đôi khi vun vén quá trớn.
Tôi làm đủ mọi cách: lì, nổi loạn, bỏ nhà đi, tự tử... nhưng vẫn không thay đổi được kiểu yêu thương của mẹ. Bây giờ tôi 26 tuổi, đủ lớn để không làm những chuyện ngu ngốc, vô nghĩ đó nữa và đã có thể làm chủ bản thân. Muốn đi đâu, tôi cứ nói với mẹ rồi phóng xe đi, không cho tôi yêu, tôi vẫn cứ yêu; ép tôi nói chuyện với người mẹ ưng ý, tôi vẫn nói nhưng nhắc đến chuyện cưới hỏi thì tôi từ chối thẳng.
Chỉ còn cách yêu thương của mẹ là tôi không sao hiểu nổi!
codai_5555@...
* Xin thương yêu con theo cách để con trưởng thành
Ba mẹ không “lồng kiếng” tôi mà chỉ khuyên tôi học hành cho tốt để sau này có cuộc sống không vất vả như ba mẹ. Từ thời mẫu giáo, tôi tự đi bộ đến trường, tự ăn cơm và sinh hoạt cá nhân. Khi học cấp 3, tôi đạp xe hơn 15km đến trường, chấp nhận học hành trong thiếu thốn...
Ngoài việc học, tôi còn phải làm việc nhà, làm vườn đỡ đần ba mẹ. Không chỉ riêng tôi mà những đứa trẻ ở vùng quê nghèo của tôi đều như vậy. Có những người anh,. người chị, bạn bè tôi, sau buổi học ở trường còn vác cuốc đi làm thuê cho người ta để lấy tiền đi học, đi câu cá, hái rau mang ra chợ bán, lo từng bữa ăn gia đình.
Khó khăn là vậy nhưng nhiều người đã thành tài. Đó là những tấm gương mà ba mẹ thường khuyên chúng tôi noi theo.
Vào đại học, tôi ở trọ xa nhà và đối diện với nhiều khó khăn. Tôi đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ tiền ba mẹ mua những máy móc đắt tiền, lo chi phí học hành của em gái. Chính việc ba mẹ để tôi tự làm, tự quyết định nhiều việc từ ngày còn nhỏ đã giúp tôi tự tin trong cuộc sống, thích nghi nhanh mọi hoàn cảnh, xác định rõ ràng mục tiêu cuộc sống.
KHÔI NGUYÊN (Q.7, TP.HCM)
Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề cha mẹ "lồng kiếng" con? Bạn có là người trong cuộc? Hãy chia sẻ những ý kiến, câu chuyện và gửi về email teen@tuoitre.com.vn, với tiêu đề: Xin ba mẹ đừng "lồng kiếng" con. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận