Phóng to |
Anh Trần Đình Dũng và hai con - Ảnh nhân vật cung cấp |
Vừa là giảng viên vừa làm kinh doanh nhưng Trần Đình Dũng xem “sự nghiệp dạy con” là quan trọng hơn cả trong đời mình. Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với anh.
* Công việc bận rộn, anh dành thời gian cho hai trẻ như thế nào?
- Tôi luôn để dành hai khoảng thời gian, tạm gọi là quan trọng trong ngày, đưa con đi học và ăn cơm tối cùng con. Những lúc đó bố con tôi nói đủ chuyện, trường lớp, bạn bè, vui buồn. Nếu điều kiện cho phép, tôi thích có thêm chút thời gian trước khi con ngủ. Ngày chủ nhật luôn là ngày dành cho tụi nhỏ, lang thang phố, vào nhà sách... hay đơn giản là la cà hàng quán vỉa hè cùng nhau.
* Anh dạy con tự bảo vệ mình thế nào khi ta không còn bảo vệ chúng được nữa?
- Tôi nghĩ mình không thể để lại tài sản vật chất cho con cái mà là tài sản tinh thần, tôi gọi là giá trị sống. Ngoài ký ức đẹp của tuổi thơ mà tôi luôn muốn gầy dựng, vun đắp cho con mình, tôi luôn chuẩn bị kỹ năng sống để các cháu có thể xử lý tình huống phát sinh khi không có người lớn bên cạnh, dựa trên nguyên tắc tôn trọng, giữ mình và đừng sợ phải đối diện với khó khăn.
Tôi luôn hỏi bọn trẻ: “Nếu là con thì con sẽ làm gì?”, sau đó lắng nghe và phân tích. Thông thường, tôi luôn tìm ra một chi tiết nào đó để khen ngợi, cổ vũ các con khi chúng có ý tưởng, giải pháp phù hợp với chúng.
* Anh nghĩ gì về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ từ góc độ người thầy?
- Giáo dục giới tính là điều thật sự cần thiết, khi mà xa lộ thông tin hiện nay có quá nhiều cái không chính thống. Các cháu có nhu cầu biết, điều đó bình thường như ăn ngủ hít thở, vấn đề là người lớn có biết cách chuyển thông tin cho các cháu hay không, đừng vội nghĩ “vẽ đường cho hươu chạy” vì hươu không chạy và hươu rất khôn (cười).
* Làm sao để người học lẫn người dạy không ngại ngùng?
- Sử dụng phương pháp liên tưởng, sáng tạo nhiều hình ảnh để nói về đề tài nhạy cảm mà không cần phải gọi đúng tên sự vật hiện tượng, không đưa thông tin một chiều mà luôn có sự đóng góp thảo luận của người học..., chuyển đề tài thành một điều vui, nhẹ nhàng, duyên dáng... Tôi tin sẽ tạo sự thú vị để cả người học và người dạy cùng đạt được mục tiêu đề ra.
* Anh đã giáo dục giới tính cho con như thế nào?
- Tôi không ngại nói với con vấn đề này từ rất sớm, tùy theo lứa tuổi mà tôi dùng câu chữ hình tượng nhẹ nhàng để dẫn câu chuyện. Những câu chuyện chúng tôi nói với nhau bao giờ cũng có ý tưởng hài hước, đơn giản, dễ nhớ, dễ áp dụng. Nếu tôi gò các cháu theo nội dung, câu chữ, thời gian, ý muốn chủ quan của mình các cháu sẽ có cảm giác phải nghe lời. Nên bất kỳ lúc nào có tình huống gần giống điều cần phải nói, tôi luôn tìm cơ hội và câu chữ liên tưởng để nói cho các cháu hiểu. Tôi biết bọn trẻ thường hay hỏi nhau và tìm hiểu thông tin từ nguồn không chính thống.
Người lớn đôi khi quên mất mình từng là trẻ con, đôi khi các cháu hỏi và nếu gặp lúc mình gắt gỏng né tránh quát tháo, ví dụ như “ranh con biết gì, lo học đi, nghĩ linh tinh vớ vẩn gì thế”, chúng nó sẽ đóng kín cửa và không bao giờ nói chuyện giới tính với mình nữa.
* Có ý kiến nếu bố mẹ quan tâm quá đáng đến con cái cũng có thể là tiêu cực và trẻ sẽ không nghe theo bố mẹ?
- Quan tâm quá đáng, mình phải hiểu đó là sự hỗ trợ hay kiểm soát. Nói một cách hình tượng thì người lớn tạo ra xa lộ cho con mình chạy thong dong. Mỗi người lớn có cách kiến tạo riêng cho con mình, điểm đến của xa lộ đó sẽ do con mình chọn, tất nhiên với sự tham vấn của người lớn.
Chúng ta dạy các nguyên tắc ứng xử trên xa lộ đó, tạo sự an tâm tin tưởng để con trẻ chạy với tốc độ của chúng, nếu chúng leo lên lề hoặc rẽ nhánh thì gò lại, nếu chúng dừng lại thì đẩy nhẹ, nếu chúng sắp gặp nguy hiểm thì cảnh báo... nhưng luôn khuyến khích, khen ngợi khả năng chạy và xử lý tình huống của chúng trong quá trình chạy trên xa lộ đó. Bọn nhóc sẽ vui và tự tin vì nghĩ rằng thành quả đạt được là do mình làm ra.
Ngược lại, nếu tạo áp lực và luôn kiểm tra kiểm soát, tôi e rằng tụi nhỏ sẽ tìm cách phá rào lách luật, chuyện này thì tụi nhỏ giỏi lắm; và cuối cùng là sự rượt đuổi trong gia đình, mệt mỏi lắm.
... Bố nghĩ rằng con sắp làm người lớn. Barbie sẽ trở thành kỷ niệm và Teddy sẽ trở thành vật trang trí. Nghe kỳ cục nhưng nó là vậy đó. Bố muốn kể con nghe câu chuyện về đóa hoa hướng dương, loại hoa mà con rất thích. Trước khi đóa hoa hướng dương nở tươi đón nhận ánh sáng mặt trời và rực rỡ khoe cánh lung linh, đóa hoa đã phải trải qua giai đoạn chồi - nụ - nứt - bung. Mỗi một giai đoạn như thế có lẽ đóa hoa cũng ngỡ ngàng, bối rối và có chút lo lắng. Con cũng thế, con gái cưng của bố ạ. Một đêm thức dậy con sẽ thấy ngực mình nhức nhức, mùi mồ hôi mình khang khác. Bên ngoài cửa sổ phòng con nắng sẽ lung linh hơn... Con sẽ xinh hơn, tóc con sẽ mượt mà hơn, sẽ lớn nhanh hơn... Con sẽ thích thích, ghét ghét, nhớ nhớ, vui vui... Rồi con sẽ gặp một tình huống mà bất cứ phụ nữ nào cũng phải gặp... Con sẽ thấy một ít (hoặc nhiều hơn một ít) màu khác ở đáy quần lót. Bố tin rằng không phải vì con té ngã hoặc vì con sâu chui vào, đó chỉ là dấu hiệu cho thấy bé cưng của bố đang bắt đầu làm thiếu nữ. Khi điều đó xảy ra, con chỉ cần vào phòng vệ sinh, thay quần lót, rửa cái hoa, lắp băng vệ sinh loại mỏng vào đáy quần, mặc lại vào, thế thôi, đơn giản. Khi con bước ra khỏi phòng vệ sinh, hít một hơi dài, ngẩng mặt lên, ưỡn vai ra và mỉm cười: ”Mình đã là người lớn”. Tất cả những điều đó là bình thường, con đừng quá sợ và quá lo lắng nhé. Bố chỉ có thể nói với con là: “Chào mừng con vào thế giới người lớn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận