Bạn bè tôi chưa ra trường đã toan tính tương lai ở một ngôi trường phố thị. Tôi thì khác, cái máu tuổi trẻ, cái nhiệt huyết thanh xuân kéo tôi đến với học trò sông nước nghèo khó.
Mới đó mà gần hai chục năm tôi gắn bó với nghiệp giáo. Một khoảng thời gian không phải dài với đời người, nhưng không phải ngắn với nghề. Nhiêu đó đủ để ta chiêm nghiệm lại cái nghề mình đã chọn, đã đi, đang đi và có lẽ sẽ đi tiếp dù có không ít chông gai, gập ghềnh, gian khó. Nhiêu đó đủ để ta nói rằng có nhiều nặng nợ với nghiệp phấn trắng, bảng đen và những trang giáo án. |
Mùa mưa mênh mông nước, có lúc ướt hết sách vở. Mùa nắng thì băng đồng, lội bộ giữa trưa trời như thiêu như đốt. Tôi lao vào dạy, bao tâm huyết dành cho học trò với mong muốn giúp các em có tương lai hơn, giúp các em nhanh chóng góp sức xây dựng quê hương ngày thêm thay da đổi thịt. Đi mới thấy hết cái nghèo khó của vùng sông nước cuối đất cùng trời này. Đường đi chủ yếu là kênh rạch.
Vật chất thiếu thốn rồi, nhưng tinh thần lại càng thiếu hơn. Không một tờ báo, cuốn tạp chí, dù đó là báo của ngành. Thanh niên ở đây tối đến chủ yếu là ngồi quán cà phê coi phim kiếm hiệp hoặc phim tình cảm. Anh bạn dạy văn đã được hai năm than thở: “Thiếu gì tôi cũng chịu nổi trừ sách báo”. Vậy nên chiếc rađiô tôi mang theo được mở bất cứ lúc nào chúng tôi không có giờ trên lớp. Mở riết, tiền pin chạy không chịu xiết phải bỏ pin hết điện vào mấy cốc nước muối nghe tiếp. Tình quê, tình yêu, tình thầy trò quyện vào nhau, giữ chân tôi giữa bộn bề gian nan.
Những năm đầu thập niên chín mươi, lương nhà giáo sống quá chật vật, tôi suy tư và toan tính thiệt hơn. Rồi cộng thêm một hoàn cảnh đến bất ngờ khiến tôi phải có một lựa chọn. Tôi rời xa Cà Mau vào một buổi sáng trời chưa rõ bóng người.
Lặng lẽ ra đi, lòng chơi vơi nỗi buồn.
Lời hứa với học trò, đồng nghiệp, người dân quê là sẽ chọn nơi đây làm “đất lạ hóa quê hương” làm tôi ngậm ngùi. Tôi không từ giã học trò bởi sợ các em tủi buồn, sợ vì đã làm xước trong lòng các em một niềm tin. Và tự an ủi lòng mình rằng sẽ có đồng nghiệp khác về thay thế ươm mầm những ước mơ… Tôi ra đi, mang theo một khoảng mênh mông buồn đầy ắp. Trên chuyến tàu đò hôm ấy, có một người nước mắt đẫm ướt trong lòng…
Tôi nhận ra một điều: “Đã mang cái nghiệp vào thân. Đừng nên trách lẫn trời gần trời xa”. |
Thời gian êm ả trôi, tôi say nghề, yêu nghề và hết lòng vì nghề. Và gần mười năm sau, tôi nuối tiếc vì không còn được đứng trên bục giảng. Còn mắc nợ học trò nhiều lắm nên tôi không muốn ngày ngày gặp các em mà không được cầm phấn. Nhưng biết làm sao được khi đồng nghiệp tín nhiệm, cấp trên tin tưởng giao cho mình công việc quản lý. Tôi làm hiệu phó trường mình đang dạy.
Trường dần dần có tiếng trong lòng phụ huynh, có tên trong bảng thành tích của ngành, nhưng thay vì vui, tôi lại buồn vô cùng. Tỉ lệ nghịch với những thành tích đó là sự mất mát quá lớn trong tôi: Tình đồng nghiệp. Tuổi trẻ năng nổ, xông xáo, cộng với sự nóng vội dẫn đến đôi lúc sai lầm. Đau điếng.
Càng đau hơn bởi tôi không vấp ngã ở công việc chuyên môn của mình mà là sự bất cẩn khác. Tôi trở về lại vạch xuất phát của nghề trong sự cảm thông của những người bạn đồng nghiệp tình thân. Khi đã mất mát một điều gì đó ai mà không buồn chán? Tôi cũng đâu nằm ngoài được. Bạn bè ngoài ngành cảm thông, chia sẻ rất nhiều dù họ không hiểu hết được môi trường của tôi. Một môi trường tưởng chừng êm ả nhưng đầy sóng to, gió lớn…
Họ cầm tay, chân tình mời tôi đến những chỗ cao hơn lúc tôi chưa trượt té. Còn gì vui, hạnh phúc bằng những mối thâm tình như vậy giữa lúc thác ghềnh này. Tôi nhận lời một anh bạn và xin cái hẹn cho chút ít thời gian nghĩ suy. Không ai bất ngờ về quyết định bỏ nghề giáo của tôi. Họ hiểu, một cú sốc quá lớn sao níu tôi ở lại được với bụi phấn. Và một hôm, dọn dẹp kệ sách, tôi gặp cuốn giáo án đầu tiên năm xưa nơi mái trường quê tận Đất Mũi xa xôi, lòng bùi ngùi.
Hình ảnh học trò, đồng nghiệp như còn tươi rói hiện về, nhắc nhớ nhiều kỷ niệm đẹp đẽ một thời… Tôi nhận ra là mình không thể giữ được lời hứa với anh bạn thân. Tôi quay lại bục giảng.
Có những lúc khốn khó nhất, buồn chán nhất, đau khổ nhất… mà tôi vẫn không thể bỏ được nghề. Gần hai chục năm vào nghề, hai lần có ý định bỏ nghề nhưng không thể. Có lẽ tôi đã nặng nợ và mãi mãi nặng nợ với nghề giáo mất rồi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận