01/07/2009 15:48 GMT+7

"Sống thử - tôi không muốn đánh cuộc"

Minh Hằng
Minh Hằng

TTO - Dường như đại đa số ý kiến gửi về TTO đều đồng tình với việc góp gạo thổi cơm chung trước khi tiến đến hôn nhân chính thức. Phải chăng tư tưởng cũ về hôn nhân đã lạc hậu?... Xin mời bạn đọc cùng tiếp tục chia sẻ với chúng tôi về chủ đề này:

VT3sQlrs.jpgPhóng to
Nếu cứ sống thử và lại nhầm lẫn... bạn có thể còn là một cô gái trinh trắng, một cô gái tốt? - Ảnh minh họa
TTO - Dường như đại đa số ý kiến gửi về TTO đều đồng tình với việc góp gạo thổi cơm chung trước khi tiến đến hôn nhân chính thức. Phải chăng tư tưởng cũ về hôn nhân đã lạc hậu?... Xin mời bạn đọc cùng tiếp tục chia sẻ với chúng tôi về chủ đề này:

* Chúng tôi quen nhau từ thời cấp 3, là đồng hương và hiểu nhau sâu sắc, yêu nhau 6 năm, chỉ đợi ổn định mọi thứ để cưới nhau nhưng chúng tôi không sống thử.

Tôi không hiểu tại sao phải "sống thử" trong khi chúng ta còn cả quãng thời gian dài phía trước để "sống thật"? Và tại sao chúng ta không sống đúng với tuổi của mình - lứa tuổi mà bạn sẽ hòa nhập cùng xã hội, giao lưu với bạn bè, dành thời gian cho riêng mình và khám phá những nhớ nhung, giận hờn, những cung bậc khác của tình yêu?

Nếu sống thử tôi sẽ không bao giờ biết được giây phút háo hức chờ người yêu tôi sang đón đi chơi, hay nôn nóng sốt ruột khi đứng đợi, hay một tin nhắn chúc ngủ ngon và thôi thúc mong chờ buổi sáng mai nhìn thấy nhau. Hay chỉ một ánh mắt tiếc nuối khi phải chia tay nhau trong một buổi tối để ai về nhà nấy.

Và hơn nữa, tôi biết không cha mẹ nào lại muốn con mình sống thử hay chấp nhận chuyện con mình sống thử. Nếu vừa phải giấu giếm gia đình, đối mặt với bạn bè, đối diện với những khó khăn của việc sống thử, tôi chọn cách chờ đợi để trân trọng hơn, gìn giữ hơn cái hạnh phúc mà mình đã ấp ủ.

Tôi biết cha mẹ tôi không phải vì cổ hũ, lạc hậu mà phản đối chuyện chúng tôi sống thử (nếu tôi xin phép mẹ) mà là sẽ lo lắng không biết dường nào nếu cuộc sống thử không như ý muốn. Tôi không muốn đánh cuộc sự lo lắng của bà lẫn cuộc sống của tôi cho việc sống thử ấy.

* Đọc bài viết của bạn Mắt Biếc, My Thao, Hải Yến và Nguyên Nguyên tôi nhận thấy các bạn đều đưa ra những lý luận khá thuyết phục về quan điểm sống thử không có gì đáng lên án. Tuy nhiên, truyền thống đạo đức không phải tự dưng mà có. Chẳng lẽ ông cha ta không từng cân nhắc giữa lợi và hại trước khi biến một quan điểm trở thành thuần phong mỹ tục?

Cũng như các bạn, tôi không lên án việc sống thử, song phải chăng chúng ta chỉ đang tìm những lý lẽ để biện hộ cho việc chung sống trước hôn nhân?

Chúng ta cho rằng việc sống chung là để dễ dàng chăm sóc lẫn nhau, sống với nhau không chỉ vì tình dục mà để gần nhau hơn - hiểu nhau hơn, sống thử không phải là thử sống mà là sống để thử trải nghiệm - để dễ dàng hòa hợp trong đời sống hôn nhân về sau... Hãy thử nghĩ kỹ xem những lý do ấy có thật sự chính đáng không?

Chúng ta phải thừa nhận không cần sống thử chúng ta vẫn có rất nhiều cách khác để hiểu nhau, chăm sóc nhau, để hòa hợp nhau khi tiến đến hôn nhân. Nếu chúng ta có thể thu xếp để sống cùng nhau thì sao không đưa ra giải pháp sống gần nhau, ông cha ta chẳng đã có câu "hàng xóm làng giềng tối lửa tắt đèn có nhau" là gì?

Theo tôi, sống gần nhau hoàn toàn không có gì hạn chế việc chăm sóc nhau so với cùng chung sống. Chúng ta hùng hồn tuyên bố sống thử không vì sex, thế sao chúng ta lại chỉ nghĩ đến có quan hệ tình dục trong đó thì mới gọi là sống thử? Chúng ta bảo sống thử giúp hai người giải quyết mâu thuẫn tốt hơn, vậy lấy gì đảm bảo là chúng ta có thể vượt qua những bất đồng trong thời kỳ sống thử?

Tôi đồng ý rằng "cái ngàn vàng" không có nghĩa tầm thường là một cái màng mỏng hay một thứ gì đó vật chất hóa. Thế nhưng nếu bạn sống thử rồi nhận ra không hợp nhau, sau đó lại sống thử và lại nhầm lẫn... cứ như thế liệu bạn có thể còn là một cô gái trinh trắng, một cô gái tốt?

Chẳng lẽ cứ thử mãi sao! Sống thử khi đủ sức tự chịu trách nhiệm!

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Bạn nghĩ sao về những điều bạn Mắt Biếc, cũng như ý kiến của các bạn đọc khác cùng chia sẻ? Dường như đại đa số ý kiến gửi về TTO thời gian qua đều bày tỏ sự đồng tình với việc góp gạo thổi cơm chung trước khi tiến đến cuộc hôn nhân chính thức? Nhưng phải chăng ranh giới của sự hài lòng bản thân với sự đau lòng ở mẹ cha là rất mong manh - một khi kết cục cuộc tình của những bạn trẻ đang sống thử không được như mong đợi? Và phải chăng tư tưởng cũ về hôn nhân đã lạc hậu?...

Hãy gửi email cho chúng tôi về tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ font chữ có dấu tiếng Việt) để cùng bày tỏ những suy nghĩ của mình quanh chuyện sống thử...

Minh Hằng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên