Phóng to |
Ông Huỳnh Sơn Phước, Phó TBT báo Tuổi Trẻ (giữa) và nhà báo Binh Nguyên (bìa trái) tặng hoa cho các khách mời - Ảnh: Như Hùng |
Loạt bài "Những người "làm thuê số 1" ở VN của TT vừa tạm kết thúc. Đó mới là 9 trong số rất nhiều "người làm thuê số 1 ở VN". Bí quyết nào để họ trở thành những người "làm thuê số 1"? Động cơ nào để họ làm nên những cú đột phá, dám chấp nhận những suy nghĩ mới, vượt qua nhiều thử thách và vươn mình ra biển lớn? Bốn khách mời của buổi trò chuyện là anh chàng Lê Trung Thành với con đường phấn đấu "Từ 50.000 đồng/tuần đến 6.000 USD/tháng", trở thành một trong những marketing hàng đầu ở VN; là cô gái nhỏ nhắn Lê Thị Ngọc Hà, người chấp nhận "Ra đi để mang về..."; là anh thợ giặt Nguyễn Hồng Sơn khởi sự từ công việc giặt khăn trải giường và trở thành giám đốc tài chính của Tập đoàn bảo hiểm ACE Life VN; là chàng trai trẻ "của những sự kiện" Nguyễn Ngọc Thuỵ...
Phóng to |
- SN: 1971
- Tốt nghiệp ĐH Kinh Tế TP.HCM
- Hiện là phó tổng giám đốc Pepsi VN với mức lương hơn 6.000 USD/tháng, đồng thời là thành viên sáng lập Trường dạy nghề marketing IAM.
Phóng to |
- Tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 1994.
- Hà có một lượng bằng cấp, giấy chứng nhận và thư biểu dương đáng nể: thạc sĩ ẩm thực tại Trường Quản lý nhà hàng Thụy Sĩ; khoa quản trị dự án du lịch tại Đại học Manchester, Anh; khóa học quản trị cao cấp tại Đại học cộng đồng New York, Mỹ.
- Hiện nay, Hà đang là giám đốc ẩm thực của chuỗi nhà hàng Nam Phan, Nam Kha và Au manoir de Khai. Hà khẳng định: “Đến tháng sau, tôi sẽ là tổng giám đốc Khaisilk”.
Phóng to |
- Sinh năm 1969 tại Quảng Ninh, Quảng Bình.
- Tốt nghiệp khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM.
- Từng làm kế toán tại Công ty In số 2, TP.HCM; thủ kho của Ajinomoto; chủ nhiệm kiểm toán tại KPMG VN và KPMG Mỹ; giám đốc tài chính của Tập đoàn thức ăn gia súc Cargill VN.
- Hiện là giám đốc tài chính của Tập đoàn bảo hiểm ACE Life VN.
Phóng to |
Nguyễn Ngọc Thuỵ (bìa phải) |
- Sinh năm 1976 tại TP.HCM.
- Tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Thụy từng là hạt nhân phong trào Đoàn của Trường THPT Bùi Thị Xuân, bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế, tham gia chủ nhiệm CLB đội nhóm NVH Thanh niên…
- Hiện anh đang làm PR manager của Công ty quảng cáo JWT.
Họ đều là những người trẻ ở độ tuổi 20-30, không có vốn tiền tỉ, không vai vế thân quen, nhưng họ được một đơn vị, một công ty hay một tập đoàn đa quốc gia mời về, “đặt” vào những vị trí quan trọng và tất nhiên đồng lương trả cho họ cũng phải thật xứng đáng. Đó là chân dung của những “người làm thuê số 1” ở Việt Nam được đăng trên Tuổi Trẻ. Loạt bài về những "người làm thuê số 1 ở Việt Nam" kết thúc nhưng câu chuyện về họ sẽ không kết thúc. Đọc xong loạt bài này, bạn rút ra cho mình được nhiều điều; bạn cũng có rất nhiều suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng cần chia sẻ và trao đổi với những "người làm thuê số 1", với những bạn trẻ... Hãy gửi cho Tuổi Trẻ Online tất tần tật những câu hỏi, những suy nghĩ, những trằn trọc của bạn quanh câu chuyện của "những người làm thuê số 1" này nhé! Và nếu bạn muốn chia sẻ với mọi người về những tâm tư của tuổi 20, của tuổi trẻ thì cũng đừng ngần ngại!
Loạt bài "Những người "làm thuê số 1" ở Việt Nam:
- Kỳ 9: Người của những sự kiện!- Kỳ 8: Câu chuyện anh thợ giặt trở thành giám đốc- Kỳ 7: Ra đi để mang về...- Kỳ 6: “Người buôn tiền” của HSBC- Kỳ 5: “Sếp IT” của Tập đoàn Unilever VN- Kỳ 4: Người “bắt mạch” những giếng dầu- Kỳ 3: Hương Lúa - cô gái bạc tỉ!- Kỳ 2: Người “của” Bill Gates- Kỳ 1: Từ 50.000đ/tuần đến 6.000USD/tháng
* Rất tiếc là sáng nay, anh Lê Trung Thành, "người làm thuê" ở Pepsico VN đã phải cáo lỗi không đến dự giao lưu trực tuyến được vì một cuộc điện đàm khẩn với các đối tác nước ngoài. Anh bảo: "Làm thuê mà, đâu phải lúc nào cũng chủ động được hết mọi thứ đâu, nói với độc giả thông cảm giúp Thành...".
Anh Lê Trung Thành sẽ trả lời offline các câu hỏi giao lưu của độc giả trong khoảng thời gian sớm nhất mà anh có thể dứt ra khỏi cuộc họp được...
Phóng to |
Những phút hội ngộ và chuyện trò của bộ ba nhân vật "làm thuê số 1" ở Việt Nam: Nguyễn Hồng Sơn, Lê Thị Ngọc Hà và Nguyễn Ngọc Thụy - Ảnh Như Hùng |
- Nguyễn Ngọc Thụy: Mỗi lần thất bại hay gặp khó khăn, mình thường ăn thật no những món ăn mình muốn, và tự nhủ: đó là một bài học kinh nghiệm cho mình, rồi sau đó tự nhủ, hãy ngủ một giấc thật ngon, ngày mai mình sẽ có một bắt đầu tốt đẹp hơn...
- Lê Thị Ngọc Hà: Tôi nghĩ đó là sự đam mê và khát vọng để đạt được đến những điều mình mong muốn. Bản thân tôi đã bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất như dòng suối và sau đó lớn hơn như dòng sông, sau đó lớn hơn nữa đó là ra biển và đến bây giờ tôi đang ở đại dương. Đại dương thì dữ dội, sóng to, gió lớn và ra đến đại dương thì bạn không thể trở lại được nữa. Nhưng tôi vẫn vững tin vì tôi luôn biết là mình sẽ làm gì, muốn gì do tôi đã trang bị cho mình đủ sức để chống chọi với biển cả: đó là tri thức, những thất bại, khó khăn, ngã xuống rồi đứng lên. Cám ơn!
- Nguyễn Hồng Sơn: Nhìn chung quanh và biết rằng vẫn còn đó những người đã và đang gặp nhiều điều còn bất lợi hơn mình nhưng họ vẫn vượt qua và thành công.
* Cả 4 anh chị đều làm trong ngành dịch vụ, và đều là những công ty có tầm vóc, có căn bản tốt. Mình muốn hỏi, liệu cả 4 người có muốn thử sức ở môi trường mà anh chị phải là đầu tàu, phải đưa ra chiến lược, nếu các anh chị có điều kiện? Nếu có 1 công ty VN muốn thuê anh chị (có thể mức lương cao hơn), nhưng các anh chị phải làm lại từ đầu, trong vòng 4,5 năm làm công ty này thành hàng đầu Đông Nam Á, anh chị có "gan" nhận công việc này không? Mình đưa ra ví dụ là công ty gạch Đồng Tâm! Cám ơn (Tri, 82 tuổi, vipper82@gmail.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Một ngôi nhà đẹp và vững vàng đều phải có một nền móng chắc chắn, vì vậy tôi nghĩ rằng một sự bắt đầu có thể một cách tốt để có được một tương lai tốt hơn.
- Lê Thị Ngọc Hà: Cám ơn bạn, đây là một thách thức lớn và tôi nghĩ là tôi đang thử sức mình với công ty hiện tại mà tôi đang làm. Một 100% là công ty Việt Nam với muôn ngàn những khó khăn thử thách. Tôi nghĩ đây là đại dương rộng lớn và tôi phải đương đầu với sóng gió, bão tố. Hiện tại tôi đang đứng giữa đại dương và phải lái một con thuyền lớn, tất cả những quyết định, định hướng của tôi là mệnh lệnh sống còn nhưng tôi tự tin vì đây là thách thức, tôi đã trải qua những thách thức, khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất là đấu tranh với chính bản thân mình để không ngã gục. Ở công ty Việt Nam, cái khó thay đổi nhất đó là tư tưởng và suy nghĩ của con người, vì vậy hãy từ từ đi vào họ, với tất cả tấm lòng và bằng sự ham muốn của chính bạn và sẽ truyền cho họ điều đó.
- Nguyễn Hồng Sơn: Hiện nay mình đang cùng 1 tập thể người Việt Nam thực hiện những điều mà bạn hỏi, chỉ có khác là công ty ACE Life có một cái tên Mỹ vì đồng vốn là của Mỹ bỏ ra. Mục tiêu của ACE Life không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á bạn à.
* Theo tôi được biết, Khaisilk là 1 công ty chuyên đầu tư chi phí rất cao trong lĩnh vực quảng cáo. Không biết cô có được chủ đầu tư bỏ ra nhiều chi phí cho bài báo này không, như 1 hình thức nhằm nâng cao thương hiệu Khaisilk? (HanhNhan, 25 tuổi, thuynguyenle2009@yahoo.com)
- Chị Lê Thị Ngọc Hà: Chào bạn, hiện tại tôi có 44 câu hỏi ở đây, câu hỏi của bạn được trả lời đầu tiên. Tôi nghĩ các công ty thường dùng tiền để quảng cáo vì quảng cáo là công cụ để làm nên hình ảnh và tiếng tăm của công ty, nhưng trong cuộc sống có những giá trị cao quý mà dù có tiền nhiêu bao nhiêu đi nữa bạn cũng không thể nào mua được.
Phóng to |
Anh Nguyễn Hồng Sơn đang trả lời bạn đọc |
- Nguyễn Hồng Sơn: Tôi nghĩ bản thân sẽ không đủ sức để kham nổi việc "thổi sự lạc quan vào các bạn trẻ" trên phương diện rộng. Vấn đề này, xin dành cho các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, riêng cá nhân tôi, tôi vẫn thường nhận được nhận xét từ các bạn bè, đồng nghiệp về việc đem lại cái "tinh thần lạc quan" trong công việc và cuộc sống. Hồi còn học phổ thông, bạn bè thường gọi tôi là "bí thư lạc quan", còn khi làm việc, ít ai tìm thấy sự "bi quan" ở tôi trong bất cứ trường hợp nào.
Cuộc sống thì có khi này khi khác, lúc tốt đẹp đáng yêu, khi đáng buồn lúc suy tư, nhưng phần lớn là lẫn lộn. Điều đáng nói là nếu mình biết nhìn ra những khía cạnh tích cực của nó thì mình sẽ cảm thấy cuộc sống trở nên đáng yêu hơn nhiều!
- Nguyễn Ngọc Thụy: Tất cả những gì tôi đã làm được đều là trong quá khứ, hiện tại tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa. Trước mắt tôi là một bức tranh đầy màu sắc, tuy nhiên nó vẫn còn quá nhiều khó khăn, và có thể là những thất bại. Nước ta tuy tụt hậu so với khu vực ở hiện tại, thế nhưng không phải là mãi mãi. Bạn cũng đã nhìn thấy được hiện tại còn quá nhiều khó khăn, thế nhưng nếu bạn nhìn đất nước chúng ta như một bức tranh nhiều màu sắc hơn (không chỉ là một màu xám) thì bạn sẽ có động lực hơn .Tôi nghĩ rằng ở một ngày gần đây, bức tranh nhiều màu sắc của đất nước ta sẽ trở thành sự thật. Tôi nghĩ bạn cũng sẽ đồng tình với tôi như vậy.
Phóng to |
Toàn cảnh buổi giao lưu |
- Nguyễn Ngọc Thụy: Để thành lập một công ty riêng cho chính mình thì cần phải có một sự chuẩn bị và đầu tư rất cẩn thận, vì vậy việc đó cần phải có thời gian. Tôi rất vui nếu có được những buổi giao lưu với các bạn, vì ở đó các bạn sẽ mang lại cho tôi nhiều nguồn tư liệu sống đa dạng khác nhau. Tôi nghĩ, đó sẽ là một buổi trò chuyện để cùng nhau học hỏi kinh nghiệm thì đúng hơn một buổi thuyết giảng vì tôi nghĩ rằng mỗi người đều sẽ có một cái hay riêng, phải không? Cơ hội thì có ở đâu đó quanh bạn, tuy nhiên bạn phải biết nắm bắt nó đúng lúc.
- Nguyễn Hồng Sơn: Bạn bè đã nhiều lần rủ tôi đứng ra lập công ty riêng nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên tôi đều từ chối.
Trước đây, và thỉnh thoảng trong hiện tại, tôi vẫn tham gia giảng dạy ngoài giờ cho một trung tâm đào tạo (hoàn toàn của người Việt Nam lập ra). Ở đó tôi có cơ hội gặp gỡ với nhiều bạn trẻ.
Hướng tương lai, tôi cũng như các bạn trẻ khác trong Ban lãnh đạo Toàn người Việt của công ty mình (ACE Life) sẽ sắp xếp thời gian để có thể phối hợp với các trung tâm giảng dạy và đào tạo, các trường ĐH, tham gia vào việc giao lưu trao đổi kinh nghiệm làm việc và học tập cho thế hệ kế tiếp.
Không phải là thuyết giảng mà chỉ là một lời nhắn nhủ với các bạn trẻ là phải biết xác định mục tiêu lâu dài của mình, phải biết hướng đến mục tiêu đó trong mọi trường hợp. Tuy nhiên vẫn phải biết linh hoạt trong việc thực hiện mục tiêu của mình vì lắm khi điều mình muốn không hiển hiện rõ ràng cho mình nhìn thấy. Đừng rời bỏ mục tiêu!
Đúng vậy, còn rất nhiều nhân tài nhưng vẫn còn "ẩn nấp đâu đó "chưa chịu lộ diện" các bạn à. Các bạn nên cùng chúng tôi làm sao đó để họ phải "lộ diện" chứ!!
- Lê Thị Ngọc Hà: Tôi nghĩ mọi góc mọi nơi đều có nhân tài, nhiều lúc những nhân tài đang ở bên cạnh bạn đó mà bạn không biết. Những người luôn cần mẫn với công việc, cố gắng học hỏi, cố gắng vươn lên từ những khó khăn và không chịu khuất phục dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, sống có khát vọng, thì bạn hãy tin tôi, họ sẽ trở thành những nhân tài. Có thể một số trong số họ sẽ được phong tặng nhưng dù không được phong tặng thì tự bản thân họ và những người xung quanh sẽ coi họ như những nhân tài.
Tôi rất vui khi được tham gia các chương trình cùng các bạn.
Phóng to |
- Nguyễn Ngọc Thụy:Mọi sự thành công đều bắt đầu từ sự thất bại. Do vậy bạn hãy mỉm cười khi gặp những khó khăn, thất bại đó, vì nó sẽ giúp biết trước những điểm yếu của chính mình. Và hãy suy nghĩ nhiều hơn về những thành công, đừng quá háo hức vì nó, bởi nó sẽ dễ ru bạn ngủ quên.
* Tôi là Lê Vũ Hoàng, Giám đốc công ty VnSI4H. Tôi rất khâm phục những anh chị tuổi trẻ tài cao như vậy. Nhưng có một câu hỏi tôi thắc mắc: Tại sao phải là "người làm thuê số 1 VN" mà không phải là "Những ông chủ số 1 ở VN"? Xin cám ơn! (Lê Vũ Hoàng, 22 tuổi, hoang.le@VnSI4H.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Theo tôi thì trước khi là "những ông chủ số 1 VN" thì nên là " người làm thuê", bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều thú vị!
* Câu hỏi của em đến các anh chị là: hầu hết các anh chị đều trải qua thời gian HỌC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI, vậy các anh chị đã tâm niệm ĐIỀU GÌ QUAN TRỌNG NHẤT để mình luôn có mục tiêu và cố gắng theo đuổi trong khoảng thời gian đó? (VoNgoc, 21 tuổi, vongoc@student.vuw.ac.nz)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Kiến thức sẽ không bao giờ dư, vì vậy có được cơ hội thêm một chút kiến thức nữa sẽ tốt hơn!
* Chào anh Sơn, em rất ngưỡng mộ anh khi những công việc mà anh từng trải qua. Anh đã từng làm nhiều công ty khác nhau, vậy trước khi có ý định ra đi thì lý do chính là: 1. Lương không đảm bảo? 2. Mâu thuẫn người trực tiếp quản lý? 3. Không còn gì để học hỏi tiếp tại môi trường làm việc hiện tại? 4. Vấn đề khác?
Đặc biệt liên quan đến vấn đề tiền lương, anh cho em biết là trước khi ra đi anh đã có đàm phán với ông chủ rồi? Cách đặt vấn đề có thẳng thắn không? Rất mong anh trả lời! (Hồ Đức Hùng, 26 tuổi, hdhung@misa.com.vn)
- Nguyễn Hồng Sơn: Chào bạn, xin được trả lời ngắn nhé: lúc khởi đầu sự nghiệp thì ra đi là do đồng lương, khi mức thu nhập đủ bảo đảm cho cuộc sống cơ bản thì điều quyết định không còn là lương nữa. Tôi chưa bao giờ rời công ty vì có mâu thuẫn với sếp cả, bởi biết rằng mình làm việc cho một tổ chức chứ không phải cho một người cụ thể. Lương luôn là vấn đề nhạy cảm nhưng nó chỉ nên được đề cập đến sau khi mọi vấn đề khác đã được giải quyết, và đã đề cập thì nên thẳng thắn.
* Việc thành thạo Tiếng Anh trong công việc là một thành công của quý vị. Như vậy, TA đó là TA giao tiếp hay là TA thuần túy của chuyên môn mà quý vị đang đảm nhận? Các anh, chị có phải học tại trường, lớp nào hay không? (Vũ Anh Kiệt, 29 tuổi, vakiet76@hcm.vnn.vn)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Tiếng Anh sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc phát triển nghề nghiệp, tuy nhiên trong công việc PR, tiếng Việt lại giúp bạn hiểu rõ hơn những gì mà bạn đang làm.
* Một điểm thật tương đồng là các anh chị đều "ra lò" từ Trường ĐH Kinh tế. Có phải môi trường kinh tế đã giúp các anh chị thành công? Anh chị có nghĩ rằng những SV "ra lò" từ trường khác có thể đạt được thành công giống như anh chị không? Còn những người có bằng cấp thấp hơn thì sao? (nguyen van quy, 22 tuổi, quycali@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: "Mọi con đường đều dẫn đến La Mã" nếu như bạn thực sự có khả năng và bản lĩnh để đi hết con đường mình chọn.
* Chào anh Sơn! Em cũng TN ĐH khoa Tài chính và hiện đang học thêm 1 bằng thạc sĩ kinh doanh ở Anh. Em thực sự muốn tìm hiểu dưới cương vị 1 GĐ tài chính thì công việc chính của anh là gì (hoạch định, phân tích dự án tài chính...)? Xin cám ơn và chúc gia đình anh hạnh phúc! (Le Hang, 24 tuổi, hanglt2@vegasoft.ws)
- Nguyễn Hồng Sơn: Cám ơn em! Công việc chính của anh đã được thể hiện trong cái tên của vị trí đó rồi mà!
Phóng to |
Lê Thị Ngọc Hà |
- Lê Thị Ngọc Hà: Bạn hãy đọc sách thật nhiều, có những cuốn sách sẽ không có giá trị với người này nhưng nó lại làm thay đổi cuộc đời của những người khác. Để có những quyết định quyết liệt cho bản thân mình, có thể lúc đó tôi đã đọc được đúng các cuốn sách mà tôi thích và nó đã thay đổi cả cuộc đời tôi và tôi đã biết chắc là tôi muốn gì và phải đạt được những gì.
* Đọc những bài báo nói về “những người là thuê số 1 VN”, em rất phấn khích vì cảm phục trước những suy nghĩ và hành động “dám nghĩ dám làm” của các anh chị. Có lẽ anh chị ít nhiều được sự thành công này cũng có sự đóng góp của người thân, gia đình nhỉ? Em cũng có ước mơ cho riêng mình nhưng ba má em vì muốn em có được công việc sau này ổn định về tài chính nên đã “bắt buộc” em đi theo ý muốn của họ… Em cảm thấy chán nản quá... Em đã thi hỏng ĐH 2 lần rồi. Em không biết phải làm sao, xin anh chị cho em lời khuyên! Em xin cảm ơn anh chị rất nhiều! (Tran thao nguyen, 19 tuổi, thaolovely255@yahoo.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Có thể mỗi người đều có một sở thích khác nhau,và mỗi người cũng sẽ thành công nhất với công việc phù hợp sở thích đó. Do đó, tôi nghĩ bạn phải chứng minh với gia đình của bạn về công việc của bạn cũng sẽ "ổn định về tài chính" cho chính bạn. Chúc bạn thành công!
* Anh Hồng Sơn mến, khi anh quyết định thay đổi công việc, anh có nghĩ đến thất bại hoặc sẽ không bằng công việc cũ? (DAO CONG KHANG, 1974 tuổi, KHATRAMP@YAHOO.COM)
- Nguyễn Hồng Sơn: Không ai muốn đổi những gì mình đang có để lấy về những cái khác "tệ" hơn cả! Nhưng như thế nào là "tốt hơn" và như thế nào là "tệ hơn"? Điều đó phụ thuộc vào quan điểm của từng cá nhân. 2 người cùng đọc những dòng chữ này chưa chắc đã có cùng chung nhận xét, phải không bạn?
* Anh Thụy ơi, em rất ngưỡng mộ tài năng của anh và công việc PR. Thật sự khi nghe nói đến công việc này em rất thích. Anh có thể advise cho em những bí quyết để trở thành PR đúng nghĩa? (Bich Thuy, thuydang27@yahoo.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Bạn hãy làm việc và sống bằng chính trái tim của chính bạn! Bạn hãy nhìn cuộc sống bằng những gì đang xảy ra xunh quanh bạn và nói với mọi người những lời nói của cảm xúc của chính bạn.
Phóng to |
Nguyễn Hồng Sơn |
- Nguyễn Hồng Sơn: Học tài chính cũng như làm tài chính hay bất cứ việc gì, nếu muốn thành công thì cũng đòi hỏi phải có sự yêu thích. Nếu em yêu thích nó thì nó sẽ "yêu" lại em thôi. Học trong nhà trường không thôi chưa đủ, còn phải học nhiều hơn từ thực tế. Nếu em có thể biến những kiến thức học từ trường thành một cái gì đó trong thực tế (không cần cao siêu) thì em sẽ thấy ngay giá trị của môn học đó. Học Anh văn thì phải thực hành nhiều mới giỏi!
* Thực sự bài viết về anh Sơn làm em rất xúc động, ý chí và nghị lực của anh thật tuyệt vời. Tụi em là thế hệ 8X, được thừa hưởng nhiều điều kiện hơn, phải nắm bắt cơ hội như thế nào? (Nguyen Ngoc Lam, 24 tuổi, nguyenngoclam@gmail.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Cơ hội có nhiều ở ngoài kia, nhưng chúng không đến nhiều lần với 1 người. Mình cần phải chuẩn bị "sẵn sàng" cho bản thân để "nhận biết cơ hội", để "nắm lấy cơ hội" và trên hết là "tạo ra cơ hội" cho chính mình.
- Nguyễn Ngọc Thụy: Nhiều khi cơ hội đến với bạn một cách tình cờ, nhiều khi bạn cũng phải đi tìm nó, bạn là thế hệ 8X với nhiều điều kiện hơn, hãy cố gắng học thật giỏi để tạo một nền tảng vững chắc cho mình, hãy tham gia các hoạt động xã hội để tạo cho mình một vốn sống thực tế. Thế hệ của các bạn sẽ là một nguồn nhân lực chính cho đất nước trong cuộc cạnh tranh đầy khó khăn trước mắt.
* Anh Thụy có thể cho biết bằng cách nào có thể làm một lúc nhiều công việc như vậy? Những khó khăn nào anh thường gặp? Bằng cách nào để vượt qua? Quan niệm về cuộc sống của anh? (Phuc, 22 tuổi, phucblue@yahoo.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Mỗi công việc sẽ mang lại cho bạn một niềm vui khác nhau, do vậy nếu bạn muốn có nhiều niềm vui khác nhau cùng một lúc thì bạn sẽ làm được tất cả công việc thôi!
* Chào anh Sơn, thật tự hào vì anh là người Quảng Bình. Thật đáng nể vì anh là người thăng tiến một cách ngoạn mục. Yếu tố quan trọng nào đưa anh đến thành công này? (Lý Hồng Ngân, 26 tuổi, pqb_lhngan)
- Nguyễn Hồng Sơn: Cám ơn em! Đó là kiên trì và bền bỉ. Tất nhiên là còn nhiều điều khác nữa. Đừng từ bỏ mục tiêu em nhé!
Phóng to |
- Nguyễn Ngọc Thụy: Kiến thức của nhà trường giúp cho bạn nền tảng, năng khiếu có sẵn giúp bạn niềm đam mê trong công việc, kinh nghiệm sống sẽ giúp bạn hoàn thành công việc một cách dễ dàng hơn!
* Chào anh Sơn. Trước hết cho em bái "sư phụ" nhé. "Sư phụ" có sự khởi đầu không mấy thuận lợi, vậy đâu là bí quyết để có được thành công như ngày hôm nay? Đợt trước ACE tuyển nhân viên nhưng em không apply vì nghĩ "cũng thường thôi", nhưng nếu bây giờ em muốn làm đệ tử của anh thì còn cơ hội không nhỉ? Em đang giữ chức CA cho công ty 100% vốn nước ngoài. Cám ơn anh và chúc anh thành công hơn nữa! (Nguyễn Ngọc Quang, 27 tuổi, ngocquangn@gmail.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Cánh cửa của ACE Life vẫn đang rộng mở! Mặc dù ACE Life đã có kế toán trưởng rồi nhưng vẫn còn nhiều vị trí khác cần những người với accounting background Quang à.
* Em có đọc bài viết về anh Hồng Sơn, rất là admire. Em đang ở Cali làm về Banking và có BS degree in Business Accounting. Em dự tính tháng 9 này sẽ về Việt Nam tìm việc, có thể gặp anh được không? (VINH VU, 33 tuổi, quocvinh@hotmail.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Anh rất sẵn lòng gặp em ở ACE Life!
* Xin chúc mừng thành công của các anh chị đã đạt được đến ngày hôm nay. Mặc dù có mức lương rất cao so với cuộc sống, nhưng với chức vụ quan trọng và nắm nhiều quyền lực ảnh hưởng trong công ty, xin hỏi các anh chị có bí quyết nào để vượt qua chính mình trước những cơ hội cạm bẫy "mưu lợi" cá nhân rất thường xảy ra? (Mylinh Tran, 30 tuổi, tmylinh@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Bí quyết đơn giản thôi: có một cái TÂM TRONG SÁNG!
- Nguyễn Ngọc Thụy: Nếu bạn làm việc với trái tim và trí óc của chính mình thì bạn sẽ vượt qua những cạm bẫy "mưu lợi " trước mắt.
* Tôi rất khâm phục ý chí và sự thông minh của chị. Nhưng trong bài viết về chị, tôi chỉ thấy những cơ hội và thuận lợi đến với chị. Vậy chị có thể kể lại một trong những thất bại hay khó khăn mà chị nhớ nhất trong sự nghiệp của mình không? Chân thành cám ơn và chúc chị luôn luôn thành đạt trên con đường của mình. (Đức Duy, 27 tuổi, stducduy@yahoo.com.vn)
- Lê Thị Ngọc Hà: Có nhiều người nhìn thấy sự thành công của tôi và nói rằng tôi luôn gặp may mắn, nhưng tôi nghĩ chính tôi đã tạo ra sự may mắn đó. Từ ở vị trí thấp nhất, tôi đã luôn luôn cố gắng và luôn luôn cười, tôi nghĩ vì tôi thích cười cho nên thần may mắn và cơ hội đã đến với tôi. Càng khó khăn và thất bại, tôi lại muốn gặp những người bạn của tôi và để được cùng nhau cười. Tại sao chúng ta cứ luôn nghĩ đến những khó khăn và thất bại? Tôi nghĩ chúng ta nghĩ đến thất bại thì sẽ có những vị thần đó xuất hiện. Cám ơn bạn.
Phóng to |
- Nguyễn Hồng Sơn: Cám ơn Hải vẫn còn nhớ anh. Anh không "nhảy cóc" như em tưởng đâu, anh chỉ điều chỉnh hướng đi cụ thể của mình cho càng ngày càng gần hơn với mục tiêu của mình thôi. Này nhé: anh đã từng chung thủy với KPMG gần 9 năm, phục vụ cho Cargill gần 2 năm trước khi tìm được ACE Life hiện tại. Chỉ đơn giản vì ACE Life thực sự là 1 công ty của người Việt, do người Việt xây dựng nên từ vốn của Mỹ và ACE Life hoạt động trong lĩnh vực tài chính mà anh yêu thích!
* Xin chào anh Ngọc Thụy. Sau khi đọc bài báo về anh, em nhận thấy rằng công việc mà anh đang làm chính là nghề nghiệp mà em mơ ước từ lâu, tuy nhiên hình như tại Việt Nam vẫn chưa có 1 trường lớp nào đào tạo nghề này. Vậy để có được 1 nghề như anh thì em phải bắt đầu từ đâu? Học đại học Ngoại thương có thể theo đuổi công việc giống như anh không? Chúc anh luôn thành công và ngày càng có nhiều ý tưởng "táo bạo". (nguyễn nghị, 18 tuổi, gudin@hopthu.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Ngành học nào cũng sẽ giúp bạn có một nền tảng kiến thức cho công việc PR, nhưng quan trọng nhất là kinh nghiệm sống, bạn hãy tìm thêm cho mình một chút lãng mạn từ nghệ thuật để cân bằng sự khô cứng của những kiến thức kinh tế. Chúc bạn thành công!
* Mình rất nể thành tích về bằng cấp của Hà, tuy nhiên, qua trải nghiệm, mình thấy bằng cấp nhiều hay cao chưa hẳn đã làm việc tốt, quan trọng là ứng dụng nó... Không biết Hà có ý kiến thế nào? Công ty đầu tiên có ảnh hưởng lớn đền sự nghiệp của Hà không? (Hoang duong, 26 tuổi, hoangduong235ab@yahoo.com)
- Lê Thị Ngọc Hà: Đến bây giờ tôi nghĩ rằng bằng cấp là một cô gái đẹp nhưng cái đẹp phải có tâm hồn của nó. Một cô gái đẹp và có tâm hồn thì sẽ đạt được tất cả những gì cô mong muốn. Tôi nghĩ là bạn hiểu. Đúng, Saigon Floating Hotel là trường đại học đầu tiên của tôi về ngành ẩm thực và chính nơi đây đã đem đến cho tôi những ước mơ và hoài bão.
* Hình như Sơn vừa lấy vợ phải không? Lấy vợ rồi thì công việc thế nào? (henry tran, 40 tuổi, henrytran512@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Anh chị có khoẻ không? Lấy vợ rồi công việc của em coi bộ tốt hơn anh à vì bây giờ em đã có được một hậu phương vững chắc!
Phóng to |
- Nguyễn Ngọc Thụy: Ngoại hình đẹp sẽ giúp bạn dễ dàng hơn chứ không quyết định tất cả, và... bạn thử quan tâm đến bề ngoài của mình một chút đi, bạn sẽ thấy điểm của mình hơn điểm trung bình rất nhiều. Chúc bạn thành công!
* Bạn có thể giúp các bạn trẻ VN hoặc những người có quan tâm về hoạt động điều hành Du lịch và khách sạn về tài liệu bạn đang có được không? Cám ơn! (Nguyen Thanh Liem, 1960 tuổi, xnkdrc@dng.vnn.vn)
- Lê Thị Ngọc Hà: Mơ ước của tôi là sẽ có được một thư viện về ngành khách sạn và ẩm thực cho riêng mình. Một trong những cái "điên" của tôi là mê sách, đi đến đâu, nơi đầu tiên tôi đến là nhà sách. Tôi nhớ khi học ở Thụy Sỹ, kết thúc khóa học, tôi gọi điện và nói rằng tôi gửi quà về nhà. Khi mẹ tôi ra nhận quà thì hỡi ôi là sách và có những tờ báo nhỏ cắt ra.
Tôi sẽ có một thư viện về sách và tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn.
* Em hiện đang theo học chương trình thạc sĩ tại một đại học ở Sydney Australia. Với những gì em đang có thì rất thuận lợi cho em với việc định cư và tìm một việc làm tại đây. Điều em băn khoăn là với vốn kiến thức và kinh nghiệm của mình liệu có đảm bảo được một cuộc sống tốt khi mình trở về hay không?
Đọc tất cả những câu chuyện trên, em rất ngưỡng mộ các anh chị. Có phải sự thành công của các anh chị dựa trên lòng tin về bản thân và tin vào chính sự đổi mới trên quê hương mình không? Chìa khóa của sự thành công có phải là ý chí và tình yêu nơi chính quê hương mình phải không các anh chị? Từ chối những lời mời hấp dẫn từ một nước phát triển để trở về quê hương có phải là một quyết định mạnh mẽ không? (Nguyen Phu Cuong, 25 tuổi, cuong_phu2002@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Cường đã hiểu vấn đề rõ ràng rồi đó. Chúc Cường có quyết định đúng và thành công!
* Tôi rất thích ngành PR và muốn thử sức mình. Nhưng tôi hơi thiếu tự tin vì không thuộc chuyên môn và không được sự ủng hộ của gia đình. Tôi nên bắt đầu từ đâu, anh Ngọc Thụy có thể cho tôi lời khuyên không? (Nguyen, 25 tuổi, s2nmkh@yahoo.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Nếu đó là sở thích của bạn, tôi nghĩ rằng bạn sẽ làm được điều đó. Bạn hãy bắt đầu bằng cách tạo cho bạn sự tự tin. Khi có được sự tự tin thì bạn sẽ thuyết phục được gia đình của mình.
* Chào anh Thụy, sau khi đọc loạt bài về các anh chị, tôi rất khâm phục. Anh Thụy có thể cho tôi biết động lực nào đã giúp anh có được thành tựu hôm nay? (Mickey, 25 tuổi, lphungtu@yahoo.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Gia đình, bạn bè và những bạn đồng nghiệp là những nguồn động lực giúp tôi vượt qua tất cả những khó khăn. Họ luôn ở bên tôi những lúc tôi thất bại, khó khăn... Và những lúc tôi thành công, tôi luôn muốn chia sẻ cùng họ.
* Khi đã thành công trong cuộc sống (về một mặt nào đó), các anh chị sẽ nghĩ đến mục tiêu kế tiếp của chúng ta là gì? Tiếp tục vươn lên không ngừng hay bằng lòng với những gì mình đã đạt? (Lê Minh Đăng, 29 tuổi, leminhdang@gmail.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Ngừng lại tức là tụt hậu rồi đó! Mọi người đều đang tiến lên mà.
* Tôi xin hỏi 1 câu, có lẽ là tất cả những thanh niên Việt Nam hôm nay đều muốn hỏi: Các anh chị là những người thành đạt hôm nay có lời khuyên nào tốt nhất cho chúng tôi khi hầu hết thanh niên bây giờ mất phương hướng và không thể xác định cho mình 1 hướng đi? (thông, 26 tuổi, thieuhiepchungtinh@yahoo.com)
- Lê Thị Ngọc Hà: Tôi nghĩ các bạn đã đọc bài báo ngày kết của loạt bài "những người làm thuê số 1". "Những dòng suối ra sông, sau đó ra biển và hòa vào đại dương mênh mông"... Tôi rất cảm động khi đọc bài báo đó, tôi như thấy chính mình. Tuổi trẻ của chúng ta bắt đầu từ dòng suối nhỏ, ở đây chỉ có những thác nghềnh nhỏ nhưng nếu chúng ta không tự tạo được cho mình những mãnh lực nhỏ thì không thể nào đủ sức để ra được sông, để hòa vào đại dương.
Tuổi trẻ của chúng ta luôn luôn thích làm những cái thật lớn, thật to nhưng với những gì tôi đã trải qua thì các bạn nên làm những việc nhỏ, thật nhỏ để thử sức và khi đủ sức thì sẽ ra sông và ra biển. Nhưng trước hết, bạn phải tự hỏi mình vì sao tôi phải làm? Và bạn hãy tự trả lời mình nhiều câu hỏi khác nữa, khi nào bạn cảm thấy thật sự thích thì hãy bắt đầu làm, và hãy bắt đầu từ những việc nhỏ.
* Điều đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn loạt phóng sự của báo Tuổi Trẻ về "Những người "làm thuê" số 1 ở Việt Nam". Nó như "thổi lửa" thêm vào sức trẻ hơn nữa, đặc biệt là thế hệ 8X.
Chào anh Nguyễn Hồng Sơn, khi tôi đọc phóng sự về anh, tôi rất xúc động và thấy anh thật đáng nể. Những ngày học tập ở nước ngoài, điều gì là khó khăn nhất đối với anh? Những lúc đối diện với hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thật sự động lực nào là mạnh nhất để giúp anh vượt qua nó? Cám ơn! Vy Do (Vy Do, 22 tuổi, tuongvy197@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Điều khó khăn nhất đối với mình khi công tác ở nước ngoài là Dị biệt Văn hoá và Lối sống. Động lực giúp mình vượt qua tất cả những lúc đó: Mình là người Việt! Rất nhiều người nước ngoài đã thay đổi (theo nghĩa tích cực) cái nhìn của họ khi họ biết mình là người Việt!
* Anh có thấy buồn khi mình chỉ là người làm thuê? Tại sao không lập công ty riêng để tự mình làm chủ? (BUI NGOC KET, 34 tuổi, ketmanduy@yahoo,com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Nếu như ai ra trường rồi cũng mở công ty thì ai sẽ đi làm việc cho những công ty ấy nhỉ? Nếu như bạn đi "làm thuê" mà điều đó sẽ giúp bạn có được một vốn kiến thức mà không thể có được ở trường học thì cũng tốt phải không bạn.
* Trước khi "ra đi để mang về", chị có một số tiền lớn (30.000 USD) có thể mở 1 công ty. Chị nghĩ nếu chị ở lại và thành lập công ty riêng thì bây giờ chị sẽ có những gì và sẽ mất những gì? (Khanh, 32 tuổi, nguyennt@yahoo.com)
- Lê Thị Ngọc Hà: Nếu như tôi dùng số tiền đó để đâu tư thì chắc chắn tôi sẽ thành công nhưng tôi chỉ có thể ở sông, nhưng bây giờ thì tôi đã đủ sức để đứng giữa đại dương mênh mông và sóng dữ.
* Có bao giờ các bạn thấy mình có cái gì đó khác người không?(tungan, 43 tuổi, hoantungan)
- Nguyễn Hồng Sơn: Có khác một số ít nhưng lại giống rất nhiều người bạn à.
- Lê Thị Ngọc Hà: Tôi nghĩ là tôi hơn điên vì những quyết định của tôi khi nói ra thì mọi người đều nói "điên hả?", nhưng tôi nghĩ trong cuộc sống nhiều lúc cần phải "điên điên" một chút, nhưng đừng quá khác người.
* Chào tất cả các anh chị. Tôi rất ngưỡng mộ sự thành công của các anh chị. Tuy nhiên, xin cho tôi biết, bằng cách nào để "người chủ" "săn tìm" những "người làm thuê" như thế? Thật khó để có cơ hội chứng tỏ cho những "người chủ". Xin các anh chị cho tôi chút kinh nghiệm. Xin cảm ơn! Chúc các anh chị ngày càng thành công! (Tran, 26 tuổi, oanhp18@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Cũng có lúc mình đi tìm việc và cũng có khi việc đi tìm mình. Ông bà mình nói "Hữu xạ tự nhiên hương", vậy nên nếu bạn có tài thì sẽ có người tìm đến bạn nhờ cái "tự nhiên hương" của bạn đó. Chúc bạn thành công!
- Nguyễn Ngọc Thụy: Hãy nắm bắt tất cả các cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình. Hãy làm tốt những cơ hội đó, rồi may mắn sẽ đến với bạn.
* Nếu làm trong công ty nhà nước thì cơ hội làm thuê số 1 có không? (Ton that Thien, 35 tuổi, thientonthat@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Câu trả lời là CÓ! Bản thân tôi cũng đã từng làm cho XNQD In số 2 một thời gian sau khi tốt nghiệp. Cơ hội vẫn còn đó cho những ai biết nhận ra, nắm lấy và biết giữ lại!
- Nguyễn Ngọc Thụy: Khi mà nền kinh tế cạnh tranh phát triển thì sự cạnh tranh về nguồn nhân lực cũng sẽ có, lúc đó không những các công ty nhà nước mà ngay cả các cơ quan hành chính sự nghiệp của nhà nước cũng cần những "người làm thuê số 1".
- Lê Thị Ngọc Hà: Tôi không hiểu tất cả mọi người hiểu "làm thuê số 1" là gì? Nhưng tôi nghĩ bên cạnh tiền lương, các công ty còn phải tạo ra cho mình một phong cách làm việc, nếu các công ty Việt Nam tạo được cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp thì sẽ có được những người làm thuê số 1.
* Giữa cuộc sống gia đình và khát khao bản thân, nếu phải đánh đổi một trong hai, chị sẽ chọn cái nào? Để được đi học và đi làm như bây giờ, chị có phải đánh đổi những gì? (letrung, 30 tuổi, letrungcomputer@yahoo.com)
- Lê Thị Ngọc Hà: Để đạt được những điều của ngày hôm nay, tôi đã bỏ lại đằng sau rất nhiều, có những quyết định làm tôi cứ phải suy nghĩ mãi, nhưng có thể tôi là người quyết đoán, và ước mơ của tôi quá lớn để nó có thể đánh gục tất cả những gì bên cạnh tôi, nhưng cũng rất khốc liệt. Bạn hãy cố gắng, thời gian không quan trọng, quan trọng là khi nào bạn muốn bắt đầu và làm gì.
* Xin hỏi cả ba anh chị: Ý nghĩ mình phải làm "số 1" của anh chị bắt đầu từ lúc nào? Và có phải khi ý nghĩ ấy đến, các anh chị bắt tay vào "cày" ngay? Em cũng luôn bị thôi thúc bởi một ý nghĩ "phải làm một cái gì đó", tuy nhiên bây giờ, em tích cóp được bao nhiêu thì chỉ duy nhất nghĩ đến chuyện... đi du lịch, lông bông đó đây. Đi về, hết tiền, lại "cày" để đi tiếp. Liệu như thế có phải là chỉ thích "hưởng thụ", là "hết thuốc chữa" không? Em có cơ may nào trở thành "một cái gì đó" không? (T.N, 17 tuổi, zik.zak.hehe@gmail.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Mỗi người đều có một con đường riêng để trở thành số 1. Hồi 2 năm làm việc ở Mỹ anh cũng đi đây đi đó nhiều lắm đến nỗi về lại VN anh không có đồng nào để dành cả! Tuy nhiên, trong những chuyến đi đó anh đã "tích cóp" được rất nhiều thứ không mua được bằng tiền.
- Lê Thị Ngọc Hà: Bạn chưa bắt đầu là suối thì làm sao đủ sức để ra sông.
* Em hiện đang theo học chương trình thạc sĩ tại một đại học ở Sydney Australia. Với những gì em đang có thì rất thuận lợi cho em với việc định cư và tìm một việc làm tại đây. Điều em băn khoăn với vốn kiến thức và kinh nghiệm của mình liệu có đảm bảo được một cuộc sống tốt khi mình trở về hay không?
Đọc tất cả những câu chuyện trên em rất ngưỡng mộ các anh chị. Có phải sự thành công của các anh chị dựa trên lòng tin về bản thân và tin vào chính sự đổi mới trên quê hương mình không? Chìa khóa của sự thành công có phải là ý chí và tình yêu nơi chính quê hương mình phải không các anh chị? Từ chối những lời mời hấp dẫn từ một nước phát triển để trở về quê hương có phải là một quyết định mạnh mẽ không? (Nguyen Phu Cuong, 25 tuổi, cuong_phu2002@yahoo.com)
- Nguyễn Ngọc Thụy: Có thể trở về với quê hương sẽ không mang lại cho bạn nhiều thuận lợi hơn tại "đất khách", thế nhưng bạn sẽ được một cảm xúc đặc biệt hơn. Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng. Bạn thấy đấy, vẫn có rất nhiều người Việt Nam thành đạt ở mọi nơi trên thế giới đều có ước muốn trở về Việt Nam xây dựng đất nước. Nếu bạn có thể lấy được kinh nghiệm thực tế từ các nước phát triển, rồi sau đó đem về áp dụng trong nước thì thật tốt. Và tôi cũng hy vọng trong đó sẽ có tên của bạn trong một gian gần đây.
* Gửi cô Lê Thị Ngọc Hà: Sau khi đọc xong bài báo này, nhiều công ty nước ngoài đang tìm kiếm những nhân tài như cô và đưa ra mức lương hấp dẫn cao hơn hiện tại, nếu như vậy, cô có định chuyển sang làm việc nơi khác không? (HanhNhan, 25 tuổi, thuynguyenle2009@yahoo.com)
- Lê Thị Ngọc Hà: Tôi chỉ thích làm những công việc mà tôi thích, và công việc nào đem lại cho tôi sự đam mê và cuốn hút thật sự thì tôi không cần tiền vì tôi biết chính nó đã mang lại tiền cho tôi rồi vì tôi sẽ được học từ đó. Như vậy khi công ty nào muốn tôi về làm thì tự bản thân nó phải có sức hút thật sự chứ không phải vì lương cao.
* Với kiến thức và kinh nghiệm của các bạn thì phục vụ cho quốc gia trong thời điểm này là rất tốt. Trước thềm WTO, các "vị anh hùng" sẽ như Lý Thường Kiệt (đánh trước khi kẻ thù xâm lăng bờ cõi) hay "dĩ đoản chế trường" như Trần Hưng Đạo? Các công ty nhà nước đang hấp hối và đang chờ các bạn đó...(Do Dai Nghi, 26 tuổi, dodainghi79@yahoo.com)
- Nguyễn Hồng Sơn: Không cần phải khích lệ lòng dũng cảm để nói lên những điều này đâu bạn. Tôi luôn luôn nghĩ là mình đang phục vụ Quốc gia đấy chứ. Này nhé, những người làm thuê cho nước ngoài như tôi đều đang phục vụ đất nước mình, chúng tôi sử dụng tiền vốn của “nước ngoài” để làm ra của cải phục vụ đồng bào mình đó chứ! Đã qua rồi thời kỳ “đóng cửa tự cung tự cấp”, những công ty có vốn nước ngoài hiện diện ở VN đã và đang đóng góp rất lớn vào sự vươn lên của VN đấy chứ. Chúng tôi đang góp phần bé nhỏ của mình vào công cuộc thay đổi cách nói của người ta về VN, từ “VN đánh giặc anh hùng lắm!” thành “VN đánh giặc cũng giỏi mà xây dựng còn giỏi hơn nữa!”.
- Lê Thị Ngọc Hà: Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về điều bạn nói. Tôi đã đến rất nhiều nước và đã được nghe, được học và tôi nhận thấy một điều là: đa phần người nước ngoài rất thích làm việc cho nhà nước và không dễ gì ai cũng vào làm được, vì những người làm cho nhà nước, họ phải hội tụ ba điều cơ bản đó là trí, tài và đức và họ luôn phải trải qua các kỳ thi sát hạch khó khăn. Một người làm cho nhà nước như là đem vinh quang cho cả gia đình và dòng họ. Và mục tiêu của các bạn trẻ nước ngoài là làm sao phải học thật giỏi để được vào làm việc cho những cơ quan chính quyền nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận