17/01/2005 00:08 GMT+7

"Sơn Tinh" đi học nấu rượu

TRẦN NGUYÊN - THU HÒA
TRẦN NGUYÊN - THU HÒA

TT - Sơn Markus Madeja kéo một hơi thuốc lào kêu o o, phà khói mù mịt và nói một cách khoái trá: "Rượu rắn là để bổ từ từ, rượu Minh Mạng nhất dạ ngũ giao cũng chỉ là nói phét mà thôi...".

uUuyVA5m.jpgPhóng to
Bạch Đàn Dockery
TT - Sơn Markus Madeja kéo một hơi thuốc lào kêu o o, phà khói mù mịt và nói một cách khoái trá: "Rượu rắn là để bổ từ từ, rượu Minh Mạng nhất dạ ngũ giao cũng chỉ là nói phét mà thôi...".

Chúng tôi gặp Sơn thông qua người bạn thân nhất của anh: Bạch Đàn Dockery. Đàn là cựu sinh viên ngành lịch sử Trường đại học Manchester, Anh. Đàn bảo nếu nói về các món ăn thì Đàn biết rõ, còn để nói về rượu thì phải tìm Sơn vì Sơn mới là người trực tiếp vào lò để nấu.

Chàng trai người Anh 32 tuổi râu tóc xồm xoàm này ngồi xếp bằng rất gọn trên manh chiếu mộc, tháo bung chiếc khăn quàng cổ giữa cái lạnh 7OC của Hà Nội. Đàn bảo: "Bạn bè thì phải ngồi chiếu mới tình. Chiếu ngồi được nhiều người, thêm người cũng dễ và nhất là không có ranh giới giữa anh và tôi. Tôi học được điều này ở Mù Căng Chải khi lên đến đỉnh núi để học làm món thịt heo xông khói của đồng bào Mông. Học mãi cũng chẳng làm được vì thịt heo cũng khác, không khí cũng khác và chẳng thể nào ở Hà Nội có thể treo lủng lẳng mấy tảng thịt heo trên xà nhà được...". Rồi anh gắp một miếng thịt, cho vào mồm và nhắm mắt thưởng thức, thỉnh thoảng lại chắt lưỡi điệu nghệ. Anh mơ màng kể về những ngày ngồi ôm trà tán chuyện cùng những người bạn thổi kèn lá ở chợ Lũng Phiên, Hà Giang, chuyện về những người Dao nghèo túng nhưng xem anh là thượng khách... "Chỉ mong họ đến quán một lần, ngồi lên chiếc chiếu này để mình bày tỏ cái bụng như họ đã đối xử với mình ngày trước...".Sơn thì khác một chút, anh 36 tuổi, đã sống ở VN 12 năm và đã có gia đình. "Cái Thoa vợ tôi sinh ra ở Lào Cai, lớn lên ở Yên Bái, trưởng thành ở Hà Nội nhưng quê gốc thì lại ở Hải Dương. Có lẽ vì cô ấy mang trong người dòng máu của làng rượu Phú Lộc nên mới nhìn đã thấy say ngay...". Vừa nói anh vừa nheo mắt đầy ẩn ý, tay vẫn không ngừng xoay xoay cái điếu cày đã lên nước bóng loáng.

M9JCBJdg.jpgPhóng to
Sơn Markus Madeja
Sơn mắc bệnh khề khà, nói chậm và thỉnh thoảng lại đệm vào vài tiếng lóng rất giang hồ, vì anh học tiếng Việt từ những ngày vác balô cưỡi xe máy đi vòng quanh VN. "Chỉ có Cà Mau là chưa đến, vì chuyến đấy đến Bạc Liêu thì bị ốm nên phải quay về". Anh chàng sinh viên ngành dân tộc học Thụy Sĩ ngày trước giờ đã biến thành một lão hàng rượu chính hiệu của đất Hà thành, ngồi rung đùi nhâm nhi và tán dóc với đủ mọi ngôn ngữ bình dân nhất của dân nhậu...

Sơn cầm chiếc khay có sáu ly rượu, vừa ngửi vừa giải thích: "Không ai uống rượu thế này cả, chỉ uống một loại thôi. Cái này là táo mèo, phải nhờ người ở Yên Bái mang xuống mới ngâm được. Ngày trước tôi máu lắm, đi tìm hái táo mèo cho bằng được. Cứ tưởng phải vào rừng sâu, hóa ra không phải, chỉ ở rất gần thôi. Cái này là rượu ong, ngâm từ ong rừng đấy.

Cũng máu nhưng không dám đi tìm ong, vì một tổ có cả chục nghìn con, nó xông ra đốt thì có mà chết. Phải nhờ người ở Hà Giang mới có. Cái này là rượu nếp, nấu rất kỹ mới trong được thế này... Công thức là của ông nội bà xã tôi truyền lại, dặn dò cẩn thận không được làm mất vị. Bây giờ, cả làng Phú Lộc có mỗi mình tôi tự làm men nấu rượu. Mọi người thích dùng men Trung Quốc hơn vì lợi gạo, nhưng nó là hóa chất...".Sơn bảo chúng tôi uống thử một ly "hoàng hôn Mèo Vạc". Đó là một loại rượu hỗn hợp gồm rượu dâu, phủ lên là một lớp nước cam. "Có đến Mèo Vạc chưa? Buổi chiều đứng trên núi mà ngắm mặt trời là tuyệt vời như thế đấy..." - anh vừa nói vừa chắt lấy chén nước râu bắp để giải nhiệt. "Đừng gọi là bắp, phải gọi là ngô mới đúng" - Đàn chỉnh ngay ngôn ngữ miền Nam của bọn tôi. Ngà ngà say, Đàn rủ rê hay là nếm hết 29 vị rượu của quán vì mấy khi có dịp. "29 vị, nhiều thế?". "Đấy là tôi không dùng bìm bịp, tay gấu hay những loài hoang dã để ngâm đấy, vì như thế là hủy hoại môi trường. Ngày trước vào Huế để tìm bài thuốc Minh Mạng thang cũng khổ cực lắm, nhưng ông thầy bảo rượu quí là do biết nấu, biết ngâm chứ không phải do dùng những thứ hiếm mới tốt. Tôi nhất trí ngay...", Sơn lại tóm lấy cái điếu cày, lốc cốc gõ theo câu hát của Đàn: "Tình yêu đó riêng cho em, tình này mãi không quên...".Chia tay, chúng tôi hỏi hai người thích được gọi bằng gì, họ bật cười và đồng thanh: Sơn Tinh. Đó là tên của công ty kinh doanh nhà hàng mà họ đang tham gia với vai trò cố vấn, và đó cũng là cái tên mà họ đã quyết chọn lựa sau lần chinh phục núi Tản Viên vì mê truyền thuyết chế ngự thiên tai của người dân Việt...

Đàn Dockery hiện đang cộng tác với Tonkin Travel, công ty du lịch chuyên về lữ hành dành cho khách nước ngoài. Anh dẫn tour Trường Sơn, và sẽ kể cho khách nghe những điều mà khoa sử ở Anh chưa hề dạy Đàn: "VN là một quốc gia đẹp lắm, huyễn hoặc lắm chứ không phải là chiến tranh đâu...".

Đàn và Sơn còn đang tính toán mở rộng việc sản xuất rượu cùng với trà thảo dược VN. "Nhưng cũng phải từ từ, vì phải làm theo công thức và phương pháp cổ truyền nên không sản xuất được nhiều và nhanh hơn nữa. Nhưng điều mà chúng tôi đang vươn tới là xác lập một giá trị của thương hiệu rượu cổ VN mang đẳng cấp quốc tế. Với những tình cảm mà VN đang dành cho chúng tôi, mọi chuyện thế nào cũng thành công".

TRẦN NGUYÊN - THU HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên