* Những cánh thư gửi về từ Hoàng Sa của anh em cảnh sát biển * Ảnh nhỏ: thượng úy Đỗ Vũ Hiệp viết thư gửi về gia đình - Ảnh: H.Khá |
Cùng với lá thư của Sơn, tôi nhận thêm mấy bức thư viết vội của những người lính trẻ gửi về mẹ cha, vợ con ở đất liền. Tưởng chừng những bức thư tay đã “chết” từ lâu giữa thời buổi công nghệ số, nên giờ đây khi cầm trên tay những cánh thư gửi về từ đảo xa của người lính, chúng tôi lặng cả người.
Tổ quốc trên hết
Gầy đi nhiều sau cả tháng trời vật lộn với sóng biển nhưng đôi mắt của Đặng Lê Sơn vẫn gợi rõ nét can trường. Sơn nói dù có khó khăn nhưng giờ đây người cảnh sát biển phải vững tin vì biết rằng cuộc đấu tranh bảo vệ vùng biển Hoàng Sa sẽ còn dài lắm. Trong lá thư gửi về đất liền, đại úy Sơn viết:
“Hoàng Sa, ngày 1 tháng 6 năm 2014.
Hôm nay, đúng một tháng từ lúc Trung Quốc ngang ngược, trắng trợn kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam xâm phạm chủ quyền. Cũng là gần ấy thời gian, cán bộ chiến sĩ tàu cảnh sát biển 2015 cùng với các tàu khác trong cùng lực lượng, lực lượng kiểm ngư Việt Nam sát cánh bên nhau thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc...
Chúng tôi xin quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Qua báo Tuổi Trẻ, thay mặt cán bộ chiến sĩ tàu cảnh sát biển 2015, tôi xin cám ơn sự đóng góp, ủng hộ cả về tinh thần cũng như vật chất của đồng bào, nhân dân cả nước. Đặc biệt là qua chương trình “Chung tay bảo vệ chủ quyền biển Đông”, đọc báo Tuổi Trẻ được biết hình ảnh từ bà lão, ông lão lớn tuổi tiết kiệm lương hưu, các cháu học sinh tiết kiệm tiền ăn sáng, hình ảnh chị ve chai tất tả đi gửi tiền ủng hộ, sự ủng hộ của các đoàn thể, doanh nghiệp làm chúng tôi hết sức xúc động, là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ.
Vì điều kiện hoạt động xa bờ, không có sóng điện thoại, qua báo Tuổi Trẻ chúng tôi xin nhắn gửi đến gia đình của cán bộ chiến sĩ tàu 2015 đang thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa hãy yên tâm và cố gắng vượt qua khó khăn khi chồng, cha, con vắng nhà...”.
Gửi tiền cho mẹ
Thiếu úy trẻ Trương Quang Trung (tàu cảnh sát biển 2015) trong cánh thư gửi về cha mẹ ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh có đoạn “con rất tự hào khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
“Bố mẹ kính yêu của con!
Khi bố mẹ nhận được bức thư này của con là lúc con đang làm nhiệm vụ của một người lính bảo vệ chủ quyền cho đất nước, cho Tổ quốc, cho nhân dân Việt Nam được hưởng hòa bình. Đây cũng là trách nhiệm, nhiệm vụ mà một người công dân trong đất nước phải làm bố mẹ ạ...
Bố mẹ ơi! Bố mẹ không phải lo lắng gì cho con đâu, con vẫn khỏe. Công việc của con cũng căng thẳng lắm mẹ à vì là người lính thông tin nên phương châm làm việc là nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
Bố nghỉ hưu rồi thì bố nghỉ đi, sức khỏe của bố cũng đi xuống rồi bố à. Nhà mình đang nghèo thì ta tiết kiệm chứ bố tham việc mà đi làm thêm, ốm như lần trước con ở xa buồn lắm nhưng không về chăm sóc bố được. Con biết bố mẹ không trách con đâu vì lúc đó và lúc này con đang làm nhiệm vụ mà người lính cảnh sát biển phải làm, phải giữ vững chủ quyền biển đảo cho đất nước...
Bố mẹ ở nhà cũng cố gắng lên, con đã lớn rồi, 25 tuổi. Nhưng con chưa đưa được con dâu hiền, cháu ngoan cho bố mẹ. Con cũng nghe radio suốt thấy người dân Việt Nam và thế giới hướng về con và anh em. Những người lính đã hứa trước Tổ quốc, nhân dân khắc phục khó khăn, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Chúng tôi chuẩn bị rời tàu cảnh sát biển 2015 lúc trời chập choạng tối, Trung trao cho tôi bức thư này kèm theo 5 triệu đồng gói trong tờ giấy trắng. Trung nói vội vã giữa sóng gió: “Anh mang số tiền này về đất liền rồi gửi qua bưu điện cho ba mẹ em. Đây là số tiền em tích cóp được từ đầu năm đến giờ, hôm ở đất liền em nhận lương mà không kịp gửi về vì lệnh đi quá đột xuất...”.
Anh sẽ về...
Còn với thượng úy Đỗ Vũ Hiệp - chính trị viên tàu cảnh sát biển 2015 - thì cha mẹ, vợ con vẫn là niềm nhớ mong của anh. Nhưng giờ đây Hiệp nói nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải đặt lên hàng đầu. Lá thư Hiệp gửi về từ biển xa với mong muốn vợ con cảm thông, yên lòng vì các anh đang làm công việc cao cả.
“Em và các con thân yêu! Ở nhà, ba mẹ con vẫn khỏe cả chứ. Các cu cậu chắc nhớ anh lắm, và em cũng cồn cào như những con sóng biển? Hôm nay là Ngày quốc tế thiếu nhi đó, nếu ở nhà anh sẽ mua quà cho các con và chở mấy mẹ con đi chơi. Anh chúc ba mẹ con luôn mạnh khỏe, các con ngoan, mau lớn và luôn nhớ tới anh nhé! Anh ở ngoài này những khi rảnh rỗi lại nhớ đến mẹ con em, nhớ những lúc gia đình mình quây quần bên nhau thật vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc...
Hai lần em sinh con mà không có anh ở nhà, rồi hằng ngày vắng bóng anh, em đã thay anh nuôi dạy các con, hiếu thuận với cha mẹ. Những lúc vui em cũng chỉ có một mình, lúc buồn lại không có anh bên cạnh để chia sẻ. Anh đi thực hiện nhiệm vụ lần này cũng chỉ kịp gọi về được cho em vài phút để hỏi thăm mấy mẹ con, gia đình và báo cho em biết là anh đi công tác. Anh biết, vắng anh em rất vất vả và lo lắng cho anh nhiều nhưng chưa khi nào em than phiền hay kể cho anh những nỗi niềm đó, vì em hiểu và cảm thông cho công việc của anh. Tự đáy lòng, anh thầm cám ơn ông trời đã cho anh có được người vợ như em, anh cảm ơn em vì đã gửi gắm tình yêu nơi anh, hi sinh và cùng anh xây dựng hạnh phúc...
Thời gian có hạn, anh chỉ viết đến đây thôi em nhé. Em à! Chúng mình cùng nhau là những người công dân, người chiến sĩ yêu nước em nhé. Ở hậu phương, em luôn sống tốt và nỗ lực phấn đấu rèn luyện hết mình trong cuộc sống và công việc giúp anh yên tâm công tác, như thế em cũng chính là một “chiến sĩ”, một người công dân yêu nước đó. Nơi biển cả quê hương, cán bộ chiến sĩ tàu cảnh sát biển 2015 các anh cũng xin hứa nguyện một lòng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh tất cả cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc để nhân dân ta được sống trong hòa bình.
Tạm biệt em và hẹn ngày gần nhất anh sẽ về thăm ba mẹ con!”.
Phóng to |
Ảnh: M.Quang |
“Con ở ngoài này khỏe lắm”
Chiều 9-6, khi chúng tôi chuyển từ tàu cảnh sát biển 8003 sang tàu 8001 để trở về đất liền, một chiến sĩ trẻ trên tàu vội vã dúi vào tay một tờ giấy nhàu nát với lời dặn vội vàng “qua tàu kia anh hãy xem nhé”. Những tưởng chỉ là lời chúc chia tay nhưng khi mở tờ giấy, chúng tôi không cầm được nước mắt khi đọc những dòng chữ chệch choạc viết vội gửi về mẹ của người chiến sĩ trẻ ấy. “Nhờ anh vào đất liền gọi giúp em nhắn với mẹ em là: Con ở ngoài này khỏe lắm, hôm nay con lên tivi mấy lần”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận