08/05/2014 02:35 GMT+7

Cử nhân thất nghiệp: hiệu trưởng nói gì?

HÀ BÌNH ghi
HÀ BÌNH ghi

TT - Trước vấn nạn sinh viên ra trường không tìm được việc làm, phải đi phục vụ quán bia, làm công nhân khu công nghiệp, làm bảo vệ... phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với hiệu trưởng những trường nơi các cử nhân theo học và tốt nghiệp để tìm lời giải.

TryyJVpk.jpg
Sinh viên trong một ngày hội việc làm - Ảnh: Như Hùng

Dưới đây là nội dung trao đổi với các hiệu trưởng.

* TS Nguyễn Mạnh Hùng (hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng):

“Do năng lực tìm việc của sinh viên!”

Tôi không nghe thấy việc dư luận xôn xao cử nhân ra trường không tìm được việc làm. Nếu có việc ấy, theo tôi, cử nhân thất nghiệp có trách nhiệm chung của xã hội, là do sự phân phối về ngành nghề của xã hội. Chúng ta là nước đang phát triển nên chưa ổn định về phân phối ngành nghề. Bên cạnh đó còn do năng lực tìm việc của sinh viên, tư cách tác phong khi đi phỏng vấn xin việc có đủ tạo được lòng tin để người ta mời gọi mình làm việc hay không... Ngoài ra, trong xã hội sinh viên đông đảo thế này mà kinh tế đang suy thoái làm sao đảm bảo 100% có việc hết được! Chúng tôi đã cố gắng đào tạo cho các em kỹ năng, phát huy khả năng của mình để đi tìm việc. Tuy nhiên, làm sao chúng tôi có thể biết khuynh hướng cá nhân của từng sinh viên để phục vụ hết được!

* PGS-TS Trần Văn Hạo (hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ kỹ thuật Vạn Xuân):

“Trường tạo điều kiện nhưng sinh viên không phấn đấu!”

Tôi nghĩ việc một số cử nhân thất nghiệp không phải do lỗi đào tạo, vì hàng ngàn sinh viên khác ra trường vẫn có việc làm đó thôi. Cử nhân thất nghiệp có rất nhiều nguyên nhân. Có thể những em đấy không cố gắng học hành. Nhà trường đã tạo điều kiện tốt cho các em mà các em không phấn đấu thì chúng tôi đành chịu! Những kỹ năng trường khuyến khích như tiếng Anh, tin học, nhiều sinh viên không chịu khó trau dồi, nâng cao. Có những em đi học chỉ để có bằng chứ chưa có động lực học tập mãnh liệt. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuyện đi xin việc của sinh viên khi ra trường.

* Hiệu trưởng một trường ĐH dân lập (đề nghị không nêu tên):

“Rất khó đào tạo có chất lượng!”

Nếu như những trường khác sinh viên ra trường có việc làm, riêng trường mình sinh viên không tìm được việc làm thì chúng tôi đau đớn lắm. Nhưng đây là hiện tượng phổ biến của tất cả các trường từ trường công đến trường dân lập. Nguyên nhân có từ sự đào tạo của nhà trường và cả nguyên nhân từ xã hội nữa. Tôi đọc báo thấy ý kiến hay là thí sinh đi theo ngành họ nghĩ sẽ kiếm nhiều tiền, còn những ngành rất cần họ thì họ lại không vào. Hiện nay quy hoạch tầm vĩ mô chưa chú ý và không làm được việc hướng dẫn cho thí sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp với mình và nhu cầu xã hội.

Còn về chất lượng đào tạo tôi nói thẳng ở nước ta hiện nay rất khó để đào tạo có chất lượng. Vì sao? Ở các nước, người đứng lớp giảng dạy phải phó giáo sư trở lên, tiến sĩ nhiều khi chỉ trợ giảng. Trong khi ở ta có nơi thạc sĩ là oai lắm rồi. Bây giờ lấy đâu ra đủ phó giáo sư mà dạy cho có chất lượng? Đó là chưa kể trang thiết bị phục vụ việc dạy học quá thiếu thốn, nơi thì có ít, nơi thì có mà... không sử dụng được...

* TS Phan Văn Nhẫn (hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang):

“Chúng tôi phải giảm chỉ tiêu đầu vào”

Tỉ lệ sinh viên Trường ĐH Tiền Giang ra trường có việc làm là 74,5%. Trong đó, riêng ngành kế toán tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm khá cao nhưng cũng “rơi rớt” một vài em. Trường đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh, Sở Nội vụ cũng như quan hệ với trên 50 doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên có việc làm. Tuy nhiên do khó khăn chung của nền kinh tế, không chỉ Trường ĐH Tiền Giang mà các trường khác nữa sinh viên tìm việc làm ngày càng khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, hai năm nay chúng tôi đã giảm chỉ tiêu đầu vào của ngành kế toán và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện chúng tôi đang thực hiện đổi mới nội dung chương trình, làm cho chương trình tiên tiến, hiện đại, gắn với thực tế...

HÀ BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên