01/05/2014 03:51 GMT+7

Sôi động sân chơi kiến thức lý luận

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - 12 đội tuyển nổi bật và tỏa sáng trong những phút quyết định cuối cùng đã giành vé đi tiếp vào vòng trong của hội thi “Ánh sáng thời đại” lần 6-2014 đang diễn ra.

12 đội tuyển vào vòng bán kết 2Kỷ lục làm bài nhanh nhất: chưa tới 3 phútKhai mạc Hội thi trực tuyến “Ánh sáng thời đại” lần 6-2014

mItEskYH.jpgPhóng to
Trận đấu của ba “kỳ phùng địch thủ” ĐH Lao động - xã hội cơ sở TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Q.L.

Bốn đêm thi với 12 trận đấu không chỉ đưa thí sinh mà cả khán giả đi qua nhiều cảm xúc. Có những tiếc nuối cho một số đội nổi bật nhưng chưa thật may mắn, và cả sự tán thưởng dành cho các đội xứng đáng đi tiếp đến trận tranh chức vô địch.

Chiến đấu đến cùng

Có thể nói trận đấu hấp dẫn nhất của vòng bán kết chính là cuộc so tài giữa ĐH Lao động - xã hội cơ sở TP.HCM và hai đội tuyển của ĐHQG TP.HCM là ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Kinh tế - luật. Lá thăm run rủi khiến ba đối thủ mạnh và là “kỳ phùng địch thủ” trong các mùa thi trước phải loại nhau sớm tại hội thi năm nay khiến một thành viên đội tuyển ĐH Kinh tế - luật nói đây là trận chung kết sớm và “chiến đấu đến cùng”.

Nếu sau phần khởi động “Điểm son lịch sử” tương đối đồng đều thì ngay khi bước vào phần thi “Con đường chân lý”, hội trường thật sự phấn khích khi ĐH Khoa học tự nhiên đã liên tục bứt phá vượt lên. Họ nhấn chuông và giành được quyền trả lời cả năm câu hỏi, trong đó đến bốn câu trả lời chính xác ngay ở dữ kiện đầu tiên mà không cần đến ba dữ kiện còn lại. Và cả ba đội đeo bám nhau từng điểm trong suốt trận đấu.

Những nhà giáo trẻ đến từ ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM cũng sẽ là đối thủ không dễ chịu ở vòng thi tiếp theo vì phần thể hiện thuyết phục với phương châm thi đấu khá dễ thương “luôn luôn nhấn chuông ngay khi có thể”. Trong khi đó, đội tuyển Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM cũng chứng tỏ họ là đối thủ đáng gờm khi là đội có tổng điểm cao nhất trong số 12 đội sau vòng thi bán kết.

Nhưng đội tuyển đảo ngược tình thế khiến trận đấu nhiều kịch tính lại thuộc về đội tuyển ĐH Ngân hàng TP.HCM. Bởi sau ba phần thi, đội này có điểm số thấp nhất và cách biệt khá xa so với hai đối thủ là ĐH Luật TP.HCM và ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM. Nhưng trong phần thi quyết định “Ánh sáng thời đại”, ngôi sao hi vọng đã mang lại những điểm số quý giá, cộng với câu trả lời chính xác về từ khóa cần tìm, họ đã bước vào vòng tiếp theo, để lại sự tiếc nuối cho đội tuyển ĐH Luật TP.HCM.

Tương tự, đội tuyển Quận đoàn 5 dù khởi đầu khá vất vả song với kiến thức chắc chắn họ đã hoàn thành các câu hỏi của mình và còn giành luôn phần trả lời không ít câu hỏi của đội bạn. Cũng chính ngôi sao hi vọng đã giúp họ từ đội có điểm thấp nhất vượt lên chiến thắng để đi tiếp vào vòng sau.

“Tranh luận còn... hiền quá!”

Những thầy cô giáo đến từ các trường THPT chứng tỏ được bản lĩnh tốt và đúng nghiệp vụ sư phạm trước các tình huống được đặt ra như: hai học trò nam nữ chuyền thư tay trong giờ học, làm bài môn này trong giờ học môn khác, dùng điện thoại lên mạng mà không tập trung vào bài học...

PGS.TS Hà Minh Hồng - giám khảo hội thi - đánh giá: “Dù tuổi đời còn trẻ, đôi khi không nhiều hơn học trò là mấy, nhưng các thầy cô chứng tỏ được bản lĩnh của mình trước học trò, xử lý đúng nghiệp vụ sư phạm và hợp tình hợp lý”.

“Bản lĩnh nhà giáo trẻ” được thiết kế thành một trong những phần thi của vòng bán kết để xem cách ứng xử, bản lĩnh của nhà giáo trẻ trước các tình huống sư phạm giả định hay gặp trên giảng đường. Dù nhiều đội hoàn thành suôn sẻ, song nhìn tổng thể phần thi này vẫn chưa được như mong đợi.

Việc đòi hỏi khả năng phản biện, tranh luận giữa các nhà giáo trong nhiều trận đấu không thành công, vì không ít nhà giáo trẻ chưa hiểu rõ thế nào là phản biện. Chưa kể có thí sinh phản biện trên sân khấu khiến khán giả hết hồn vì cứ như đang muốn “ăn tươi nuốt sống” đối thủ. Ngoài ra, vài đội tuyển còn sai kiến thức cơ bản, sai cả quan điểm trong phần trả lời lẫn phản biện và tranh luận của mình.

Điều này được PGS.TS Vũ Tình - giám khảo hội thi - nhắc nhở ngay sau đó rằng không phải là cãi nhau mà phải là tranh luận nhẹ nhàng nhưng sắc sảo. Cũng trong phần thi này, không ít lần giám khảo chỉ ra các thí sinh còn hiền quá khi tranh luận, phản biện mà mở đầu bằng “tôi đồng ý với câu trả lời của bạn”.

Cũng từ phần thi này, các giám khảo đã giúp thí sinh nắm thêm nhiều điều mới, bài học mới từ chính hội thi, cả nguyên tắc cần phải có trong tranh luận và phản biện. Trước trả lời của một cô giáo Trường ĐH Tài chính - marketing rằng sẽ vẫn chấm bài bình thường ngay cả khi bài thi dùng nhiều ký hiệu riêng và chữ viết tắt, PGS.TS Vũ Tình chỉ ra rằng như thế là sai, không đảm bảo nguyên tắc trong chấm thi và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Cả thí sinh lẫn khán giả cùng học

Nhiều thí sinh cho biết hội thi là cơ hội quý để họ kiểm tra lại khối kiến thức lý luận đã từng được học và vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống, quá trình công tác của mình. Nên dù trả lời đúng hay sai, họ cũng sẽ nhớ sâu hơn những câu hỏi, kiến thức rất rộng được hỏi trong các phần thi. Thậm chí, đã có không ít tiếc nuối vì biết câu trả lời nhưng do tâm lý thi đấu căng thẳng quá mà đáp sai chi tiết so với đáp án chuẩn.

Các cổ động viên cũng hào hứng không kém trước mỗi câu hỏi được đặt ra. Bạn Minh Khuê (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ có câu bạn trả lời được, có câu không nhưng giải đáp của giám khảo, đáp án của hội thi giúp bạn biết được câu trả lời chính xác. “Nếu ban tổ chức cho khán giả trả lời các câu mà thí sinh trả lời sai hoặc không trả lời thì sẽ thú vị hơn, vì như vậy khán giả cũng có cơ hội để cùng học với thí sinh” - Minh Khuê nói.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên