18/03/2014 07:05 GMT+7

Đừng e ngại khi cần thay đổi

PGS.TS NGÔ MINH OANH
PGS.TS NGÔ MINH OANH

TT - Chuyển đổi môi trường học tập phải chăng là không thể? Thay đổi nhiều công việc có là lựa chọn đúng? Ấy cũng là những dấu hỏi trên mỗi bước chân của nhiều người trẻ hôm nay.

Bí quyết trả lời phỏng vấn dành cho người thay đổi ngành nghề3 sai lầm cần tránh khi chọn ngành nghề

2rDG99GB.jpgPhóng to
PGS.TS Ngô Minh Oanh từng tham gia giao lưu trực tuyến để chia sẻ nhiều chủ đề liên quan đến giới trẻ cùng bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm

“Đối thoại tuổi 20” lần này mời các bạn cùng trò chuyện với PGS.TS Ngô Minh Oanh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) - người đã có cơ hội trải nghiệm nhiều môi trường học tập, công việc khác nhau và cũng từng có nhiều buổi chia sẻ với các bạn trẻ về những lần thay đổi ấy.

Chuyển đổi cũng hay

* Là tiến sĩ sử học nhưng rồi lại đi học triết và hiện nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục, hẳn là ông có nhiều lý do cho những lần chuyển đổi ấy?

"Đừng nghĩ đến khó khăn hay liệu mình có thích nghi được không mà hãy xem việc thay đổi môi trường mới như một cơ hội để làm mới bản thân, sẵn sàng làm quen một lĩnh vực mới, tiếp cận nguồn tri thức mới"

- Cũng một phần do yêu cầu của tổ chức, nhiệm vụ được phân công mà tôi có cơ hội trải qua một số môi trường học tập, công tác như thế. Lẽ thường ai cũng có tâm lý thích sự ổn định. Nhưng bản thân tôi lại thích mạo hiểm, muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới, cũng là để khám phá năng lực của mình. Và tôi tự tin vào chính nội lực của bản thân mỗi lần chuyển đổi như thế. Dĩ nhiên, những môi trường chuyển đổi ấy đều không quá xa với chuyên môn ban đầu của mình.

Hơn nữa, tôi nghĩ thay đổi cũng là cách hay vì ít có tri thức khoa học nào nghiên cứu độc lập mà phải là sử dụng tri thức liên ngành. Xã hội hiện đại phải là như thế, đều phải có tri thức giao thoa chứ không có gì đứng độc lập cả.

* Không phải người trẻ nào cũng hồ hởi với việc thay đổi ngành nghề, chỗ học, thậm chí còn lo lắng không dễ thích nghi với môi trường mới...

- Thách thức khi phải chuyển đổi môi trường mới là có vì đôi khi gần như phải làm lại từ đầu. Tri thức chúng ta đang có từ ngành nghề, công việc mới chắc chắn chỉ là một phần hoặc rất ít chứ không thể đầy đủ như cái cũ chúng ta đã quen rồi. Chưa kể còn phải tiếp xúc với những mối quan hệ mới. Nếu không có quyết tâm thì tâm lý e ngại, không biết nơi mới như thế nào là đương nhiên.

Nhưng cơ hội mới cũng có nhiều. Sự chuyển đổi ấy giúp chúng ta năng động hơn. Hoàn cảnh và yêu cầu công việc mới thôi thúc mình tìm hiểu để đáp ứng được yêu cầu mới. Chúng ta sẽ có thêm nhiều bạn bè, đồng nghiệp mới. Chúng ta cũng sẽ tạo được hứng khởi cho mình trong quá trình làm việc vì phải tích lũy, lấp đầy khoảng trống về tri thức và như thế sẽ “lớn lên”, trưởng thành hơn. Và tôi cho rằng ấy chính là những cái được rất lớn.

Xác định đam mê

* Có khi người ta đi cả đoạn đường dài mới nhận ra mình không thật phù hợp với con đường mình đang đi. Ông sẽ nói gì trước hiện tượng này, cũng là trăn trở của không ít bạn trẻ hiện nay?

- Hãy thử cố gắng với tất cả tình yêu nghề nghiệp, sự say mê của mình thêm chút nữa. Còn khi mình đã nỗ lực hết mình mà vẫn không đạt được thành quả gì đáng kể thì chắc chắn phải chuyển đổi rồi. Chúng ta hãy nhìn việc chuyển đổi nghề nghiệp là xu hướng của xã hội hiện đại chứ đừng nghĩ là cái gì quá to tát. Và điều kiện để chuyển đổi hiện nay vô cùng thuận lợi.

Việc thay đổi sẽ mang lại nhiều cái mới, có khi là tăng thu nhập cho bản thân, xây dựng những mối quan hệ mới. Ngay cả điều kiện học tập hôm nay cũng tạo thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi có thể học tập suốt đời mà không có bất kỳ hạn chế nào vì thông tin, tư liệu phục vụ việc học tập, cơ hội tiếp cận với tri thức mới rộng mở lắm.

Vấn đề là chính người muốn chuyển đổi có xác định được đam mê, đủ nghị lực, quyết tâm để dám thay đổi hay không. Bản lĩnh của người trẻ là ở đó. Ở đây còn là quan niệm về công việc. Nếu là công việc mang lại lợi ích cho xã hội, là sự cống hiến hẳn chúng ta sẽ có say mê. Tôi chỉ e rằng người ta chuyển đổi khi không xác định được ý nghĩa, mục đích của công việc mà chỉ chạy theo cảm xúc, vì lợi ích cá nhân nào đó. Mà điều này nhiều bạn trẻ hôm nay gặp phải lắm. Nên chuyển đổi có thể tốt nhưng nếu chuyển nhiều quá thì không hẳn đã là hay.

* Ông vừa nói đến việc xác định đam mê, làm sao để mỗi người trẻ nhận rõ đam mê của đời mình khi kinh nghiệm sống chưa nhiều và còn đang trên đường tìm kiếm?

- Đam mê ở mỗi người sẽ khác nhau. Có khi chỉ là yêu thích cảm tính ban đầu thôi. Từ yêu thích đến đam mê là cả quá trình lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí phải đánh đổi cả những đam mê, thú vui khác. Đam mê phải là tìm thấy sự say mê thật sự, sống chết với nó, ngoài điều ấy ra chẳng còn nghĩ tới lĩnh vực nào khác và cũng phải đạt được thành quả nhất định nào đó.

Khi bạn toàn tâm cống hiến, dấn thân đi tìm lời giải cho những thắc mắc của mình và quyết tâm phải tìm cho ra chứ không chỉ là nói, thì ấy chính là đam mê. Trong một chừng mực nào đó cần có phương pháp, lộ trình, tuyệt nhiên không thể là yêu thích viển vông mà thành đam mê được. Tôi cho rằng chỉ khi nào bạn trả lời được câu hỏi “Bạn đã dành hết thời gian, công sức, trí lực cho nó chưa?” thì chắc rằng bạn cũng đã nhận ra đâu là đam mê của đời mình.

PGS.TS Ngô Minh Oanh là tiến sĩ sử học, nguyên trưởng khoa lịch sử và hiện nay là viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM). Ông cũng đã tốt nghiệp cử nhân triết học Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐHQG TP.HCM).

PGS.TS NGÔ MINH OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên